26/03/2012 08:25 GMT+7

Trái tim không đột quỵ

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên gửi đến Tuổi Trẻ câu chuyện văn hóa sau sự kiện xúc động của bóng đá thế giới chia sẻ với tiền vệ 23 tuổi Fabrice Muamba.

E6pXNbUy.jpgPhóng to

Cầu thủ đội Tottenham mặc áo mang dòng chữ động viên Fabrice Muamba - Ảnh: Reuters

Tiền vệ 23 tuổi Fabrice Muamba của Bolton sụp xuống và ngừng thở trên sân vào những phút cuối của hiệp một trong trận đấu với Tottenham ở Cúp FA hôm 17-3. Trận đấu bị dừng lại. Hàng vạn người trên sân hồi hộp lo lắng cho sự sống của chàng cầu thủ trẻ gốc Congo. Và khi tin tức cùng hình ảnh về vụ đột quỵ của Muamba được truyền đi, cả thế giới bóng đá và khán giả ở nhiều nước như Ý, Tây Ban Nha... đã bày tỏ tình cảm, có những việc làm, lời nói cổ vũ, động viên một cầu thủ, một con người đang trong tình trạng nguy kịch.

Fabrice Muamba đã thoát cơn hiểm nghèo. Muamba đã sống lại sau cơn đột quỵ nhờ sự tận tình của các y bác sĩ. Và chàng cầu thủ trẻ sẽ cảm thấy sự sống trở lại trong mình mạnh hơn khi được tiếp sức từ những tấm lòng của đồng đội, đồng nghiệp và khán giả. Trái tim của Muamba đã được hồi sinh từ những trái tim không bao giờ đột quỵ của con người đến với con người, băng qua mọi trùng dương lục địa, xuyên qua các biên giới lãnh thổ quốc gia, không phân biệt màu da, giọng nói.

Bởi vì bóng đá không chỉ là bóng đá. Con người bày ra môn chơi bóng bằng chân không chỉ để dùng chân chơi bóng. Những chàng trai nhiệt huyết trên sân cỏ với trái bóng lăn tròn qua lại không chỉ để làm bật lên những tiếng reo hò khoái cảm trước mỗi bàn thắng. Trái bóng bay vẽ quỹ đạo cuộc sống, vẽ số phận con người.

Một cầu thủ giỏi, một ngôi sao sân cỏ nâng khán giả lên đỉnh cao mơ ước, lên hạnh phúc cuộc đời. Một cầu thủ có hành vi thô bạo, biến sân cỏ thành vũ đài, nỗi đau và cơn giận bùng nổ không chỉ trên một cầu trường, ở một sân bóng. Một cầu thủ gục ngã vì kiệt sức, đột quỵ vì gắng sức và cái chết có thể xảy ra, nhân loại trong và ngoài bóng đá thấy có mình dự phần vào đó. Nỗi đau và tình thương động vào khắp mọi trái tim người như trái bóng chạm vào sân cỏ bằng tất cả khối tròn của nó.

Cầu thủ là con người. Khán giả là con người. Mỗi trận đấu là cuộc chơi, nhưng còn là cuộc đời. Sợi dây nối liền người và người trong ngoài sân cỏ là tình cảm người với các cung bậc thương ghét mừng giận trước mỗi biểu hiện hành vi, cử chỉ, lời nói của người với người từ sân lên khán đài và ngược lại. Fabrice Muamba đá bóng ở Anh, khán giả Ý, Tây Ban Nha đâu có thấy mặt anh trực tiếp, đâu có dịp xem anh đá. Nhưng cú gục xuống sân cỏ nước Anh của anh là nỗi đau của một con người, cơn đột quỵ đó khiến tôi đau, anh đau, chúng ta đau.

Tình cảm này nói là tự nhiên nhưng không phải tự nhiên mà có được. Cái tự nhiên phải được nâng lên tầm văn hóa. Thể thao không văn hóa chỉ là thể lực. Bóng đá không văn hóa chỉ là đá bóng. Người chơi không văn hóa chỉ là chơi người. Một nền bóng đá đẹp biết nuôi dưỡng những tình cảm đẹp cho cả cầu thủ và khán giả. Để những trái tim cầu thủ tránh được rủi ro đột quỵ. Để những trái tim khán giả không dửng dưng, thờ ơ mà thành đột quỵ. Để trái bóng bay bay không chỉ từ khung thành đến khung thành mà từ trái tim đến trái tim.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên