09/10/2024 10:28 GMT+7

Trà và sữa, mật ong có nên kết hợp với nhau?

HÀ LINH
và 1 tác giả khác

Gần đây nhiều người lựa chọn kết hợp trà và mật ong, sữa như một thức uống hằng ngày bởi tin rằng thức uống này tốt cho sức khỏe. Thế nhưng thực sự có phải như vậy?

Trà và mật ong có nên kết hợp với nhau? - Ảnh 1.

Có nên kết hợp trà với mật ong - Ảnh minh họa

Trà và mật ong có kết hợp được không?

Trà và mật ong đều được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Trong khi trà là một thức uống đặc trưng của người Việt, vừa có tác dụng giải khát, vừa tăng cường sức khỏe.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc uống trà thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ tim mạch, tăng cường chất chống oxy hóa, giúp cơ thể thư giãn, tỉnh táo, hỗ trợ giảm cân…

Trong khi đó mật ong mặc dù có chứa đường và một lượng calo đáng kể, nhưng mật ong là một nguồn giàu chất dinh dưỡng bao gồm các enzym, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.

Trà thường được kết hợp với hoa nhài, hoa cúc, astiso… tạo nên hương vị độc đáo, tốt cho sức khỏe. Còn mật ong cũng được sử dụng để "nêm" vào thức uống như nước chanh mật ong, mật ong gừng, mật ong sữa… trở thành thức uống bổ dưỡng.

Gần đây nhiều người lựa chọn trà kết hợp với mật ong vì tin rằng có thể sẽ tốt cho sức khỏe. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, thầy thuốc Trần Văn Bản - chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho hay từ trước đến nay trong đông y không sử dụng trà kết hợp với mật ong.

"Thông thường sẽ uống nước trà giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa. Với việc kết hợp trà với mật ong, thực tế trà có tannin nhiều, trong khi đó mật ong chứa nhiều đường nên việc kết hợp không có tác dụng. Tuy nhiên cũng không phải là điều cấm kỵ. Việc kết hợp trà với mật ong có thể như một thức uống ngẫu hứng để thay đổi hương vị", ông Bản cho hay.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng khuyến cáo rằng với trà xanh kết hợp mật ong không nên uống ngay sau bữa ăn, vì tannin có trong trà xanh có thể ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng khác.

Bên cạnh đó chỉ nên pha một lượng nhỏ mật ong vào trà xanh mà không nên sử dụng quá nhiều. Đặc biệt, đối với những người có nguy cơ thiếu máu, táo bón, suy giảm chức năng gan, không nên sử dụng thức uống này.

Uống trà xanh với sữa mất tác dụng phòng chống nhiều bệnh

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết về công dụng của trà, từ xưa đến nay các thầy thuốc y học cổ truyền đã bàn luận hết sức sôi nổi và đã phát hiện, khẳng định trên nhiều bình diện khác nhau.

Theo đông y, trà vị đắng, chát, hơi ngọt, vào hai đường kinh can và thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, làm cho đầu não được thư thái, da thịt mát mẻ, khỏi chóng mặt, xây xẩm, bớt mụn nhọt, cầm tả lỵ…

Kể từ thập niên 1980 của thế kỷ 20 đến nay, trà cũng đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu sâu rộng của các nhà y học hiện đại.

Cho đến nay, người ta thống nhất nhận thấy trà có các tác dụng như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kích thích tiêu hóa, làm giảm mỡ máu, tăng tiêu hao năng lượng, kể cả năng lượng rút ra từ lớp mỡ dư ở người, giúp phòng chống hữu hiệu tình trạng béo phì, tăng hưng phấn và cải thiện trí nhớ, tăng cường chức năng miễn dịch.

Bên cạnh đó, thức uống này chống viêm loét đường tiêu hóa, chống dị ứng, kháng khuẩn tiêu viêm, chống ngưng kết tiểu cầu và sự hình thành huyết khối, chống ôxy hóa và tiêu trừ các gốc tự do, chống phóng xạ, chống mệt mỏi và làm chậm quá trình lão hóa, làm giảm đường máu góp phần phòng chống bệnh tiểu đường, dự phòng thiếu máu và ngăn ngừa giảm bạch cầu do chiếu xạ, dự phòng các bệnh lý mạch máu não và đặc biệt còn có tác dụng chống ung thư.

Ngoài ra, trà còn có công năng sáp tràng cầm tiêu chảy, dự phòng sự hình thành sỏi tiết niệu và sỏi đương mật, phòng chống bệnh gút và cường giáp trạng, phòng chống tình trạng thiếu sinh tố, đặc biệt là vitamin C, tăng cường sức đề kháng, làm vững bền thành mạch...

Tuy nhiên, nước trà có thể làm mất hoặc giảm tác dụng của các hoạt chất của thuốc, cho nên không chỉ với kháng sinh, thực phẩm chức năng mà với các loại thuốc khác cần uống cách xa khi uống nước trà ít nhất là 2 giờ.

Nước trà pha thêm với sữa là đồ uống khá hấp dẫn, nhưng đây là sự kết hợp không hoàn hảo và bất lợi vì sữa sẽ làm giảm tác dụng của trà trong việc ngăn ngừa bệnh lý tim mạch và ngược lại trà làm cho sữa trở nên khó tiêu và giảm giá trị dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng khuyến cáo người dân không nên uống trà nóng pha nước sôi 100 độ C, bởi dễ làm tổn thương niêm mạc thực quản. Theo thời gian lặp đi lặp lại, thực quản, khoang miệng, dạ dày, đường tiêu hóa bị tổn thương và hình thành ung thư.

Trong một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO đã liệt kê đồ uống nóng trên 65 độ C là thực phẩm gây ung thư nhóm 2A.

Theo IARC, nếu tiêu thụ đồ uống quá nóng như trà, cà phê... có nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương các cơ quan này.

Đồng thời đồ ăn quá nóng cũng làm hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột dễ bị tổn thương nặng nề. Khi uống trà nóng, nhiệt độ cao của trà có thể làm tăng nhiệt độ của niêm mạc dạ dày và làm kích ứng niêm mạc, dẫn đến đau, khó chịu hoặc bị viêm loét dạ dày.

Ngoài ra uống trà nóng trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ mắc loét dạ dày. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc bị viêm dạ dày.

Cách uống trà an toàn cho sức khỏe:

- Không uống trà đã để qua đêm vì sẽ sinh ra các chất không tốt cho cơ thể.

- Nên uống trà pha loãng để hạn chế lượng caffeine hấp thụ vào cơ thể.

- Tránh uống trà trước và sau bữa ăn.

- Không nên uống trà xanh ngay gần giờ đi ngủ vì caffeine sẽ làm tỉnh táo tinh thần gây khó ngủ hơn.

- Không nên dùng trà xanh để uống thuốc vì các hoạt tính có trong trà sẽ làm giảm mất tác dụng của thuốc.

- Uống trà xanh lúc đói sẽ làm loãng dịch dạ dày, giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và dễ gây viêm dạ dày. Vì thế tuyệt đối không được uống trà lúc đang đói vì sẽ gây xót ruột và làm cơn đau dạ dày nhiều hơn.

- Nếu đang mắc bệnh loét dạ dày thì không nên uống nước trà. Vì chất tannin trong trà kích thích tế bào thành dạ dày bài tiết nhiều axit khiến tình trạng loét càng nặng hơn.

- Hãm và uống trà ở nhiệt độ từ 50 - 70 độ C sẽ đảm bảo được an toàn.

Trà và sữa, mật ong có nên kết hợp với nhau? - Ảnh 2.Giống lúa mới giúp giảm bệnh tiểu đường sẽ trồng đại trà trong năm 2025

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) ở Philippines đã phát triển thành công một giống lúa mới có khả năng giúp giảm bớt căn bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn thế giới.






Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên