Trắc trở đường đi ngũ cốc

PHAN XUÂN LOAN (*) 30/07/2022 06:48 GMT+7

TTCT - Ngày 22-7 tại Istanbul, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã ký thỏa thuận về việc mở cửa các cảng ở biển Đen cho việc xuất khẩu ngũ cốc. Thỏa thuận được trông đợi sẽ đưa hơn 25 triệu tấn lúa mì ra thị trường thế giới.


Trắc trở đường đi ngũ cốc - Ảnh 1.

Tàu chở lúa mì ở cảng Odessa. Ảnh: Atlantic Council

Bất chấp các lệnh trừng phạt và khó khăn với việc thuê tàu, Nga vẫn là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới: trong tháng 6 và 7, nước này đã giao một lượng kỷ lục 42,6 triệu tấn ngũ cốc ra thị trường.

Vì sao Nga cần trọn gói thỏa thuận?

Phát biểu tại Cairo nhân chuyến thăm Ai Cập ngày 23-7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý "cuộc khủng hoảng lương thực không bắt đầu hôm qua hay tháng 2 năm nay", hàm ý cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine không phải là nguyên nhân khởi đầu khủng hoảng lương thực. 

Trái lại, "nó bắt đầu từ đại dịch, với những sai lầm khá nghiêm trọng mà các nước phương Tây mắc phải trong bối cảnh tình hình lương thực và năng lượng. Ý tôi là việc phát hành tiền danh nghĩa, hàng nghìn tỉ đôla. Cũng như việc vội vàng chuyển sang năng lượng xanh thiếu cân nhắc. Cùng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp", ông Lavrov giải thích.

Theo thỏa thuận Istanbul, Ukraine sẽ rà phá bom mìn để tàu thuyền có thể an toàn ra biển khơi. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và "một bên tham gia khác được xác định sau" sẽ hộ tống tàu tới eo biển Bosphorus. 

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Matxcơva yêu cầu các vấn đề về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và xuất khẩu thực phẩm của Nga được giải quyết trọn trong một gói chung. Mặc dù một số nước phương Tây và đại diện LHQ đề xuất xem xét hai vấn đề này riêng biệt, tập trung chủ yếu vào việc dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine.

Phát biểu về kết quả cuộc họp Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh: hai văn kiện được ký kết liên kết chặt chẽ với nhau và đại diện cho một gói duy nhất. 

Văn bản đầu tiên, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Nga và LHQ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón Nga ra thị trường thế giới, liên quan đến việc LHQ dỡ bỏ các hạn chế với xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga. 

Văn kiện thứ hai, do Nga đề xuất, xác định trình tự xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng biển Đen do Ukraine kiểm soát, trong đó có quy định một hành lang nhân đạo hàng hải, nơi tàu thương mại có thể đến và đi một cách an toàn.

EU vắng mặt

Ông Shoigu nhấn mạnh việc ký kết các văn kiện này khả thi do vai trò trung gian tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ.

Trong khi đó EU lại không có tiếng nói nào trong việc ký kết gói thỏa thuận. Đại diện ngoại giao EU Peter Stano thừa nhận trên Hãng TASS: "EU không tham gia xây dựng một thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và không chuẩn bị bất kỳ sáng kiến hòa bình nào về vấn đề này". 

Ông Stano nói EU không được mời tham gia các cuộc đàm phán ở Istanbul do sự phản đối của Nga.

Andrey Kortunov, giám đốc điều hành Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), chỉ ra 3 vấn đề cho thấy tầm quan trọng của gói thỏa thuận Istanbul: 

(1) Thỏa thuận bác bỏ cáo buộc từ phương Tây rằng Nga dùng xuất khẩu lương thực làm con tin gây sức ép chính trị. 

(2) Nó cho phép Nga xuất khẩu nông sản và phân bón trở lại. 

Và (3) việc ký kết văn kiện cho thấy các bên còn có thể thương lượng, tăng khả năng đi tới giải pháp hòa bình trong tương lai.

Về phần mình, phương Tây và Ukraine hạ thấp ý nghĩa của gói thỏa thuận bằng việc nhấn mạnh thỏa thuận không có cơ chế thực thi mà chỉ được ký trên cơ sở tự nguyện. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Chúng tôi tin LHQ. Bây giờ trách nhiệm của họ và các đối tác quốc tế là đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận".

Số phận mong manh

Trong lúc ở Istanbul vẫn đang hừng hào với hợp đồng lương thực, thì từ Ukraine ngày 23-7 có tin "tên lửa Nga bắn vào cảng Odessa". 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án cuộc tấn công và bày tỏ sự hoài nghi của Washington: "Cuộc tấn công này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Nga trong việc tôn trọng thỏa thuận hôm qua và làm suy yếu nỗ lực của LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine trong việc đưa thực phẩm đến các thị trường thế giới". 

Ông Zelensky thì nói cuộc tấn công là "trơ tráo", "phá hủy các khả năng... tiến hành đối thoại với Matxcơva", và gây nghi ngờ về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc.

Nga sau đó xác nhận: 4 cuộc tấn công tên lửa của Nga đã phá hủy một kho tên lửa, một tàu chiến, và các xưởng sửa chữa tàu chiến của Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố "thỏa thuận ngũ cốc không ngăn cản Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine". 

Ông giải thích rằng thỏa thuận ngũ cốc quy định rõ Nga cam kết không tấn công vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc, nhưng "kho ngũ cốc Odessa nằm cách xa các cơ sở quân sự, và Nga không tạo ra bất kỳ trở ngại nào cho việc xuất khẩu ngũ cốc".

Theo Reuters ngày 24-7, Kiev vẫn tiếp tục nỗ lực nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Odessa và các cảng khác ở biển Đen là Chernomorsk và Yuzhnyi. 

TASS cho biết các đoàn tàu đang được chuẩn bị để hoạt động trở lại, và việc ra vào của tàu thuyền ở các cảng trên sẽ được một tàu dẫn đầu hộ tống, sau khi được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các tàu này không vận chuyển khí tài quân sự.

Diễn tiến trên cho thấy những lùm xùm xung quanh cuộc tấn công sẽ không phải là cuối cùng, đồng nghĩa rủi ro thỏa thuận bị phá vỡ vẫn còn cao.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận