04/10/2024 11:17 GMT+7

Trả phí đi đường trên cao để tránh kẹt xe: tại sao không?

TP.HCM có quy hoạch 70km đường trên cao nhưng vướng một số trở ngại, thiếu vốn nên chưa được triển khai. Nay cơ quan chức năng xúc tiến chủ trương đầu tư 5 tuyến đường trên cao có bề rộng 4 làn xe - tín hiệu vui cho giao thông TP.

Trả phí đi đường trên cao để tránh kẹt xe: tại sao không? - Ảnh 1.

TP.HCM cũng tính toán, xem xét làm phương án xây đường trên cao ở đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hàng loạt dự án khác ban đầu dự kiến nâng cấp và mở rộng nhưng sau đó được xem xét làm theo phương án đường trên cao như các đoạn quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên. Điều này còn cho thấy sự thay đổi góc nhìn, xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông.

Phải làm để giảm kẹt xe

Thực trạng kẹt xe không chỉ hạ tầng cầu đường chưa đáp ứng mà còn bởi cấu trúc đô thị tạo xung đột giữa các phương tiện tại nhiều ngã tư, nút giao. Chu kỳ đèn tín hiệu dù được điều chỉnh kéo dài cũng không đủ để giải tỏa lượng xe vào giờ cao điểm.

Ngành giao thông tập trung mở rộng cầu đường (giải quyết kẹt xe trên một mặt phẳng), đường làm xong vẫn kẹt xe, lại phải hạn chế ô tô hoặc cấm xe tải lưu thông qua khu vực. Việc này, về lâu dài, ảnh hưởng không tốt đến cả hoạt kinh doanh sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Việc xây dựng các đường trên cao là thêm vào yếu tố không gian ba chiều. Tại các ngã tư và nút giao có đường trên cao di chuyển thuận lợi hơn, hạn chế dừng chờ đèn tín hiệu, giảm xung đột và áp lực cho mặt đường bên dưới vốn đã quá tải.

Đường trên cao còn là giải pháp tốt nhất tránh kẹt xe cho một đích đến có đông xe (như khu vực sân bay chẳng hạn). Với đường trên cao, áp lực giao thông tại vị trí giao cắt trên các đường lân cận sẽ giảm.

Làm đường trên cao lại ít ảnh hưởng dân sinh, giảm thiểu đền bù giải phóng mặt bằng nên tiết kiệm chi phí đáng kể so với việc nâng cấp và mở rộng. Hiệu quả sẽ cao hơn khi đường trên cao được tính toán có làn riêng cho xe buýt, kết nối giao thông công cộng, tích hợp quy hoạch sử dụng đất với các khu dân cư.

Trả phí để đi nhanh hơn

Xã hội hóa đường trên cao có tiềm năng rất lớn với thành phố đã có hơn 914 ngàn ô tô và 8 triệu xe máy này. Trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới.

Việc xem xét làm các dự án đường trên cao thu phí hoàn vốn và có lợi nhuận sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Về mặt kinh tế - xã hội mang đến nhiều lợi ích, có thêm hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển mà không phải sử dụng quá nhiều ngân sách.

Người trả phí được di chuyển thuận lợi vừa đỡ mệt nhọc, vừa giảm nguy cơ chậm trễ do kẹt xe. Nhà đầu tư cung cấp dịch vụ cho những ai có nhu cầu tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách thu phí cũng là lẽ công bằng.

Cần thiết lập hành lang pháp lý để thu hút nhà đầu tư tham gia cạnh tranh công bằng và có trách nhiệm. Cần có cách bảo lãnh rủi ro và hài hòa lợi ích trong đầu tư xây dựng, vận hành khai thác; có cơ chế mở trong vận hành khai thác giúp tăng hiệu quả, thu phí linh động từng thời điểm để chuyển phần lưu lượng phương tiện nơi đang quá tải sang hệ thống đường trên cao.

Cần có sự hỗ trợ nhà đầu tư huy động vốn, giảm chi phí đầu vào. Chẳng hạn như sử dụng trái phiếu doanh thu được miễn thuế, tiền gốc và tiền lãi không tính trong doanh thu có được từ dự án giao thông xây dựng bằng trái phiếu, kể cả người mua trái phiếu không phải đóng thuế thu nhập phần tiền lãi nhận được từ trái phiếu.

Được vậy, trái phiếu phát hành vừa có sức hấp dẫn vừa giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Tạo sự đồng thuận

Sở Giao thông vận tải có thể chủ động hoàn tất thủ tục các dự án đường trên cao, nêu thông tin cụ thể, phương án hoàn vốn và có lợi nhuận rồi công bố rộng rãi để các nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, đưa lên mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời mời các nhà đầu tư đến tham dự cùng trao đổi làm rõ thông tin, giải thích những thắc mắc.

Lúc này, người dân được thụ hưởng và trả phí dịch vụ cũng biết các thông tin liên quan đến dự án, xem như đã lấy ý kiến cộng đồng. Càng tạo sự đồng thuận cao thì khi triển khai càng ít gặp phản ứng và giảm thiểu rủi ro cho các bên.

Trả phí đi đường trên cao để tránh kẹt xe: tại sao không? - Ảnh 2.TP.HCM tính phương án làm đường trên cao giảm kẹt xe

Đường trên cao là một trong những phương án hiệu quả nhằm giảm ùn tắc và kẹt xe tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên