06/11/2015 13:53 GMT+7

Trách nhiệm thuộc về ai?

NGUYỄN THỊ BÌNH 
(chủ tịch Quỹ hòa bình & phát triển Việt Nam)
NGUYỄN THỊ BÌNH 
(chủ tịch Quỹ hòa bình & phát triển Việt Nam)

TT - Mấy ngày hôm nay, tại hội trường Quốc hội, vấn đề “nóng bỏng” được đề cập là tình hình tài chính của đất nước, vấn đề thâm hụt ngân sách, vấn đề nợ công đã đến “trần”, không còn chỗ lùi.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

Người dân nghe thấy tình hình này hết sức lo lắng.

Đây không phải vấn đề mới mà thực tế đã có từ nhiều năm nay bởi những vấn đề này là vấn đề cốt lõi của đất nước luôn luôn được nhắc tới. Sau mỗi năm tình hình không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng.

Nói thẳng ra, nếu vấn đề này không được cải thiện thì có thể sẽ đi đến lúc vỡ nợ.

Có nhiều nguyên nhân nhưng việc tiêu xài công quá lớn, nhất là trong năm 2015, hết lễ hội này đến lễ hội khác, khắp nơi kỷ niệm 70 năm rất hoành tráng, rồi đại hội thi đua, đại hội Đảng các cấp...

Nhiều bạn bè nước ngoài và không ít người trong nước cho rằng chúng ta đang lãng phí quá lớn trong lúc kinh tế đất nước không mấy được cải thiện.

Những điều mà ít đại biểu Quốc hội nào nói đến là trách nhiệm của tình trạng này thuộc về ai? Ở đâu? Rõ ràng việc điều hành kinh tế, tài chính là trách nhiệm của Chính phủ nhưng Quốc hội có trách nhiệm không?

Hơn nữa các đại biểu Quốc hội cũng phần lớn là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi lãnh đạo trong cương vị của mình phải thấy trách nhiệm nặng nề trước dân.

Vấn đề đã rõ ràng, lúc này không phải chỉ ngồi quy trách nhiệm cụ thể cho nhau hoặc cứ tranh cãi “nợ công”, “nợ xấu” như thế nào mà vấn đề đặt ra là Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội phải đề ra cho được quyết sách để ngăn chặn nguy cơ cho đất nước.

Có một số kiến nghị của đại biểu Quốc hội có thể xem xét ngay: thu chi ngân sách cân đối hơn, không để nợ công, nợ xấu tăng thêm, trước hết đối với các ngành sử dụng ngân sách nhà nước, phải bớt lễ hội, giảm cái không cần thiết, chưa vội triển khai các dự án lớn chưa có vốn, tập trung tăng hiệu quả các công trình đã có.

Mỗi ngành, mỗi đơn vị cần có kế hoạch với mục tiêu rất cụ thể.

Tôi cho là vấn đề hết sức quan trọng và cơ bản hiện nay là phải huy động cả hệ thống chính trị của chúng ta vào cuộc.

Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân ý thức được tính nghiêm trọng của tình hình, mở một cuộc vận động cả nước: chống tham nhũng, chống lãng phí, đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, ra sức đẩy mạnh sản xuất. Nói là phải làm, làm ngay, quyết liệt, không được chần chừ một phút.

NGUYỄN THỊ BÌNH 
(chủ tịch Quỹ hòa bình & phát triển Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên