Đóng gói thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại hội nghị, phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, ông Văn Hữu Vệ, cho hay hiện nay tiêu thụ mít khó khăn, khoai lang không tiêu thụ được...
Nhiều loại trái cây đang gặp khó
Tiền Giang có sản lượng trái cây hiện là 992.000 tấn, đạt khoảng 60% sản lượng cả nước. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này, cho biết: "Đang tiêu thụ khó thanh long, khóm, mít, xoài. Thanh long chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg, mít 5.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không được, ùn ứ nhiều. Đề xuất Tổ 970 xem xét hỗ trợ kết nối DN ở đây với DN các vùng ít cây ăn trái để tiêu thụ tốt hơn".
Giá mít xuống thấp, thậm chí xuống còn 4.000 đồng/kg cũng là câu chuyện gặp khó khi tiêu thụ nông sản ở tỉnh Hậu Giang, trong khi giá thành sản xuất mít là 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, sầu riêng ở tỉnh này đầu vụ bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ có 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Đồng Nai thì chia sẻ gặp khó trong xuất khẩu chuối, giá chỉ có 5.000 đồng/kg, chỉ vừa đủ chi phí đầu tư.
Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho hay tháng 3, tháng 4 sản lượng xuất khẩu rau củ quả đều giảm 18% so với năm 2021 vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Liên minh châu Âu kiểm tra thanh long rốt ráo nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài vào châu Âu.
"Măng cụt đang thống nhất với Trung Quốc để xem xét hồ sơ đề nghị mở cửa nhanh thông quan, nhưng phía bạn phát hiện COVID-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc...", ông Hòa cho biết.
Có nắm được Zalo, Viber các nhà vườn không?
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương học cách ứng xử của Thái Lan là truyền thông đến người nông dân phòng chống COVID-19, tránh lây chéo lên bao bì sản phẩm.
"Họ ứng xử linh hoạt, không gửi hồ sơ nhiều lần mà vận động tuyên truyền ngay để không mất thời gian cho nhà vườn. Chúng ta làm chính sách phải như DN đi bán hàng, bán tận tay và bằng mọi cách.
Cán bộ ở sở có nắm được Zalo, Viber các nhà vườn không? Ở trên triển khai nhanh lẹ, nhưng xuống tới địa phương, giao giám đốc sở và nằm luôn ở bàn giấy. Hãy truyền chính sách như tiếp thị bán hàng", ông Hoan đề nghị.
Có địa phương từng đề nghị DN đến xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ nông sản. Nhưng ông Hoan nói: "Nghe lý thuyết thì đúng, nhưng ở Tiền Giang tôi nói rất nhiều lần rồi, không phải DN đến xây dựng nhà máy là xong. Mình có đủ nông sản 4 mùa cung cấp không, nông sản có đạt chuẩn mực thị trường, có đảm bảo và cam kết sạch được không? Các đồng chí và ngay cả bộ trưởng không dám trả lời, không trả lời được thì DN không vào".
Cho rằng phải giúp bà con giảm chi phí xuống, chứ không phải nói giá xuống, ông Hoan nhấn mạnh giải pháp đưa nông dân vào tổ chức, vai trò điều phối vùng, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, xây dựng hiệp hội ngành hàng, kích hoạt diễn đàn hỗ trợ mua bán nông sản...
"Tôi có mơ ước..."
Chia sẻ về các giải pháp, ông Văn Hữu Huệ cho hay Sở NN&PTNT Vĩnh Long vừa ký với TP.HCM và đang làm lại sản lượng từng mùa vụ chi tiết để kết nối cung cầu với thành phố và ký kết với Viettel, VNPT để làm nông nghiệp số tiêu thụ sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc chậm, đăng ký các tiêu chuẩn tốn cả trăm triệu đồng chưa bán được thì hết hạn.
"Chúng tôi có phương án chợ đầu mối hợp tác với bà con. Tôi có mơ ước có siêu thị online cho cả ĐBSCL. Ở đó, bạn bè cả nước và nước ngoài vào đó sẽ thấy trực tiếp và đặt hàng...", ông Vệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận