16/01/2004 06:45 GMT+7

Trách nhiệm lớn nhất là đối với chính mình

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Kiên, ca sĩ và là nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT, phát biểu tại cuộc tọa đàm: “Vai trò, trách nhiệm của ca sĩ đối với xã hội” do Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT tổ chức tại TP.HCM vào sáng 14-1-2004, với sự có mặt khá đông ca sĩ đang hoạt động ở TP.

Toạ đàm "Vai trò, trách nhiệm của ca sĩ đối với xã hội":

h1OlNXOb.jpgPhóng to
Các ca sĩ tên tuổi trong chương trình Làn Sóng Xanh 2003: họ đã tạo nên sức sống mạnh mẽ cho đời sống âm nhạc VN, thế nhưng họ cần có trách nhiệm hơn nữa với chính nghề nghiệp của mình - Ảnh: T.T.D.
TT - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trung Kiên, ca sĩ và là nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT, phát biểu tại cuộc tọa đàm: “Vai trò, trách nhiệm của ca sĩ đối với xã hội” do Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT tổ chức tại TP.HCM vào sáng 14-1-2004, với sự có mặt khá đông ca sĩ đang hoạt động ở TP.

Theo ông Trung Kiên, trách nhiệm đó là làm sao cho hình ảnh người ca sĩ trước công chúng phải đàng hoàng, lịch sự, coi những công việc từ thiện là trách nhiệm của mình, thù lao đừng đòi quá đáng và phải thấy xấu hổ khi hát nhép.

Ông cũng cho rằng những chuyện đáng tiếc xảy ra trong giới ca sĩ là do “môi trường văn hóa” chưa thật lành mạnh.

Trong phần đề dẫn tọa đàm, ông Lê Ngọc Cường, cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đánh giá cao vai trò ca sĩ trẻ thời gian qua trong việc đẩy lùi nhạc hải ngoại, làm phong phú hoạt động văn hóa, tạo sân chơi bổ ích cho giới trẻ...

Tuy vậy ông cũng nhận định “bên cạnh ưu điểm, những mặt tích cực do tác động của kinh tế thị trường, hoạt động ca nhạc cũng bộc lộ những mặt trái của cơ chế, những yếu kém lệch lạc cần được uốn nắn. Với tính chất kinh doanh, thương mại hóa nghệ thuật, chạy theo lợi nhuận, nhiều đơn vị nghệ thuật đã mất định hướng, cho ra đời những chương trình, tiết mục yếu kém, thiếu tính thẩm mỹ, tính giáo dục, nhiều nghệ sĩ chỉ lo kiếm tiền, bỏ cơ quan, lao ra ngoài chạy sô kiếm sống”.

Ông cũng nói đến tình trạng lộn xộn ở các điểm ca nhạc như quảng cáo tràn lan, tùy tiện, chương trình quá ủy mị, hát những bài cấm, lối sống buông thả của một số nghệ sĩ...

Còn bà Thế Thanh, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, bên cạnh việc thừa nhận những đóng góp của ca sĩ cũng bức xúc với những việc “thiếu tôn trọng khán giả - ăn mặc lố lăng, hở hang, đi trễ giờ... của nhiều ca sĩ”. Bà cho biết ngay trong chương trình trước Nhà hát TP.HCM đêm 31-12-2003, có ca sĩ nói “cho tôi hát nhép thì mới hát”.

Ông Trần Mạnh Cường, trưởng phòng nghệ thuật Sở VH-TT Hà Nội, kể trong chương trình được trực tiếp truyền hình Cánh Diều Vàng, có một nữ ca sĩ kiêm người mẫu đã mặc một chiếc váy “lạ, rất vô thẩm mỹ”. Chiếc váy - theo ông Cường - ngắn đến mức không thể ngắn hơn, và khi ông buộc đổi váy thì cô đã mặc chiếc váy ngủ (vì không còn gì khác để mặc) nhưng dù sao cũng kín đáo hơn!

Trước những bức xúc của giới quản lý, các ca sĩ đã có ý kiến chung quanh việc hát nhép, thẻ hành nghề, phong cách ăn mặc, duyệt chương trình, thuế thu nhập...

Cách ăn mặc được đề cập trước tiên. Không ai ủng hộ việc ăn mặc “năm hở” mà chỉ đề cập việc “thích hợp”, “phù hợp” với thể loại âm nhạc nào đó.

Đoan Trang thừa nhận việc ăn mặc phải phù hợp thuần phong mỹ tục, song cô cũng thanh minh rằng “ca sĩ muốn sự phong phú, đa dạng trong phong cách, nhất là khi hát những ca khúc ngoại phải mặc cho phù hợp”.

Tuấn Hưng thì nói ca sĩ lên sân khấu ngoài việc “tôn trọng khán giả còn phải hiểu biết về thuần phong mỹ tục của ta”. Với anh, việc “yêu nghệ thuật và có trách nhiệm” với khán giả là một.

Vấn đề hát nhép cũng được bàn đến nhiều. Đa số ca sĩ đều tẩy chay hát nhép, cho việc tồn tại của hát nhép với những người hát bằng sức mình là thiếu công bằng, lừa gạt khán giả. Ca sĩ Quang Linh cho rằng việc hát nhép bắt đầu từ các chương trình truyền hình và anh ví dụ một số chương trình như khai mạc SEA Games, Festival Huế... đều hát nhép.

Ông Hoàng Tuấn, ông bầu của ca sĩ Đan Trường, cho biết “đa số chương trình ở phòng trà và ở tỉnh đều hát nhép”. Theo ông, việc kéo dài nạn hát nhép là không công bằng.

Tuấn Hưng khá nặng lời khi nói ca sĩ lên sân khấu hát nhép là “thiếu đạo đức, thiếu tự trọng”. Anh cho rằng hiện tượng này kéo dài do người tổ chức dễ dãi và do Sở VH-TT không kiên quyết xử lý. Quang Dũng, Nguyên Vũ cũng kiên quyết tẩy chay hát nhép.

Vấn đề “duyệt” cũng được các ca sĩ chú ý. Ngoài việc buộc ca sĩ mặc trang phục giống hệt như khi diễn (ý kiến của Mỹ Tâm, Thanh Thảo), những thái độ của các thành viên trong hội đồng nghệ thuật (ở TP.HCM) cũng được đề cập đến.

Ông bầu của ca sĩ Đan Trường cho rằng việc nhận xét từng ca sĩ sau khi duyệt để các em biết mà rút kinh nghiệm và sửa chữa ở TP.HCM chưa có. Còn có trường hợp thành viên hội đồng duyệt nạt nộ ca sĩ ngay tại chỗ, hỏi những câu khó trả lời trước mặt những người không làm nghệ thuật như nhân viên âm thanh, ánh sáng, lao công trong nhà hát... khiến ca sĩ bị ảnh hưởng uy tín. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cho rằng thái độ của hội đồng duyệt thể hiện quyền uy hơi quá đáng.

Ông Lê Tiến Thọ, thứ trưởng Bộ VH-TT, hứa sẽ trao đổi với hội đồng của các sở về vấn đề “duyệt”. Song theo ông, nghệ thuật là “hàng hóa đặc biệt phải được thẩm định đúng mức trước khi đưa ra khán giả”.

Riêng vấn đề hát nhép, ông cho biết nếu ca sĩ hát nhép, người tổ chức và ca sĩ sẽ bị phạt, và hình thức kỷ luật cao là “không cho hoạt động nghệ thuật”. Ông còn kêu gọi các ca sĩ “tố cáo” người, nơi hát nhép.

Ông cũng giải thích những vấn đề khác đã được đặt ra như thuế thu nhập, ăn mặc hở hang, thù lao ca sĩ, giấy phép hành nghề. Buổi tọa đàm kết thúc lúc 13g45 cùng ngày sau khi ông Thọ thông tin về việc qui chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ ra đời trong thời gian tới.

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên