Trái cây được xem là siêu thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, để cơ thể hấp thụ tốt các dưỡng chất trong trái cây, quan trọng nhất chúng ta cần biết thời điểm nào trong ngày để ăn trái cây.
Chúng ta không nên ăn trái cây trong các bữa ăn chính vì vitamin, khoáng chất, và chất oxy hóa trong trái cây bị mất đi khi đợi tiêu hóa cùng với protein và chất béo của thực phẩm ăn trong bữa ăn chính. Ngoài ra, lượng đường trong trái cây dễ bị lên men nếu được tiêu hóa chung với các protein trong thức ăn và làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn.
Những người có hệ tiêu hóa kém cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy,…. Lâu dài, cuộc sống hàng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng, làm cho cơ thể mệt mỏi, trí óc không tập trung, và giảm chất lượng cuộc sống. Những triệu chứng trên kéo dài có thể làm người bệnh suy nhược cơ thể do thiếu dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó, tạo cơ hội cho một số vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập và phát triển trong cơ thể gây ra các bệnh nguy hiểm như tả, lị, viêm đại tràng mạn tính…
Trái cây nên ăn vào các bữa phụ (sáng hoặc chiều) và trước các bữa ăn ít nhất 30 phút để giúp kiềm chế lượng thức ăn. Ăn trái cây trước bữa ăn giúp giảm béo và tiêu hóa hiệu quả. Chất xơ trong trái cây tăng cảm giác no lâu. Táo, lê, chuối,… chứa nhiều chất xơ. Nếu chúng ta muốn ăn trái cây sau bữa ăn thì chúng ta cũng nên ăn sau 30 phút.
Ngoài ra, ăn nhiều trái cây quá trong 1 ngày cũng không tốt. Dưới đây chuyên gia dinh dưỡng Mỹ - Lily Nichols chia sẻ những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ăn quá nhiều trái cây.
1. Bị đầy hơi thường xuyên
Trái cây rất giàu đường fructose. Không phải ai trong chúng ta đều hấp thu và tiêu hóa tốt một lượng lớn đường fructose. Một nghiên cứu cho thấy rằng có tới 40% người kém hấp thu fructose. Vì vậy, vài loại trái cây ăn vào, nằm lại trong ruột, dễ lên men bởi vi khuẩn đường ruột. Khi vi khuẩn tiêu hóa những chất này, chúng dễ dàng sản sinh ra nhiều khí, gây đầy hơi, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.
Trước giờ, chúng ta hay nghe nói đường fructose tự nhiên trong trái cây không gây ảnh hưởng gì mà chỉ có fructose từ đường bổ sung mới thật sự có hại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở một mức độ nhất định. Vì hiện tại hầu hết các loại trái cây đã được lai tạo để có kích thước lớn hơn và chứa nhiều đường fructose hơn so với thời kỳ trước nên cơ thể chúng ta không thể hấp thu hết đường fructose. Nếu bụng bị đau thắt sau khi ăn trái cây thì rất có thể bạn đang mắc chứng kém hấp thu đường fructose ở một mức độ nào đó.
2. Bị tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích
Nhiều trái cây giàu pectin- một loại carbohydrate. Bên cạnh hấp thu kém đường fructose mà còn kém hấp thu carbohydrate dẫn đến tiêu chảy, chướng và đau bụng ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
3. Không thể giảm cân
Mặc dù bạn đang muốn giảm cân và đã hạn chế ăn kẹo, thực phẩm chế biến sẵn,…, hạn chế uống nước ngọt nhưng vẫn không giảm cân được. Lúc này, bạn nên xem lại lượng trái cây ăn vào. Trái cây là một thay thế lành mạnh cho đồ ăn vặt, nhưng nếu trái cây được ăn nhiều trong bữa ăn chính và phụ thì bạn đang ăn quá nhiều carbohydrate.
Chính vì vậy, cơ thể rất khó giảm cân. Bất cứ lúc nào bạn ăn carbohydrate, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Điều đó kích hoạt cơ thể tiết ra insulin để giảm lượng đường trong máu bằng cách chuyển đổi carbohydrate thành chất béo để lưu trữ.
Một quả chuối chứa cùng số lượng carbohydrate bằng 2 lát bánh mì và nhiều hơn một số kẹo. Vì vậy, người đang giảm cân nên tránh ăn một số trái cây như bơ, nho, xoài, trái cây khô và chuối.
4. Luôn cảm thấy đói
Đường fructose trong trái cây có một tác dụng khác hiếm khi được nhắc đến. Đó là fructose không kích hoạt việc giải phóng leptin, một loại hormone báo hiệu cảm giác no mà thay vào đó kích hoạt việc giải phóng ghrelin, một loại hormone kích thích cảm giác đói. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ăn trái cây khiến bạn muốn ăn nhiều trái cây hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận