11/01/2005 05:02 GMT+7

Trái cây Trung Quốc nườm nượp đổ về...

T.V.N. - KH.NGỌC
T.V.N. - KH.NGỌC

TT - Khu bán hàng trái cây ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã bắt đầu nhộn nhịp, nhất là khu bán trái cây ngoại nhập. Trái cây nhập phần lớn là hàng Trung Quốc (TQ) với đủ loại thùng giấy in hình táo, lê, cam, quít... chất từng đống cao. Người khuân kẻ vác mua bán tấp nập...

Thị trường tết

55UssSmQ.jpgPhóng to
Trái cây TQ nườm nượp đổ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh chụp lúc 0g30 ngày 8-1-2005 - Ảnh: KH.NGỌC

Cam TQ: từ da xanh đến da cam!

“Bây giờ là thời điểm các chủ vựa bắt đầu nhập hàng về bán tết. Hàng ngon, đẹp sẽ ém lại trong kho, đến tuần cận tết sẽ bung ra, chủ yếu là hàng của TQ” - chị Khánh Linh, chủ vựa trái cây Khánh Linh chuyên bán buôn, xuất nhập khẩu các loại trái cây, cho biết. Theo chị Linh, hầu hết hàng ở đây được nhập thẳng của thương lái TQ, là những loại trái cây đang “nóng” tại cửa khẩu Tân Thanh, sau đó Nam tiến bằng xe container lạnh.

Trái cây từ vựa sẽ đổ về các tỉnh miền Tây, miền Đông, bỏ mối vào các siêu thị và các chợ trong TP. Nhưng lượng trái cây TQ tiêu thụ tại TP hiện nay không bằng các tỉnh do thị hiếu đã có sự thay đổi. Theo ban quản lý chợ, lượng trái cây về chợ hiện ở mức 1.300-1.400 tấn/đêm, so với ngày thường tăng khoảng 100-200 tấn/đêm. Số lượng này này sẽ tăng gấp 4-5 lần vào thời điểm cận tết. “Nếu không trữ trước thì đến cận tết giá trái cây nhập ngay cửa khẩu TQ cũng lên. Từ rằm tháng chạp là trái cây bên TQ đã lên giá 5.000 - 10.000 đồng/thùng rồi” - chị Linh nói.

“Giá trái cây biến động hằng ngày. Nếu nhập hàng thông qua đầu mối thì giá cả sẽ do chủ mối quyết định. Nếu chợ ế thì một thùng lê (17kg) mua 100.000 đồng vô chợ bán chỉ còn 60.000-70.000 đồng. Còn nếu chợ “chạy”, hàng về ít, có thể bán được 110.000-120.000 đồng” - chị Hoàng, chủ vựa trái cây Hoàng Bon, nói.

Ngày thường tùy theo hàng bán ế hay đắt mà giá trái cây hôm trước hôm sau có thể trồi sụt 3.000-5.000 đồng/thùng. Và cũng theo qui luật cung cầu, nếu cận tết mà hàng về nhiều thì giá sẽ không tăng. Nhưng nếu hàng về ít, vào tuần cao điểm giáp tết (thường là sau ngày 23 âm lịch), giá sẽ tăng khoảng 10-20% so với ngày thường. Bán chạy hay không còn phụ thuộc vào thị hiếu tiêu dùng mỗi năm thích ăn loại trái cây nào nhiều vào dịp tết.

Khoảng 25-26 tết, các vựa bắt đầu bung trái cây trong kho lạnh ra. Đây là thời điểm sẽ quyết định hàng khan hay “dội”. Theo kinh nghiệm của chị Hoàng, mối lái ở các tỉnh miền Tây sẽ về chợ lấy hàng từ 20-22 âm lịch. Nếu bán được, họ sẽ lên lấy hàng tiếp. Toàn bộ trái trữ trong kho lạnh sẽ được “đẩy” sạch ngay trong mùa tết. Còn từ 25 âm lịch mà yên lắng, lái tỉnh không lên chợ nữa thì biết là dội hàng! Lúc đó chủ vựa phải lo giảm giá từ từ, giá thấp quá thì ém hàng lại trong kho lạnh để ra giêng lại bán được giá.

“Phải đến sau mồng 8 tết mới có hàng trái cây từ TQ về, vựa nào lúc đó còn hàng trong kho thì bán có lời” - chị Hoàng bật mí. Các chủ vựa cũng cho biết một mặt hàng mới toanh xuất hiện trong dịp tết này là cam TQ vỏ... xanh (!), trái nhỏ hơn trái cam sành, giá khoảng 100.000 đồng/thùng 10kg đang được các mối tỉnh chuộng vì lạ. Riêng cam TQ da cam năm ngoái không về, năm nay lại đổ về chợ với số lượng khá nhiều cùng với quít, giá chỉ độ 100.000 đồng/thùng 10kg.

Ông Nguyễn Văn Ngã, chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (TP.HCM), cho biết lượng trái cây nhập ngoại chính thức (đi bằng đường tàu biển) có kiểm dịch (tức kiểm tra thành phần côn trùng, nấm bệnh, vi trùng có trong rau - củ - quả nhập khẩu) tại chi cục trong năm 2004 ước 15.900 tấn.

Rồi nho Mỹ, sơri Úc!

Thị trường còn có các loại trái cây ngoại nhập khẩu theo đường chính ngạch là táo, nho, lê, cam có xuất xứ từ Mỹ, Úc, Chile, New Zealand với gần 20 loại khác nhau. Tại các siêu thị và các chợ ở TP.HCM, lượng trái cây ngoại nhập từ Mỹ, Úc, Nhật như táo, nho, cam, quít vẫn chiếm thị phần nhiều hơn hàng TQ và được tiêu thụ khá mạnh.

Ông T., một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trái cây nhập khẩu (Q.1), cho biết ngoài các nước quen thuộc còn xuất hiện những nước khá xa xôi như Brazil, Argentina, Pakistan, Nam Phi với các loại quả tuy không lạ về tên gọi, cũng chỉ là cam, táo, quít, nhưng có mùi vị rất khác biệt nên cũng gây tò mò cho không ít người tiêu dùng. Tuy nhiên, do mùi vị không hợp với khẩu vị nên lượng trái nhập từ các nước nói trên hiện rất ít, chỉ độ chừng trăm kí lô (mỗi loại) chứ không rầm rộ như trước, dù giá khá mềm, chỉ dưới 20.000 đồng/kg.

Cũng theo ông này, lượng trái cây nhập hoàn toàn phụ thuộc vào mùa trái cây trong nước đang có. Nếu trái cây “nội” đang vào mùa, bất kể là loại quả nào, thì lượng trái cây nhập buộc phải giảm nếu không muốn bị “ngậm” hàng quá lâu. Cái khổ nhất của ngành này là hàng phải luôn được trữ lạnh, phải bảo quản kỹ vì chỉ cần một quả hư thì chỉ trong thời gian ngắn, có thể phải đổ bỏ cả thùng vì tốc độ lây lan của nó rất nhanh. Đây cũng là lý do dù giá nhập khẩu không quá đắt nhưng khi bán đến tay người tiêu dùng giá lại cao chót vót bởi chi phí lưu kho, độ xuống màu của quả diễn ra rất nhanh kể từ lần khui thùng đầu tiên, nên hiếm khi các nơi bán lẻ có thể “đẩy” được hết một thùng trên 10kg trong một ngày.

“Phần lớn các điểm bán lẻ khi mua về đều hét giá rất cao ở những lần mở thùng đầu tiên. Giá sẽ tự hạ xuống tùy theo số ngày đã khui hàng” - ông T. tiết lộ. Ví dụ táo gắn nhãn “Gala” (Mỹ), nhà nhập khẩp bán cho đầu mối cấp 1 chỉ khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người tiêu dùng sẽ lên đến 35.000-40.000 đồng/kg ở những ngày đầu, và hạ xuống từ 5.000-7.000 đồng/kg cho các ngày tiếp theo. Quít từ Nam Phi giá gốc cũng chỉ độ 15.000-19.000 đồng/kg, nhưng khi bán ra thị trường có thể lên đến gần 30.000 đồng/kg.

Do trái cây ngoại nhập “liên hợp quốc” được bán nhiều trên thị trường nên dễ gây nhầm lẫn khá thiệt thòi cho người tiêu dùng. Dễ lẫn nhất là cam vỏ đỏ của TQ (khoảng 8.000 đồng/kg) rất giống với cam Mỹ (12.000-15.000 đồng/kg) nên nhiều người bán lẻ cứ rao “Mỹ mà, giá phải cao hơn chứ !”. Quít Thái cũng bị “oan mạng” như vậy. Những trái quít nhỏ, màu cam đậm hiện đang bán nhiều trên thị trường thực tế là quít TQ. Nhưng do quả ngọt, không hạt, giống nhiều loại trái cây Thái nên có nhiều người rao là hàng Thái là điều dễ hiểu.

Riêng các quả nhập từ Thái Lan như sầu riêng, măng cụt, me... một thời nổi đình nổi đám thì nay sức tiêu thụ có vẻ “xìu” vì “vị ngọt của nó giết chết cái đặc trưng riêng của từng loại quả” - chị Hồng, bán trái cây ở chợ Bến Thành, nhận xét. Hàng từ Đài Loan cũng vậy. Ngoài táo xanh ngọt giòn, quả to, hiện còn có thêm khế và... ổi, giá 17.000-40.000 đồng/kg, nhưng người bán đoan chắc “thua xa lắc” hàng nội.

T.V.N. - KH.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên