TTCT - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã được Nhà nước VN xúc tiến từ rất lâu. Từ những năm 1980, VN bắt đầu XKLĐ đi làm việc có thời hạn với hình thức chủ yếu là hợp tác sử dụng lao động thông qua các hiệp định chính phủ trực tiếp ký kết. Từ năm 1991, nghị định về đưa người đi lao động có thời hạn ở nướ Nhiều người lao động đăng ký kỳ thi tuyển tiếng Hàn để tìm cơ hội được làm việc ở Hàn Quốc. Ảnh: Đ.BÌNH Không thể phủ nhận những kết quả mà XKLĐ mang lại cho VN đến nay. Thứ nhất là giải quyết vấn đề công ăn việc làm. Từ khi kinh tế VN còn rất nhiều khó khăn đến lúc đã có những bước phát triển rõ nét, luôn có khá nhiều lao động trẻ không có việc, không đủ việc để làm, hoặc những công việc thu nhập quá thấp, đặc biệt khi phần lớn dân số trẻ vẫn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn. XKLĐ đã phần nào lấp vào khoảng trống, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần đáng kể bảo đảm an sinh xã hội. Thứ hai, đây là sự đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngoại tệ của VN. Thu nhập của lao động VN ở nước ngoài gửi về nước bình quân mỗi năm trên 2 tỉ USD, theo thống kê của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho khoảng thời gian 2010 - 2017, là một nguồn đóng góp đáng kể cho GDP đất nước, nhất là ở thời kỳ đầu còn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cũng như các vấn đề xã hội xung quanh câu chuyện XKLĐ. Mù mờ thông tin Hiện trạng là người lao động VN muốn ra nước ngoài làm việc rất thiếu hụt thông tin và sự hướng dẫn minh bạch, chính xác và hợp lý. Phải biết rằng đi XKLĐ là một quyết định lớn của đời người, và để ra được quyết định chính xác thì cần phải đào xới cả một núi thông tin. Nhưng tình trạng chung hiện nay là nhiều người lao động không những không biết và không phân biệt được công ty XKLĐ nào là đáng tin cậy, họ thậm chí còn không phân biệt được thông tin về cơ hội việc làm họ nhận được có chính xác hay không. Phần lớn người đi XKLĐ, do không hoặc ít có kinh nghiệm đi nước ngoài, khá mù mờ về thông tin môi trường, điều kiện lao động tại nơi mình dự kiến làm việc. Các công ty XKLĐ đưa ra nhiều mức phí dịch vụ và tiền đặt cọc khác nhau, nhiều công ty đưa ra mức tiền lớn đến vài trăm triệu đồng, trong khi pháp luật liên quan đến vấn đề này có quy định mức trần các loại phí dịch vụ. Nhưng những thông tin này hầu như chưa được giới thiệu và phổ cập cho các người lao động. Nếu được cung cấp thông tin chính xác và minh bạch, người lao động có thể cân nhắc đầy đủ và hợp lý bài toán cuộc đời của họ, tự xây dựng kế hoạch tài chính cũng như biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng trong hành trình “xuất dương”. Thực tế hiện giờ không ít người lao động lựa chọn trong bối cảnh thông tin mù mờ như thế, dẫn tới việc XKLĐ không được như mong muốn, nhiều người còn hối hận sau khi đối mặt với thực tế phũ phàng. Trong các vụ việc mà tôi và các cộng sự hỗ trợ (hoạt động tình nguyện không thu tiền) cho người lao động bị ngược đãi, đối xử không công bằng hay trái pháp luật, hầu như mọi trường hợp đều cho thấy những vấn đề nêu trên. Theo cơ chế hiện nay, những người thực tế có thể gặp và liên hệ trực tiếp với người lao động chính là các công ty XKLĐ được cấp phép qua Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Đó cũng là đối tượng chính đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động xuất khẩu. Đáng lẽ các công ty này phải coi mình là chủ thể cung cấp một dịch vụ công cho công dân VN, thay mặt cho Nhà nước và xã hội, qua đó phải hỗ trợ và bảo vệ công dân VN thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng. Từ góc nhìn đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cụ thể hơn là Cục Lao động ngoài nước, nên tăng cường khả năng giám sát, kiểm soát cụ thể, chi tiết, mạnh mẽ hơn trước tình trạng hoạt động thực tế của những công ty XKLĐ còn nhiều bất cập, có các biện pháp chế tài hiệu quả hơn để chấn chỉnh hoạt động của các công ty này. Thực trạng hoạt động đó bao gồm một khúc mắc lớn trong dịch vụ XKLĐ hiện nay: vai trò người môi giới. Pháp luật hiện hành không cấm sự tồn tại của môi giới. Vấn đề ở chỗ khác với các công ty XKLĐ, vốn là pháp nhân phải trải qua quá trình xem xét về tư cách hoạt động và được cấp phép thì mới được hoạt động, những cá nhân - tổ chức làm môi giới không cần giấy phép, không được kiểm tra chất lượng cũng như khả năng thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động khi có sự cố. Rất nhiều đơn vị môi giới đưa thông tin không rõ ràng, thậm chí có hành vi không trung thực, lừa đảo. XKLĐ không phải là giao dịch hàng hóa. Nếu Nhà nước đã quy định và chế định chặt chẽ với các công ty XKLĐ thì không có lý do gì để người môi giới vẫn tồn tại. Lao động Việt Nam làm việc tại khu vực Trung Đông có mức thu nhập bình quân 500 USD/người/tháng. Ảnh: Đ.BÌNH Thế nào là nạn nhân của buôn người? Thảm kịch tại Anh vừa rồi cho thấy có những lao động trẻ sẵn sàng ra nước ngoài mà không hề tuân theo pháp luật về xuất nhập cảnh của VN cũng như nước sở tại. Có thể hiểu rằng họ chấp nhận rủi ro lớn để đánh đổi những ước mơ, hoài bão cũng lớn. Tuy nhiên, những người đó đã bị chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ nhóm người này sang nhóm khác trong môi trường và điều kiện khắc nghiệt quá mức bình thường, trong khi chính họ cũng không chắc sẽ phải đối mặt với cuộc sống ra sao tại điểm đến trong tình trạng người cư trú bất hợp pháp. Theo nghị định thư về phòng chống và trừng trị tội buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (nghị định thư Palermo), “buôn người” được định nghĩa là: “Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển nhượng, chứa chấp hoặc tiếp nhận người, bằng biện pháp đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay các hình thức khác như ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự yếu thế, hoặc đưa hay nhận tiền hay lợi ích để đạt được sự đồng thuận của một người... vì mục đích bóc lột. Sự bóc lột bao gồm ở lạm dụng tình dục, các dạng bóc lột tình dục khác, lao động cưỡng bức hoặc như nô lệ, hoặc các hoạt động tương tự”. 39 nạn nhân xấu số đã tìm cách lọt vào Anh bất hợp pháp có thể đã trả rất nhiều tiền cho người môi giới, nhưng họ được thông tin không chính xác và chưa được biết những rủi ro có thể xảy ra với mình, bị vận chuyển trong môi trường bất trắc trong khi chưa biết sau này công việc, cuộc sống sẽ ra sao, như vậy, họ chính là nạn nhân của nạn buôn người. Trong suốt hành trình, họ có thể đã bị lừa gạt hay bị lạm dụng vì ở thế yếu. Xét những thực tế đó, vấn nạn buôn người đang diễn ra với không ít người VN. Những người đã mạo hiểm tính mạng mình kia không phải là những người đầu tiên. Chắc chắn còn có những người VN khác đã trải qua một hành trình tương tự, được nghe những tin đồn về sự thành công, giàu có dễ dàng nơi đất khách. Việc đưa người lao động ra nước ngoài là một việc có ý nghĩa và chính đáng, như đã trình bày ở trên. Nhưng trước hết, XKLĐ phải song hành với việc nhà nước biết bảo vệ quyền của người lao động và công dân nước mình. Hơn nữa, việc người lao động, công dân VN đi lao động nước ngoài phải tạo được tương lai sáng sủa hơn cũng như phát triển nghề nghiệp, hạnh phúc của họ. Đúng là ngày trước khi kinh tế VN còn khó khăn, nên đẩy mạnh XKLĐ để tạo thêm việc làm và góp phần phát triển đất nước là hợp lý. Nhưng VN nay đã đổi mới được hơn 30 năm, chính sách công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã được triển khai từ lâu. Phải chăng đã tới lúc chừng mực hơn với các chương trình XKLĐ hàng loạt? Nhà nước nên chăng có một kế hoạch và chính sách hiệu quả để chia sẻ thông điệp rằng người dân sẽ có công ăn việc làm tốt hơn, ổn định hơn ngay ở quê hương mình. Đi đôi với truyền thông, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội trong nước cũng là trách nhiệm then chốt của Nhà nước để biến thông điệp đó thành hiện thực. 39 người đó có lẽ không làm gì sai, ngay cả nếu họ có vi phạm pháp luật nước điểm đến. Họ chỉ là những nạn nhân bi thảm của hoàn cảnh trong một biển cả thông tin mơ hồ, không ai dẫn dắt, không ai bảo vệ quyền lợi của họ. Chúng ta nên nhìn nhận họ là những nạn nhân của cuộc sống thực tế và như vậy, chúng ta cần giải quyết thực tế đó. Tại VN, hiện chỉ có Nhà nước là có quyền lực và có sức mạnh để làm được như vậy.■ Nhà nước VN đã kiến tạo thị trường XKLĐ hơn 35 năm qua, nhưng chưa có nghiên cứu đầy đủ về thị trường này. Phải có sự minh bạch về thông tin XKLĐ, về những rủi ro, về việc hạch toán những khoản kinh phí mà gia đình người tham gia phải trả. Phải minh bạch về cơ hội lao động ở nước ngoài, về giấy tờ, luật pháp. Nhà nước cần liệt kê tất cả các công ty tham gia ngành dịch vụ XKLĐ, buộc họ tuân thủ pháp luật để người dân đi lao động qua những công ty có trách nhiệm và phải chế tài thật nặng những cá nhân - tổ chức hoạt động môi giới chợ đen. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "DI CƯ LAO ĐỘNG, NẠN BUÔN NGƯỜI & TRÁCH NHIỆM TỐI THƯỢNG Tags: Xuất khẩu lao độngMinh bạchRủi roThủ tụcGiấy phép lao độngMù mờ thông tinHợp tác quốc tế về lao động
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).