28/03/2019 17:03 GMT+7

Trả tiền qua ứng dụng thanh toán tự động: 'quá nhanh, quá nguy hiểm'

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Cách thanh toán "nhanh, gọn, lẹ" giải phóng người trẻ bận rộn khỏi nỗi lo quên thanh toán một hóa đơn kiểu "đến hẹn lại lên", nhưng nó có thể khiến bạn thiếu tư duy cân nhắc, đánh giá tài chính khôn ngoan, hợp lý.

Trả tiền qua ứng dụng thanh toán tự động: quá nhanh, quá nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh (minh họa): WALL STREET JOURNAL

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), mối liên hệ giữa việc mua và thanh toán một món hàng nếu được thực hiện theo cách tạm gọi là "thủ công", có nghĩa người mua sẽ biết chính xác số tiền mình phải trả cho một món hàng hay dịch vụ, sẽ giúp người tiêu dùng kiểm soát chủ động hơn với đời sống tài chính của họ. 

Trong khi đó, nếu giao phó quá trình này hoàn toàn cho những ứng dụng tự động, người dùng có xu hướng thiếu tư duy cân nhắc, đánh giá tài chính khôn ngoan, hợp lý.

Nuôi thói quen "tiêu không cần biết"

Một điều trớ trêu là những ứng dụng thanh toán theo thời gian thực, về lý thuyết, đáng lẽ phải giúp con người kiểm soát tiền bạc tốt hơn, nhưng lại đang bộc lộ những hệ lụy trái ngược.

Theo đó, thay vì giúp người dùng thấy được những hệ quả trước mắt và lâu dài của các quyết định chi tiêu, những ứng dụng thanh toán "quá nhanh, quá nguy hiểm" này lại khiến con người chi tiêu phóng tay hơn vì "khuất mắt trông coi".

Với các thanh toán bằng ứng dụng di động, người dùng không cần phải quẹt thẻ hay lấy tiền mặt trả, cũng không cần ký tá hóa đơn gì. Dĩ nhiên ta vẫn biết mình đã tốn bao nhiêu tiền cho dịch vụ/sản phẩm mua và có thể kiểm tra lại bất cứ lúc nào, nhưng gần như mọi công đoạn thanh toán tiếp theo ta không cần phải can dự vào.

Cách thanh toán "nhanh, gọn, lẹ" này rõ ràng hấp dẫn với những người trẻ bận rộn. Nó giải phóng họ khỏi nỗi lo quên thanh toán một hóa đơn kiểu "đến hẹn lại lên", và cả những lo lắng về chuyện tiền bạc hàng ngày.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này đi kèm với một "cái giá" rất đắt. Một chuyên gia tài chính chia sẻ quan điểm với tờ WSJ, cho rằng nỗi quan ngại lớn nhất ở đây là nó dung dưỡng sự lãng quên với vấn đề tài chính cơ bản của người trẻ. Nếu bạn không thường xuyên nghĩ về việc tiền của mình đang được chi tiêu cho những gì, bạn sẽ không thể biết mình có đang chi tiêu hợp lý và thông minh không.

Trả tiền qua ứng dụng thanh toán tự động: quá nhanh, quá nguy hiểm - Ảnh 2.

Ảnh (minh họa): SPUTNIK

Lựa chọn chủ động hơn

Dĩ nhiên, ứng dụng thanh toán có tính năng cho phép bạn không chi tiêu nhiều hơn những gì bạn có. Nhưng tài chính cá nhân liên quan tới nhiều vấn đề hơn so với việc chỉ là tránh bị "viêm màng túi". Việc thanh toán với bút và giấy là một quá trình chủ động hơn nhiều.

Khi các ứng dụng tự tiến hành những thao tác cân đối tài chính, các robot tự động thanh toán và con người chỉ là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng, quá trình đó trở nên thụ động hơn nhiều. Nhiều người đôi khi không để ý họ đã tiêu tốn cước phí Internet, điện thoại trong tháng gần nhất là bao nhiêu vì đã cài đặt chế độ tự động thanh toán trên ứng dụng.

Càng dễ dàng, tiện lợi và tốc độ thì càng dễ quên, đó có thể coi là một thực tế tất yếu của công nghệ tiện lợi. Chính sự kết nối được đề cập tới ở trên là cái có thể giúp đời sống tài chính của ta "an toàn", đảm bảo việc bạn tiết kiệm đủ và chi tiêu cho những gì thực sự cần thiết.

Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để chúng ta vẫn có được sự kết nối trở lại giữa những thứ ta mua và quá trình thanh toán đó, mà không phải từ bỏ những tiện ích thuận lợi công nghệ mang lại? Câu trả lời lại cũng là một giải pháp công nghệ.

Người dùng có thể sử dụng các ứng dụng tài chính cá nhân để phân loại các việc mua bán và gửi cho bạn báo cáo chi tiêu. Các ứng dụng này có thể phát hiện, và cảnh báo bạn, nếu việc thanh toán định kỳ sẽ đẩy bạn vào rắc rối.

Chúng cũng sẽ gửi cho bạn những thông báo nhắc nhở khi một thanh toán tự động được tiến hành, dành cho bạn một lựa chọn nhỏ mỗi lần định chi tiêu gì đó. Đó là khi quá trình "hãy ngăn cản tôi trước khi khi hành động ngốc nghếch" sẽ bắt đầu.

Nếu những người trẻ muốn chi tiêu và tiết kiệm một cách thông minh, có lẽ họ cần có một công cụ đóng vai trò cầu nối giữa những gì chúng ta chi tiêu và cách chúng ta thanh toán.

Chúng ta cần cảm thấy có sự kết nối giữa giá trị những món hàng mua và sự chủ động cần thiết khi tiến hành việc mua chúng. Nói cách khác, với những ứng dụng thanh toán tự động, chúng ta cần được có cơ hội ra quyết định trong mỗi lần thao tác, thay vì để máy móc tự làm mọi việc.

Sắp có tiêu chuẩn QR Code để thanh toán không dùng tiền mặt

Chỉ cần một chiếc smartphone và thao tác quét QR Code trong vài giây là người dùng có thể thanh toán mua hàng trực tuyến, thanh toán hóa đơn… dễ dàng.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên