Trái bóng mãi vẫn không tròn

HUY ĐĂNG 24/06/2021 16:06 GMT+7

TTCT - Hàng loạt điều luật mới đã được ban hành ở VCK Euro 2020 nhằm đảm bảo một ngày hội bóng đá hoàn hảo hơn, tròn trịa hơn. Nhưng cứ mỗi vòng đấu, UEFA lại một phen... bị vùi dập tơi bời.

Chỉ riêng chuyện đảm bảo sức khỏe cho cầu thủ đã trở thành một vấn đề nan giải.

Bóng đá nên học... bóng bầu dục

Ngay sau trận Đan Mạch thua Phần Lan, nhiều người hâm mộ đã phẫn nộ với Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vì cho trận đấu tiếp tục không lâu sau sự cố của Christian Eriksen. 

Pavard (2) trong tình huống va chạm kinh hoàng với Gosens. Ảnh: AFP

 

Truyền thông phương Tây ban đầu đưa tin UEFA đã cho các cầu thủ hai đội lựa chọn hoặc đá tiếp hoặc lùi trận đấu lại trưa hôm sau. 

Nhưng Peter Schmeichel (cha của Kasper - thủ môn hiện tại của Đan Mạch) cáo buộc UEFA đã gây sức ép để các cầu thủ phải tiếp tục ngay lập tức, nhằm không gây xáo trộn lịch thi đấu. Chính HLV Kasper Hjulmand sau đó cũng lên tiếng tỏ ra không hài lòng với UEFA.

Vài ngày sau, UEFA lại phải đối mặt những chỉ trích thậm chí còn nặng nề hơn khi không đảm bảo được sự an toàn tốt nhất cho Benjamin Pavard - người bị tổn thương vùng đầu sau một pha va chạm cực mạnh với tiền vệ Robin Gosens của Đức. 

Khi Gosens nhảy lên, phần hông của anh đập vào đầu hậu vệ tuyển Pháp và chỉ cần quan sát qua tivi cũng thấy được đó là một chấn thương không đơn giản. Nhưng khá nhanh chóng sau khi các nhân viên y tế vào sân, trận đấu được cho tiếp tục.

“Tôi đã bị chấn động nặng và ngất đi khoảng 10-15 giây” - Pavard kể sau trận, làm dấy lên những lời cật vấn dành cho UEFA khi họ để Pavard tiếp tục thi đấu. FIFPro - Liên minh Cầu thủ chuyên nghiệp - đã lập tức làm việc với UEFA để tìm hiểu câu chuyện.

Những thương tổn liên quan đến vùng đầu từ lâu đã là một chủ đề quan trọng trong tất cả các môn thể thao có va chạm và đặc biệt được chú ý trong làng bóng đá những năm gần đây. Trước VCK Euro, UEFA đã yêu cầu 24 đội bóng ký vào một thỏa thuận đặc biệt. 

Theo đó, nếu có một cầu thủ bị tổn thương vùng đầu, đội bóng phải ngay lập tức đưa anh ta rời sân, và chịu mất một quyền thay người.

Tại sao Pavard không bị thay ra theo luật đó? UEFA giải thích rằng vì Pavard vẫn ổn và tuyển Pháp cũng nói vậy. Nhưng sau lời thú nhận của Pavard, người ta cho rằng những người có trách nhiệm một lần nữa đã phớt lờ nguy cơ hiểm họa.

Ông Peter McGabe - giám đốc điều hành Headway, một tổ chức từ thiện quan tâm đến các vấn đề về tổn thương não bộ - cho rằng tất cả các bên đã tìm cách phớt lờ tình huống này. 

Vì tầm quan trọng của Pavard với tuyển Pháp và tầm vóc trận đấu, HLV Didier Deschamps không muốn mất một lượt thay người. Trọng tài thì không muốn trận đấu bị gián đoạn. Ban tổ chức giải cũng không muốn ầm ĩ và tạo một tiền lệ có thể xé vụn cả các trận đấu sau này.

Một giải pháp, theo lời ông McGabe, như từ lâu tổ chức của ông đã khuyến cáo cơ quan điều hành luật bóng đá IFAB, là luật thay thế tạm thời như trong môn bóng bầu dục. 

Với luật đó, cầu thủ bị chấn thương vùng đầu có thể được một cầu thủ khác thay thế tạm thời, rồi vẫn có thể trở lại sân đấu sau khi đã được các chuyên gia y tế xác định là an toàn. 

Đúng là bóng bầu dục va chạm nhiều hơn và quyết liệt hơn so với bóng đá nhưng với tốc độ các trận bóng đá ngày nay, đó là một giải pháp thật sự đáng cân nhắc.

Sẽ luôn có tranh cãi

Riêng với trường hợp chấn thương vùng đầu, tính mạng con người sẽ là lập luận tối hậu để chấm dứt mọi tranh cãi. Nhưng ở nhiều khía cạnh khác của luật lệ bóng đá, dù nỗ lực đến đâu, UEFA, FIFA hay IFAB vẫn khó lòng “làm dâu trăm họ”.

Cách điều khiển trận đấu của các trọng tài là một ví dụ. Ở VCK Euro 2020, người hâm mộ tương đối hài lòng về cách vận hành của VAR. Nó không đến nỗi quá cứng nhắc như ở Premier League - nơi thứ công nghệ hỗ trợ trọng tài này nhiều khi bóp vụn các tình huống tấn công trong trận. Nhưng ở Euro, trọng tài biên lại gây ức chế cho người hâm mộ.

Kể từ khi có VAR, trọng tài biên được khuyên “có thể trì hoãn việc căng cờ báo việt vị đến khi kết thúc tình huống tấn công nguy hiểm”. 

Mục đích của việc này là chờ đợi quyết định của VAR với những tình huống khó quá phân xử bằng mắt thường. 

Nhưng nhiều trọng tài biên đang áp dụng khuyến cáo đó quá cứng nhắc, rất nhiều lần tình huống việt vị rõ ràng diễn ra ngay trước mắt họ nhưng cờ chỉ phất sau đó tận 5-10 giây (bao gồm rất nhiều lần bóng đã được đưa vào lưới). 

Hàng loạt “bàn thắng” việt vị ở Euro đã bị từ chối như vậy trong sự hụt hẫng và cả giận dữ của cầu thủ lẫn CĐV.

Khoảng 20 năm qua, luật chơi bóng đá chuyên nghiệp đã thay đổi rất nhiều. Hầu như sau khoảng 2-3 năm, IFAB lại có những điều chỉnh lớn liên quan đến việc thổi việt vị, nhận định bóng chạm tay, thay người... 

Đó là thái độ cấp tiến đáng khen và cần thiết, nhất là nếu biết rằng đến tận World Cup 1970, luật thay người mới chính thức đi vào một giải đấu lớn, hay đến tận năm 1995, FIFA mới thống nhất về con số 3 lần thay người trong một trận đấu.

Nhưng không hẳn mỗi lần thay đổi là một lần luật chơi được hoàn thiện. Chính IFAB cũng tỏ ra lúng túng với những quy định về việt vị hay lỗi chạm tay trong vòng cấm. 

Họ thay đổi xoành xoạch các định nghĩa và nhiều khi... trở lại luật cũ chỉ sau một năm ban hành luật mới.

Một ví dụ là quy định về bóng chạm tay trong vòng cấm. Một năm trước, IFAB ra luật chỉ cần một cầu thủ của đội ghi bàn để bóng chạm tay trong tình huống dẫn đến bàn thắng, bàn thắng sẽ bị hủy bỏ, bất kể là chạm tay vô tình hay cố ý. 

Nhưng đến Euro này, IFAB sửa luật. Trừ phi chính người ghi bàn để bóng chạm tay, nếu bóng vô tình chạm tay một cầu thủ khác của đội ghi bàn, bàn thắng vẫn được công nhận.

Những quyết định như vậy gây tranh cãi gần như là tất yếu, nhưng chỉ được chú ý đặc biệt khi diễn ra các giải đấu lớn. Trong trận thắng Bồ Đào Nha, Gosens của Đức bị từ chối bàn mở tỉ số vì lỗi việt vị của Serge Gnabry - anh này để bóng sượt qua đầu. 

Trọng tài không sai khi không công nhận bàn thắng, nhưng người hâm mộ thì tiếc hùi hụi vì đó là một pha làm bàn quá đẹp và chỉ vượt qua lằn ranh luật lệ hết sức mong manh. 

Tất nhiên, luật lệ thì không thể dựa trên cảm xúc và vì vậy, chẳng một bộ luật nào có thể hoàn toàn làm vừa lòng người hâm mộ bóng đá, vốn là những kẻ nhiều cảm xúc nhất.■

Những thay đổi ít ai biết

Không phải người hâm mộ nào cũng quan tâm hay biết tới các luật lệ vừa được bổ sung cho VCK Euro 2020. Quan trọng nhất là việc cho phép mang tới giải 26 cầu thủ và thay 5 người trong trận, thay vì 23 cầu thủ và 3 lượt thay người như trước kia. 

Tuy nhiên, trong 26 cầu thủ dự giải, các đội vẫn chỉ được đăng ký tối đa 23 người cho một trận đấu, điều lý giải nguyên nhân ban đầu Tây Ban Nha chỉ gọi 24 cầu thủ - HLV Luis Enrique cho rằng việc bắt cầu thủ ngồi trên khán đài là không hay. 

Với luật thay người, các đội bóng có thể thay 5 người, nhưng chỉ trong 3 lượt. Nếu trận đấu bước vào hiệp phụ thì mỗi đội sẽ có thêm một lượt thay người nữa, nhưng tối đa cũng chỉ là 5 người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận