UBND TP.HCM vừa giao Công an TP chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo TP.HCM, UBND huyện Củ Chi khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân ông Nguyễn Minh Phúc (tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc") và xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Người tự xưng 'đại đức Thích Tâm Phúc' mặc áo tu sĩ trong quán nhậu là ai?
Tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc"
Ông Phúc không xa lạ với những người dùng mạng xã hội cả nước khi xuất hiện trên YouTube, TikTok với hình ảnh một tu sĩ ăn mặn và có những phát ngôn chưa chuẩn chỉ như một bậc chân tu.
Những hoạt động của ông Phúc đã gây ra những quan điểm trái chiều. Đỉnh điểm là việc mới đây ông này xuất hiện trong một quán nhậu tại quận Gò Vấp trong trang phục tu sĩ và bị Công an quận Gò Vấp mời về kiểm tra ma túy.
Trong văn bản chỉ đạo, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng nếu phát hiện ông Phúc có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm.
Kèm văn bản này là một số bài báo phản ánh về những hoạt động của ông Phúc. Trong đó trích dẫn lời thượng tọa Thích Tâm Hải - trưởng Ban thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM - cho rằng người này giả danh tu sĩ, giả mạo các giấy tờ chứng nhận thọ giới.
Ngoài ra các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cho là giả.
Việc ông Phúc sai đến đâu, có hay không việc làm giả các giấy tờ thọ giới cũng như huân chương, huy chương, bằng khen… như phản ánh sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và xử lý (nếu có) trên cơ sở các quy định pháp luật và kết quả giám định các loại giấy tờ liên quan.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, việc một ai đó tu tại gia, tự xưng mà không ảnh hưởng đến ai, thì không ai cấm. "Ví dụ một người tu tại gia, họ không tiếp xúc ai, không ảnh hưởng đến ai, họ cho rằng họ có pháp danh thì cũng không sao.
Tuy nhiên nếu người đó tự xưng, khiến mọi người lầm tưởng là tu sĩ tu theo một hệ thống giáo lý chính danh và có những việc làm gây ảnh hưởng đến uy tín của cả Giáo hội, không đúng theo thuần phong mỹ tục, theo giáo lý của Phật giáo là hành vi đáng lên án, cần chấm dứt ngay", luật sư Tuấn nhận định.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay có những người lười lao động, giả dạng nhà sư để quyên góp tiền bạc, lợi dụng lòng tin của người khác mà trục lợi, lừa đảo thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm của YouTuber, TikToker ra sao?
Sẽ chẳng ai biết đến và để ý đến ông Phúc nếu như không có "bàn tay" của một số YouTuber, TikToker phía sau, lợi dụng hình ảnh của ông này để câu view.
Theo luật sư Trương Hồng Điền - Đoàn luật sư TP.HCM, các cá nhân có hành vi tạo lập, đăng tải, chia sẻ các video có hình ảnh tu sĩ thực hiện các hành vi trái với giáo lý của tôn giáo để câu view, kiếm tiền từ mạng xã hội… là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi trên nếu chưa đến mức xử lý hình sự, thì có thể bị xử phạt về hành vi đăng tải thông tin xúc phạm tôn giáo, đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc theo nghị định 15/2020 được sửa đổi bởi nghị định 14/2022.
"Trường hợp hành vi của các cá nhân xuyên suốt, kéo dài, đã được nhắc nhở nhưng vẫn lợi dụng hình ảnh người giả tu hành để đăng tải các video lên nền tảng mạng xã hội, thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự về việc lợi dụng tự do ngôn luận xâm phạm quyền và lợi ích của tôn giáo.
Sở dĩ đến nay các video phản cảm trên vẫn còn được tạo lập, đăng tải, là do trong chính sách tôn giáo, Nhà nước ta ưu tiên nhắc nhở, giáo dục, để mỗi cá nhân nhận thức, thay vì áp dụng các biện pháp phạt tiền.
Đồng thời, các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo luôn lấy đức tư bi, hỷ xả để đối đãi, nên khi không có đơn thư yêu cầu của tổ chức có quyền lợi bị xâm phạm, thì cơ quan chức năng cũng khó có cơ sở giải quyết", luật sư Điền nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận