Thông báo phát đi sau khi Tiến Minh - người chuyên viết nhạc phim - lên tiếng về một ca khúc của anh bị sử dụng trong chương trình Giọng hát Việt (The Voice).
Phóng to |
Sự việc trên một lần nữa cho thấy câu chuyện về việc "tôn trọng quyền tác giả các ca khúc" sẽ vẫn còn được tranh cãi dài, và không phải ngẫu nhiên khi cả ba cuộc tranh cãi về quyền tác giả đều liên quan đến các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc do VTV phát sóng. Từ việc lùm xùm xung quanh bài hát Ðường cong do Uyên Linh biểu diễn ở Vietnam Idol 2011, Ngây thơ do Ðông Hùng biểu diễn trên sân khấu Sao mai điểm hẹn, đến vụ gần đây nhất là bài Nơi tình yêu bắt đầu do Bùi Anh Tuấn thể hiện ở The Voice.
Đơn giản mà... không đơn giản
Câu chuyện bản quyền tưởng rất đơn giản, khi cứ theo quý VTV đều thống kê các bài hát tiếng Việt được phát sóng và trả cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) theo mức giá định sẵn. Tuy nhiên, từ Tạ Quang Thắng - tác giả bài hát Ngây thơ và Tiến Minh - tác giả Nơi tình yêu bắt đầu - đều lên tiếng phản ứng vì hai tác giả này không hề được xin phép và việc biểu diễn trên sân khấu ảnh hưởng đến dự án riêng của họ.
Theo ông Nguyễn Hà Nam (trưởng ban thư ký biên tập VTV), VTV sẽ không phải xin phép đối với các tác phẩm đã công bố và chỉ trả tiền phát sóng. Trước hết, liên quan đến việc tác phẩm Nơi tình yêu bắt đầu đã được công bố hay chưa, hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Vũ Ngọc Hoan (phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bộ VH-TT&DL) khẳng định: trường hợp này tác phẩm đã công bố rồi do đã được biểu diễn phổ biến, sản xuất bản ghi và phân phối cho công chúng. Tuy nhiên, các luật sư về bản quyền tác giả cho rằng muốn xác định việc một tác phẩm cụ thể như Nơi tình yêu bắt đầu đã công bố chính thức chưa thì phải bắt đầu từ bản hợp đồng của tác giả Tiến Minh với đoàn làm phim Siêu thị tình yêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến Minh cho biết: "Bản thân tôi đến thời điểm này chưa ký thanh lý hợp đồng với đơn vị sản xuất phim Siêu thị tình yêu. Theo hợp đồng, bài hát của tôi sẽ được sử dụng độc quyền trong phim này, tôi không được cung cấp cho bộ phim nào khác. Tuy nhiên, tôi vẫn có quyền cung cấp hoặc ký hợp đồng cho phép các ca sĩ biểu diễn, thu âm". Trong khi đó, luật sư Phạm Thanh Thủy (VCPMC) nói: "Ngay cả tác giả khi lên tiếng cũng không hiểu rõ luật về bản quyền. Thông thường các kiểu hợp đồng này đều lỏng lẻo, không rõ về nội dung độc quyền, lĩnh vực độc quyền nên cũng rất khó xác định trách nhiệm giữa các bên".
Đặc quyền của đơn vị phát sóng
Bên cạnh đó, việc VTV được quyền phát sóng tất cả ca khúc đã được công bố mà không phải xin phép tác giả cũng gây ít nhiều thắc mắc về sự "ưu đãi" này. Có ý kiến cho rằng đây là kim bài miễn tử đối với VTV trong việc ngó lơ các vụ vi phạm bản quyền trên truyền hình.
Luật sư Phạm Thanh Thủy cho rằng VTV phải phát đi phát lại rất nhiều chương trình âm nhạc, số lượng sử dụng tác phẩm rất lớn nên không thể bắt họ lần sử dụng nào cũng xin phép, Luật sở hữu trí tuệ quy định việc giới hạn quyền tác giả là có lý. "Trong một số trường hợp nhất định, phải xem xét đến lợi ích của cả ba bên: tác giả, công chúng hưởng thụ và đơn vị phát sóng" - luật sư Thủy nói.
Ðồng tình với quan điểm này, luật sư Khánh Toàn cũng khẳng định ngay cả ở Mỹ cũng có sự ưu tiên này vì họ tính đến lợi ích của công chúng. Nhiều trường hợp độc quyền, tác giả không cho phép người thứ hai được hát bài hát của mình thì khi đó người chịu thiệt thòi là công chúng. Tuy nhiên, việc không phải xin phép mà chỉ trả tiền chỉ là ưu tiên dành riêng cho các đơn vị phát sóng; các chương trình biểu diễn, ghi âm còn lại vẫn phải xin phép, trả tiền bình thường.
Ðặc quyền của đơn vị phát sóng đã được ghi rõ trong Luật sở hữu trí tuệ. Ai có thể đi cãi luật kể cả khi luật thủng lỗ chỗ?
HÀ HƯƠNG
Tác giả tự học cách... bảo vệ tác phẩm Về những tranh cãi xoay quanh ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu, Tiến Minh cho biết một điểm thiếu sót nữa là khi ca khúc này xuất hiện trong The Voice, đề mục ca khúc chỉ có tên thí sinh mà không hề ghi tên tác giả. Trước đó, ca khúc này trôi nổi trên mạng qua hai bản thu giọng hát của Bằng Kiều - Lam Anh và Phương Anh Idol. Tuy nhiên đây là những bản thu mà các ca sĩ đã liên hệ với tác giả và có hợp đồng tác quyền, theo thông tin từ Tiến Minh. Mặc dù đã coi việc các ca khúc được đón nhận trước đó như Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc, Ði qua bóng tối... có rất nhiều bản thu âm lan tràn trên mạng chỉ là tổn thất cá nhân (vì chuyện thu âm ca khúc không xin phép tác giả quá phổ biến), song trong lần lên tiếng này Tiến Minh cho biết việc kêu gọi ý thức của mọi người thật sự rất cần thiết. Tác giả Tiến Minh nêu lên một thực tế: "Khi liên hệ với một số nhóm nhạc, ca sĩ chuyên nghiệp sử dụng ca khúc của tôi, phản ứng của họ coi việc dùng nhạc của người khác là chuyện hết sức bình thường!". Vì thế một mặt nhạc sĩ cho rằng mình cần phải tự học cách... bảo mật tốt hơn ca khúc nhạc phim của mình, mặt khác vẫn phải tìm cách lên tiếng, bảo vệ đứa con tinh thần vì "Chúng tôi cần khán giả được biết xuất xứ bài hát từ đâu, các nghệ sĩ tôn trọng lẫn nhau, các nhạc sĩ bảo vệ được bản quyền tác phẩm của mình". NGA LINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận