Khách hàng sẽ được trải nghiệm cái chết của mình bằng việc nằm trong quan tài đóng nắp kín - Ảnh: Insider
Quán cà phê Hàn Quốc này là một điểm đến trong chương trình "Ravi Patel’s Pursuit of Happiness" đang được chiếu trên kênh HBO Max, kể về hành trình tìm hiểu cách xử lý những thách thức xã hội ở từng quốc gia.
"Chúng tôi ở đây để dự đám tang của mình", Ravi nói trong khi bước vào "quán cà phê tử thần" cùng người bạn Matt Pohlson.
Anh ấy đến Hàn Quốc cùng Pohlson, một người bạn thân và cũng là doanh nhân, để tìm hiểu cách quốc gia này đối phó với tình trạng tham công tiếc việc. Nhiều công ty đã gửi những nhân viên làm việc quá sức đến các "quán cà phê tử thần", nơi giúp khách hàng có cơ hội tham dự chính đám tang giả của họ.
Các hoạt động mà khách hàng được trải nghiệm ở "quán cà phê tử thần" như mặc trang phục tang lễ hay nằm trong quan tài đóng kín có thể mang xu hướng cực đoan. Tuy nhiên, đây lại là cách quán cà phê giúp con người có thời gian tự suy ngẫm về bản thân.
"Nó hơi hoang đường nhưng mục đích chung ở đây là nhắc nhở bạn về những vấn đề quan trọng khác trong cuộc sống và cách để tập trung vào những điều mà ta biết ơn", Patel nói với Insider.
Hàn Quốc là quốc gia có số giờ làm việc tối đa cao đến 52 giờ kèm theo đó là tỉ lệ tự tử cao bậc nhất trong các quốc gia phát triển. Người dân nước này đang tìm đến những quán cà phê tử thần để có thời gian cân bằng và định hình lại cuộc sống trước khi quá muộn.
Khách hàng còn được chụp ảnh thờ và viết lá thư cuối cùng - Ảnh: Insider
Tại đây, khách hàng sẽ được chụp ảnh thờ dành cho lễ tang và viết những lời cuối cùng mà họ sẽ ghi trên bia mộ.
Trước buổi lễ, cả nhóm tập trung tại một căn phòng, nơi họ được khuyến khích cười nói "những giây phút vui vẻ cuối cùng" trước khi trải nghiệm cái chết. Sau đó, một người đàn ông mặc áo choàng đen sẽ đưa họ đến một căn phòng chứa đầy quan tài gỗ giống hệt nhau.
"Tham dự đám tang dạy bạn cách sống cuộc đời của mình", người làm chủ buổi tang lễ nói với khách hàng.
Đứng trước bức ảnh thờ và những ngọn nến tưởng niệm của chính mình, những người tham gia được yêu cầu suy ngẫm về một cách "sống khác" nếu chỉ còn 6 tháng trên đời.
"Bạn có chắc mình không còn gì hối tiếc trong cuộc đời? Hãy tự hỏi mình, tại sao thời gian qua lại sống khó khăn như vậy?", người dẫn dắt buổi lễ nói.
Các vị khách sau đó được đưa vào quan tài nằm và đóng nắp trong vòng 15 phút. Khi ra ngoài, họ được hướng dẫn viết "lá thư cuối cùng" cho người thân của mình và đọc to chúng như là điếu văn của mình.
"Khi bạn viết điếu văn của mình, nó thực sự là kết tinh của những điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Bạn nhận ra rằng đó không phải là điều gì khác mà là về những người bạn yêu thương và cách bạn thúc đẩy cuộc sống của họ", Ravi nói.
Mô hình "quán cà phê tử thần" ở Hàn Quốc là một trong những nỗ lực của nước này cũng như thế giới trong việc giải tỏa căng thẳng nơi làm việc.
Tổ chức y tế thế giới đã thêm tình trạng "burnout" (tạm dịch: hội chứng cháy sạch), được định nghĩa là hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc. Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như sau: cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngày càng xa cách về mặt tinh thần - tức cảm thấy tiêu cực, hoài nghi - với công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả khi trước khi "burnout", việc cân bằng cuộc sống và công việc kém có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động
Nhiều người đang nhân cơ hội làm việc tại nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để sắp xếp và cân bằng lại cuộc sống của mình.
"Đại dịch đã buộc tôi phải ưu tiên cuộc sống hơn công việc. Bây giờ, tôi sắp xếp lịch trình làm việc xoay quanh cuộc sống của tôi thay vì ngược lại như trước", Ravi Patel chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận