Ngoại trưởng Mỹ George P.Shultz (bìa trái) từng đề nghị tòa hủy phán quyết vì lý do đối ngoại - Ảnh: Nhà Trắng
Sau những biến động lịch sử, chế độ mới lên cầm quyền phải giải quyết các món nợ công của chế độ cũ để lại. Trung Quốc không thanh toán trái phiếu triều đình Mãn Thanh nhưng nước Đức sau thống nhất vẫn phải trả nợ cũ.
Mỗi nước có cách giải quyết khác nhau. Nhưng nói chung, nhiều nước không bao giờ chấp nhận "nợ bẩn".
Một chế độ quân chủ có thể được chuyển đổi thành một nước cộng hòa nhưng cho dù chính phủ thay đổi, quốc gia vẫn còn giữ các quyền và nghĩa vụ.
(Án lệ của tòa phúc thẩm Mỹ công bố vào tháng 8-1927)
Năm 1911, sau khi quốc hữu hóa các dự án đường sắt nội địa, chính quyền Mãn Thanh đã trao quyền khai thác đường sắt để đàm phán vay trái phiếu trị giá 6 triệu bảng Anh với các ngân hàng bốn nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ.
Trái phiếu Hồ Quảng đáo hạn vào năm 1951, được dùng để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tỉnh Hồ Quảng (nay là Vũ Hán) gồm hai chặng Quảng Đông - Hán Khẩu và Tứ Xuyên - Hán Khẩu dài gần 4.095km.
Sự kiện này đã khơi dậy cuộc nổi dậy đường sắt (khởi nghĩa Vũ Xương), châm ngòi cho Cách mạng Tân Hợi ngày 10-10-1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế.
Năm 1913, chính quyền Trung Hoa dân quốc của Viên Thế Khải tiếp tục vay 25 triệu bảng Anh lãi suất 5% trả bằng thuế muối và phát hành trái phiếu đáo hạn đến năm 1960. Đến năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập.
Vụ kiện năm 1979
Hiện nay, trái phiếu cũ của Trung Quốc đang được các kho bạc, ngân hàng, công ty trên thế giới và hơn 20.000 nhà đầu tư tư nhân ở Mỹ sở hữu. Về pháp lý, đến nay chưa có yêu cầu nào về thanh toán trái phiếu Trung Quốc trước năm 1949 đạt kết quả.
Tại Mỹ, chỉ có một vụ kiện tập thể được xét xử năm 1979. Tháng 11-1979, ông Russell Jackson cùng tám người sở hữu trái phiếu Trung Quốc trước năm 1949 đã gửi đơn cho tòa án liên bang ở hạt Bắc Alabama yêu cầu Trung Quốc thanh toán trái phiếu.
Trung Quốc gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ thẩm quyền quốc gia tuyệt đối, theo đó một quốc gia có chủ quyền không thuộc quyền tài phán của tòa án quốc gia nào khác nếu quốc gia đó không đồng ý.
Ngày 28-10-1981, tòa án hạt Bắc Alabama thông báo do Trung Quốc không tham dự phiên tòa nên tòa sẽ xét xử dưới hình thức khiếm diện.
Ngày 2-9-1982, tòa án tuyên bố đủ thẩm quyền xét xử và các nguyên đơn Mỹ có quyền được chi trả gốc và lãi trái phiếu với tổng số tiền 41,3 triệu USD.
Tháng 1-1983, Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao khẳng định quyết định của tòa án Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế và nếu tòa tịch biên tài sản của Trung Quốc tại Mỹ để thi hành án, Trung Quốc bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp tương xứng.
Giữa năm 1983, các nguyên đơn ở Mỹ đề nghị thi hành án. Lần đầu tiên Trung Quốc đã tham gia quá trình tố tụng khi nhờ luật sư Eugene Theroux ở Công ty luật Baker & McKenzie trợ giúp pháp lý.
Luật sư Theroux yêu cầu hủy bản án đã tuyên và bác bỏ vụ kiện. Sau đó, trong bản khai có tuyên thệ, Ngoại trưởng Mỹ George P. Shultz đã đề nghị tòa hủy phán quyết để bảo vệ chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc.
Cuối tháng 10-1984, tòa án hạt Bắc Alabama tuyên bác đơn kiện của các nguyên đơn. Tòa giải thích theo đạo luật về miễn trừ chủ quyền của quốc gia nước ngoài năm 1976 của Mỹ (FSIA), tòa án Mỹ đủ thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến chính phủ nước ngoài, dù vậy đạo luật này không có hiệu lực hồi tố.
Bà Jonna Bianco đi vận động đòi thanh toán trái phiếu Trung Quốc cũ - Ảnh: AP
Trung Quốc đã từng trả tiền cho Anh
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, vấn đề đòi Trung Quốc thanh toán trái phiếu cũ trước năm 1949 lại được nêu ra. Một tổ chức ở Lewisburg (bang Tennessee) rất "máu" vấn đề này là Quỹ Trái chủ Mỹ (ABF) đại diện cho hàng ngàn người sở hữu trái phiếu cũ Trung Quốc.
Bà Jonna Bianco thành lập ABF năm 2001 sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thông báo sẽ không yêu cầu Trung Quốc chi trả trái phiếu cũ vì đây là vấn đề riêng của công dân. Từ 18 năm nay, bà kiên trì vận động đòi Trung Quốc thanh toán trái phiếu cũ.
Theo ABF, trong giai đoạn năm 1900-1940, Trung Quốc đã phát hành hàng triệu USD nợ quốc gia, tiền trái phiếu được dùng để xây dựng sức mạnh kinh tế mà Trung Quốc hiện nay thụ hưởng, do đó Trung Quốc phải có bổn phận thanh toán nợ.
ABF khẳng định Trung Quốc không trả nợ cũ là đi ngược với nguyên tắc kế thừa quốc gia và dẫn chứng án lệ của tòa phúc thẩm Mỹ công bố vào tháng 8-1927:
"Một chế độ quân chủ có thể được chuyển đổi thành một nước cộng hòa hoặc một nước cộng hòa có thể chuyển đổi thành chế độ quân chủ; các nguyên tắc tuyệt đối có thể được thay thế cho hiến pháp hoặc ngược lại; nhưng cho dù chính phủ thay đổi, quốc gia vẫn còn giữ các quyền và nghĩa vụ".
ABF cũng cho rằng Trung Quốc đã ngấm ngầm thừa nhận trái phiếu trước năm 1949 vì vào tháng 6-1987, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Anh thanh toán trái phiếu cũ Trung Quốc do công dân Anh sở hữu sau khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher quyết định Trung Quốc không thể phát hành trái phiếu trên thị trường tài chính London nếu không thanh toán các khoản nợ cũ trước năm 1949.
Trị giá trái phiếu được thanh toán khoảng 45 triệu USD. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đẩy trách nhiệm cho Đài Loan thanh toán. ABF liên hệ với Đài Loan và nhận được câu trả lời: Đài Loan không có tài sản để chi trả cho các trái phiếu ấy cho đến khi thống nhất với Trung Quốc đại lục.
Lập luận của Trung Quốc
Năm 1983, Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) đăng bài viết khẳng định Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là quốc gia kế thừa Trung Quốc cũ trước năm 1949 nhưng là quốc gia xã hội chủ nghĩa nên bản chất của hệ thống xã hội đã thay đổi, do đó Trung Quốc không thừa nhận các hiệp ước bất bình đẳng do các chế độ đế quốc áp đặt và các nghĩa vụ quốc tế không tương thích với chính quyền mới.
Báo biện luận ngay cả khi Trung Quốc tuân theo luật Mỹ, luật của bang Alabama quy định thời hiệu 10 năm đối với trái phiếu hết hạn, vì vậy trái phiếu cũ Trung Quốc cũng không còn giá trị. Ngoài ra, rất nhiều công dân Mỹ giữ trái phiếu Trung Quốc cũ không phải là người mua ban đầu mà là người đầu cơ mua đi bán lại sau ngày trái phiếu đáo hạn.
___________________________________
Kỳ tới: Nga không trả nợ thời Sa Hoàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận