Đoàn du khách của Đức tham quan TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng trong tháng 11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong thời đại công nghệ số, du lịch không chỉ được trải nghiệm bằng cách trực tiếp. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng bắt đầu nhận thấy tiềm năng của cách làm du lịch kiểu trực tuyến.
Chúng ta cần xây dựng một phần mềm mới về du lịch ảo cho TP.HCM. Đây là phần mềm có dung lượng kiến thức lớn và chất lượng cao, giới thiệu toàn bộ những gì thuộc về TP.HCM, từ danh thắng cho đến cuộc sống con người. Đây chính là bộ mặt trên không gian mạng của TP.HCM trong mắt bạn bè quốc tế.
TP.HCM có một nền văn hóa độc đáo. Đây chính là lợi thế để giới thiệu với du khách quốc tế bằng hình ảnh. Hiện nay, nếu chúng ta có tổ chức hay doanh nghiệp tiên phong thì sẽ vực dậy được nền du lịch của thành phố. Khoảng lặng du lịch có thể coi là thời gian cần thiết để chứng tỏ thực lực của thành phố vốn cần sức sáng tạo rất cao.
Du lịch ảo chính là hướng đi cần phát triển trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang không để chúng ta yên. TP.HCM nên tận dụng thời gian này để phát triển công nghệ, tạo nền tảng để giữ vững và phát triển ngành du lịch.
Một ví dụ làm du lịch bằng cách xây dựng phần mềm thực tế ảo được biến đến gần đây là các công ty du lịch của Mỹ.
Nắm bắt được nhu cầu trải nghiệm ngay trên mạng của du khách, họ xây dựng những sản phẩm video VR ngắm cảnh New York từ trên máy bay trực thăng, đem lại cho người dùng cảm giác gần giống với thật.
Họ cũng giới thiệu các hình ảnh đường phố, ẩm thực, nghệ thuật bằng công nghệ thực tế ảo với chất lượng cao. Như vậy, khách vừa có thể xem hình ảnh thực tế và quyết định có nên mua tour để đi du lịch tận nơi hay không. Nếu không, hình ảnh thành phố cũng được quảng bá rất tốt.
Chúng ta còn phải tăng cường quáng bá hình ảnh tốt đẹp của TP.HCM đến với bạn bè quốc tế. Muốn vậy, phải tăng cường các kênh chính thức của thành phố giới thiệu văn hóa, ẩm thực... của thành phố trên bình diện quốc tế.
Điều cấp thiết phải làm một cách nhanh nhất chính là thông tin. Với mỗi du khách đến thành phố, việc đầu tiên mà họ sẽ làm là tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất để nhanh chóng đến được nơi mình muốn đến. Đó có thể là một điểm đến phù hợp với nhu cầu của mình. Đó có thể là một khách sạn phù hợp túi tiền, là nhà hàng hay homestay.
Tuy vậy hiện nay thông tin mà thành phố cung cấp cho du khách thông qua internet cũng như trực quan là chưa nhiều. Du khách vẫn phải tốn nhiều thời gian, thậm chí hỏi tới hỏi lui mà vẫn bị choáng ngợp với một rừng nhà cung cấp nếu như họ muốn thưởng thức dịch vụ theo đúng nhu cầu của mình.
Đoàn du khách của Đức tham quan Bưu điện TP.HCM tháng 11-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vậy còn tra cứu thông tin trên mạng thì sao? Có thể họ sẽ tìm được ngay thông qua các mạng xã hội, các reviewer hay ứng dụng bán hàng, tuy vậy, cũng không thể bao quát hết tất cả các dịch vụ mà du khách mong muốn.
Việc xây dựng một hệ thống thông tin phục vụ cho du lịch của TP.HCM là vô cùng cần thiết. Sau khi chúng ta đã khống chế được dịch bệnh, hoặc đã khống chế được một khu vực đủ rộng để tổ chức du lịch, việc, có một hệ thống thông tin đồng bộ, tích hợp với mã số cá nhân để quản lý và đảm bảo an toàn cho du khách sẽ làm người đến TP.HCM du lịch yên tâm hơn.
Ứng dụng công nghệ big data để tạo một ứng dụng phục vụ cho toàn bộ du lịch của thành phố chính là việc cần làm để vừa hướng tới lợi ích của du khách, vừa xây dựng một cộng đồng làm du lịch công nghệ cao.
Hiện nay chưa có một hệ thống thông tin, một cuốn từ điển bách khoa thông minh về du lịch của TP.HCM. Hệ thống này sẽ két nối các điểm đến, những người kinh doanh và du khách, vừa giúp các nhà quản lý xây dựng và bảo vệ hệ thống du lịch, vừa giúp quảng bá hình ảnh và thương hiệu của thành phố.
Đó sẽ là một "bản đồ ảo", làm nền tảng cho du lịch của thành phố phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận