Sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp không còn là chuyện xa lạ. Song có lẽ, những ông bố, bà mẹ ở khắp miền quê nghèo khó vẫn cố nghĩ đó là “chuyện của người ta” khi dốc sức làm thuê, làm mướn, vay mượn cho con ăn học thành người. Một năm trước, Bộ GD-ĐT đưa ra cảnh báo về dư thừa nhân lực ngành kinh tế - tài chính và tạm dừng mở mới ngành này khi số sinh viên kế toán, quản trị kinh doanh xếp hàng dài thất nghiệp sau khi ra trường. Lý do khá rõ: kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều hơn, nhu cầu nhân lực của ngành này giảm sút. Nhưng với ngành sư phạm, câu trả lời cho tình trạng thất nghiệp sẽ là gì?
PGS Văn Như Cương, với tư cách hiệu trưởng một trường THPT, không thôi băn khoăn về lối quy hoạch lạ lùng mà cơ quan quản lý đang áp dụng: “Chi phí gia đình dành cho con em ăn học không thấm tháp gì so với sự lãng phí mà xã hội, Nhà nước bỏ ra để đầu tư đào tạo một sinh viên, từ xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ học phí, chi trả tiền lương cho giảng viên... Không khó để thấy được tận cùng những lãng phí ấy, nhưng bao năm rồi tôi vẫn tự hỏi quy hoạch nhân lực đã được ngành giáo dục thực hiện ra sao? Là một hiệu trưởng, tôi chưa từng được cơ quan quản lý hỏi ba, bốn năm tới trường tôi cần bao nhiêu giáo viên để họ lập kế hoạch đào tạo tương ứng?”.
Chưa kể, một thời trường CĐ sư phạm các tỉnh ùn ùn nâng cấp lên thành trường ĐH. Tất yếu sinh viên của trường CĐ ngày nào sau khi nâng cấp lại đủ chuẩn để dạy THPT, chứ không chỉ là giáo viên THCS trở xuống. Những khập khễnh trong quy hoạch “lên đời” cho các trường CĐ sư phạm so với nhu cầu tuyển dụng thật sự của các trường phổ thông đã đẩy hậu quả lên người phải gánh chịu không ai khác chính là cử nhân sư phạm từ các trường này.
Hơn ai hết, Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ tầm quan trọng của giáo viên khi công cuộc chấn hưng giáo dục sắp tới, vấn đề con người vốn được đặt ra đầu tiên, then chốt. Nhưng chỉ là mệnh lệnh ý chí thôi sẽ không bao giờ tạo nên chuyển biến thật sự. Thực tế đang đòi hỏi phải siết lại quy mô các trường sư phạm, đào tạo ĐH bao nhiêu, CĐ ngần nào. Thậm chí những kế hoạch chuyển đổi, sáp nhập các trường phải đưa ra được chi tiết, thuyết phục để khớp giữa đào tạo và sử dụng.
Với các ngành đào tạo dư thừa khác, Bộ GD-ĐT đã phải nhận một phần trách nhiệm vì chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu năm trước đều do bộ duyệt, rồi bộ căn cứ thực lực của từng trường để quyết chỉ tiêu. Nhưng dẫu sao với các ngành “bên ngoài” vẫn có thể thông cảm được với cái lý đào tạo theo nhu cầu xã hội, mà khái niệm “xã hội” thì quá mênh mông. Với ngành sư phạm, bộ quản lý từ A - Z, từ đầu vào đến đầu ra, từ đào tạo đến sử dụng thì có thể đỗ lỗi cho ai? Dù có phải phối hợp với địa phương, với các bộ ngành khác thì việc đưa ra giải pháp thiết thực vẫn là trách nhiệm của bộ - xét cả mặt pháp lý và đạo lý.
Rõ ràng, nếu ngành giáo dục không giải quyết được việc của ngành mình, liên quan đến số phận của chính những người sẽ là nhân lực, nòng cốt cho sự phát triển của mình, nhất là nhãn tiền trong ngắn hạn quy hoạch giáo viên đã bị phá vỡ mà bộ vẫn không đưa ra giải pháp nào thuyết phục và có trách nhiệm, thì làm sao có thể trông chờ vào công cuộc chấn hưng giáo dục?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận