16/09/2019 10:09 GMT+7

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 3: Chính phủ Đức vay và trả

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 28-6-1919, Đức ký Hiệp ước Versailles thừa nhận trách nhiệm đã phát động Chiến tranh thế giới thứ nhất (năm 1914-1918) và chấp nhận bồi thường chiến tranh. Tiền bồi thường được ấn định là 132 tỉ mark Đức.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 3: Chính phủ Đức vay và trả - Ảnh 1.

Tình hình siêu lạm phát bùng nổ ở Đức năm 1922, trẻ em dùng tiền làm diều chơi - Ảnh: rarehistoricalphotos.com

Với nỗ lực khôi phục kinh tế hậu chiến, Chính phủ Đức dưới thời Cộng hòa Weimar (từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Đức quốc xã cầm quyền năm 1933) đã bán hàng loạt trái phiếu ra nước ngoài.

Thỏa thuận London về xử lý nợ

Trùm phát xít Adolf Hitler cầm quyền thủ tướng từ năm 1933. Đức vỡ nợ đối với nhiều khoản nợ nước ngoài. Hitler bèn tuyên bố không thanh toán trái phiếu. Đến khi trái phiếu mất giá, Đức quốc xã mua vào ồ ạt với giá rẻ mạt rồi bảo quản trong các ngân hàng ở Berlin.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức) và Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức) ra đời năm 1949. Đức phải tiếp tục trả tiền bồi thường theo Hiệp ước Versailles năm 1919, thanh toán nợ nước ngoài thời Cộng hòa Weimar cộng thêm các khoản viện trợ tái thiết Đức sau chiến tranh của các nước Đồng minh thắng trận.

Năm 1951, khi chủ ngân hàng Hermann Josef Abs dẫn đầu phái đoàn Tây Đức tham gia các hội nghị về giải quyết nợ của Đức ở London (Anh), các nhà đàm phán Tây Đức băn khoăn vấn đề đầu tiên: Tây Đức phải chịu trách nhiệm trả nợ Đức quốc xã để lại hay chia nợ với Đông Đức?

Sau khi trao đổi ý kiến với cố vấn Hermann Josef Abs, Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer quyết định Tây Đức sẽ trả nợ. Lý do đầu tiên là các nước Đồng minh đã từng gợi ý sẽ xem xét lại chế độ chiếm đóng với điều kiện Tây Đức nhận các khoản nợ trước chiến tranh.

Ngoài ra, Konrad Adenauer còn muốn Tây Đức là quốc gia kế thừa nước Đức và khôi phục uy tín để các doanh nghiệp Đức có cơ may vay nợ quốc tế.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 3: Chính phủ Đức vay và trả - Ảnh 2.

Hội nghị về giải quyết nợ của Đức ở London (Anh) dẫn đến ký kết thỏa thuận London năm 1953 - Ảnh: Mediapart

Trong tác phẩm Những hệ quả kinh tế của hòa bình xuất bản năm 1919, nhà kinh tế Anh John Maynard Keynes đánh giá Đức phải nai lưng bồi thường theo Hiệp ước Versailles và đến khi không còn dự trữ vàng và ngoại tệ, cuối cùng Đức đã ngã vào vòng tay của Đức quốc xã.

Bởi thế, rút kinh nghiệm từ Hiệp ước Versailles, ba nước chủ nợ chủ chốt của Đức gồm Mỹ, Anh, Pháp đã đề ra nguyên tắc: Đức phải bồi thường nhưng không làm mất cân đối tài chính.

Ngày 27-2-1953, sau hai năm đàm phán ròng rã, Tây Đức và 21 nước ký kết thỏa thuận London về trả nợ. Thỏa thuận gồm các điều khoản chính: Giảm nợ cho Đức 62% (từ 39 tỉ, còn 14,5 tỉ mark Đức), thời gian bồi thường 30 năm, thời gian ân hạn năm năm, giảm lãi suất trái phiếu, mức trả nợ tương đương 5% doanh thu xuất khẩu, Đức có thể ngừng trả nợ và đàm phán lại nếu gặp khó khăn.

Phái đoàn Tây Đức rất hài lòng vì Tây Đức chỉ phải trả mỗi năm hơn 540 triệu mark Đức, con số không lớn so với tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch bồi thường phải đạt hiệu quả cuối cùng là không làm mất cân đối tài chính Đức.

(Nguyên tắc bồi thường theo ba nước chủ nợ Mỹ, Anh, Pháp)

Kiện đòi thanh toán trái phiếu Weimar

Cùng ngày ký thỏa thuận London năm 1953, Tây Đức đã ký với Mỹ hiệp ước song phương về xác nhận trái phiếu Đức (được gọi là Hiệp ước về thủ tục xác nhận). Hiệp ước quy định nhiều cách để xác nhận trái phiếu Weimar.

Đức cho rằng năm 1945, các binh sĩ Liên Xô đã từng lấy đi hàng ngàn trái phiếu từ kho Đức quốc xã ở Berlin, sau đó Đức đã mua lại rất nhiều nhưng vẫn còn một số lưu thông trên thị trường. Để tránh lừa đảo, Đức yêu cầu chứng minh trái phiếu không lưu hành ở Đức trước ngày quân đội Liên Xô giải phóng Berlin 1-1-1945. Thời hạn đăng ký trái phiếu kéo dài từ năm 1953 đến năm 1958.

Tây Đức cũng đã thông qua đạo luật về xác nhận trái phiếu. Tháng 4-1953, Mỹ và Tây Đức ký thỏa thuận yêu cầu phải xác nhận trái phiếu trước khi thi hành án tại tòa án Mỹ.

Các trái phiếu Dawes và trái phiếu Young đã được Đức thanh toán lần lượt vào năm 1969 và năm 1980. Năm 1997, Đức tuyên bố ngừng thanh toán trái phiếu sau một thời gian quảng bá rộng rãi ở Mỹ tìm kiếm những người còn giữ trái phiếu Đức cũ.

Dù vậy, chương lịch sử về trái phiếu Đức chưa khép lại. Nhiều công dân Mỹ đã kiện ra tòa. Trường hợp tiêu biểu là vụ kiện của Tập đoàn đầu tư World Holdings ở Tampa (bang Florida).

Tháng 1-2008, World Holdings gửi đơn cho tòa án liên bang tại Miami khiếu nại Đức vi phạm hợp đồng liên quan đến hơn 2.000 trái phiếu Dawes và Young do World Holdings kiểm soát, đồng thời yêu cầu bồi thường hơn 450 triệu USD.

Trong số trái phiếu chỉ có 136 trái phiếu đã qua thủ tục xác nhận. Tháng 11-2012, tòa phúc thẩm khu vực 11 của Mỹ đưa ra kết luận: Bác lập luận của World Holdings cho rằng do người giữ trái phiếu không chấp nhận thỏa thuận London năm 1953 nên không cần làm thủ tục xác nhận trái phiếu, World Holdings không thể sử dụng trái phiếu không qua xác nhận vì Hiệp ước về thủ tục xác nhận năm 1953 đã yêu cầu xác nhận trái phiếu trước khi thi hành án tại tòa án Mỹ, World Holdings cũng không thể đòi nợ trái phiếu vì thời hiệu khiếu nại đã hết.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 3: Chính phủ Đức vay và trả - Ảnh 4.

Trái phiếu phát hành dưới thời chính phủ Weimar - Ảnh: Spiegel

Về phía Đức, Văn phòng liên bang về các dịch vụ trung ương và các vấn đề tài sản chưa giải quyết ở Berlin khẳng định trái phiếu Weimar không còn giá trị. Cơ quan này giải thích theo thỏa thuận London năm 1953, Đức đã bồi thường cho các trái phiếu và năm 1958 là hạn chót thanh toán trái phiếu, sau đó mọi trái phiếu không đăng ký đều không còn giá trị.

Đại sứ quán Đức tại Washington khẳng định các vụ kiện ở Mỹ không có cơ sở pháp lý vì cách duy nhất để được chi trả trái phiếu là phải thông qua thủ tục xác nhận nợ theo thỏa thuận London năm 1953.

Về thẩm quyền xét xử, Chính phủ Đức khăng khăng cho rằng tòa án Mỹ không đủ thẩm quyền căn cứ Luật về miễn trừ chủ quyền của quốc gia nước ngoài năm 1976 của Mỹ (FSIA), dù vậy lập luận này đã bị tòa án Mỹ bác bỏ.

Tòa phúc thẩm ở Miami đã phán quyết không thể bác đơn kiện của các nhà đầu tư Mỹ kiện Chính phủ Đức ra trước tòa án Mỹ vì không thanh toán trái phiếu (phát hành trước khi Đức quốc xã cầm quyền).

Nợ do nước Đức thống nhất chi trả

Năm 1983, các khoản nợ cuối cùng sau chiến tranh đã được giải quyết. Tây Đức muốn là quốc gia kế thừa nước Đức sau chiến tranh nhưng lại không muốn trả lãi cho các khoản nợ trước chiến tranh trong giai đoạn năm 1945-1952 vì có liên quan đến Đông Đức. Bởi thế thỏa thuận London đưa vào một điều khoản quy định khoản lãi nêu trên sẽ được trả sau khi nước Đức thống nhất. Tây Đức và Đông Đức chính thức thống nhất ngày 3-10-1990. 20 năm sau, nước Đức thống nhất đã trả xong khoản nợ cuối cùng này.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng

TTO - Tháng 4-2013, tòa án ở Pháp phán quyết nhà nước Liên bang Nga có quyền sở hữu đối với nhà thờ chính thống giáo Saint-Nicolas ở Nice.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên