25/06/2014 10:10 GMT+7

Trách nhiệm của báo chí: Xây dựng chương trình nghị sự

CẦM PHAN
CẦM PHAN

TTCT - Trong một tiến trình dân chủ hóa xã hội, báo chí có những đóng góp đặc biệt quan trọng thông qua việc thông tin tự do, công khai và đầy đủ những gì sai trái làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, kết nối chặt chẽ với tính tích cực xã hội của công chúng - độc giả để cùng họ tạo nên những kênh phản biện xã hội, giám sát nhà nước hiệu quả.

e9MqYzK2.jpg

Để làm được điều này trong bối cảnh của những biến động và tiến hóa mãnh liệt của thời đại kỹ thuật số, báo chí cũng cần “tái tạo”, “sáng tạo lại” và thay đổi cách thức tạo ra thông tin, truyền tải thông tin... Tất cả những vấn đề quan trọng này - trong khuôn khổ một cuốn sách mới mang tên Một nền báo chí phẳng (*) của nhà báo Đỗ Đình Tấn, người từng phụ trách nhiều mảng thông tin quan trọng tại Tuổi Trẻ từ năm 1986 đến 2013 - được phân tích một cách thấu đáo và sinh động.

Bốn chương của Một nền báo chí phẳng đi từ mối liên hệ đa dạng và tinh tế giữa độc giả và tờ báo đến hiệu quả thông tin báo chí, sức mạnh báo chí, những thách thức tư duy lại nghề báo... được lồng ghép cùng một công trình khảo sát, nghiên cứu công phu theo hướng tiếp cận xã hội học đối với những chiến dịch thông tin lớn trên Tuổi Trẻ từ năm 2003-2005.

Đây là những tuyến bài lớn về nạn “cơm tù” (đề cập trên 49 số báo, kéo dài hơn nửa năm), hiện tượng trẻ con hóa trong các cuộc thi hoa hậu học đường “bán lúa non” (đề cập trên 17 số báo, kéo dài hơn một tháng), “điện kế điện tử” hay “vụ chìm đò và xây dựng cầu Nông Sơn” (đề cập trên 34 số báo, kéo dài một tháng rưỡi)...

Tất cả góp phần minh chứng cặn kẽ cho vai trò, chức năng thiết yếu của báo chí là khả năng thiết lập các chủ đề tranh luận đối với dư luận xã hội, thiết lập chương trình nghị sự, tạo dấu ấn mạnh mẽ nơi công chúng - độc giả và sau đó gây ảnh hưởng sâu sắc lên chương trình nghị sự của Chính phủ.

Sự cộng hưởng này một lần nữa lưu giữ niềm tin rằng báo chí đã, đang và sẽ luôn là một “sức mạnh”, “một tiếng nói rất có trọng lượng” (lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết được trích dẫn trong cuốn sách), góp phần nuôi dưỡng, phát triển ý thức xã hội và công dân... một khi nó được kiên định với sự độc lập và những tiêu chuẩn khắt khe của chính mình.

Với lợi thế của một người nhiều năm phụ trách lĩnh vực quốc tế, vai trò (và cả sự vật lộn để giữ gìn các chuẩn mực) của báo chí điều tra và dân chủ, báo chí cộng đồng được nhà báo Đỗ Đình Tấn dày công tập hợp, minh chứng bằng những case-study kinh điển của báo chí quốc tế và Việt Nam cùng cách tiếp cận vấn đề cởi mở và điềm tĩnh.

Điều này khiến toàn bộ chương bốn của cuốn sách trở thành một tài liệu mang tính đúc kết hữu ích không chỉ cho những người làm báo chuyên nghiệp mà còn cho cả một nền báo chí công dân đang thật sự trỗi dậy.

Toàn bộ cuộc khủng hoảng hiện thời đối với báo chí được đề cập trong phần cuối cuốn sách là một cái nhìn thấu đáo về hiện thực đang thay đổi gần như tới tận gốc rễ và không thể tránh né của báo chí hiện đại cả từ cách tạo ra và truyền tải thông tin, mô hình kinh tế báo chí, sự cân bằng của nghề...

Điều khiến tác giả đi tới kết luận, một khi báo chí đã bắt đầu một lịch sử mới của mình, dưới triều đại Internet, lịch sử mới ấy “phải do chính báo chí viết nên, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức mà trước tiên là thử định nghĩa lại nghề báo và nhà báo” trong luật chơi mới không còn một chiều (one to many) mà đa chiều (many to many), trong một kết nối mới giữa báo chí và độc giả trong khi vẫn giữ vững những công cụ và giá trị cốt lõi của nghề nghiệp.

(*): Một nền báo chí phẳng, NXB Trẻ, ấn hành tháng 6-2014.

CẦM PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên