Phóng to |
Vợ chồng ông Đông - bà Kính trên “đồng trà sinh thái” - Ảnh: Nguyễn Thành Trung |
Nhìn những trang trại trà Ô Long mênh mông do người Đài Loan đầu tư khắp cao nguyên Bảo Lộc, Di Linh, ông Nguyễn Bình Đông và bà Trần Thị Kính thầm ao ước. Nhưng muốn trồng trà quy mô lớn thì họ phải vay vốn và vay thật nhiều...
Nước mắt phải tính bằng thùng phuy
Đã có lúc, trong năm 2008, cái trang trại quá rộng vượt khỏi sức chịu đựng của đôi vợ chồng nông dân nghèo vốn liếng. Khi ấy, vì giá trà đọt xuống quá thấp, họ đành phải chọn cách bin (chặt ngang cho bụi trà “ngủ” suốt năm) tới 55ha trà đang độ sung sức cho đọt để không tốn chi phí nuôi dưỡng, bởi nếu không hi sinh như thế mỗi tuần họ phải đổ vào các đồi trà 50-70 triệu đồng. Bà Kính ngậm ngùi bảo rằng nếu có thể đong được thì nước mắt họ đổ xuống trang trại trồng trà này “phải tính bằng thùng phuy”. |
Những vùng đất màu mỡ lý tưởng cho cây trà phát triển ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh... đã được các doanh nghiệp Đài Loan và các công ty hoạt động bằng vốn nước ngoài “xí phần” thông qua những dự án thuê đất dài hạn. Hai vợ chồng lang thang khắp các vùng xa tít của huyện Bảo Lâm với hi vọng tìm thấy những mảnh đất đã bị người khác chê vì quá xấu. Một ngày nọ, họ đến vùng đồi núi hoang vu ở cuối xã Lộc Ngãi, nơi ngay bên dưới lớp đất là quặng bauxite.
Đất càng xấu giá càng rẻ. Những tháng ngày kế tiếp, họ la cà đến các làng hỏi thăm và tìm mua lại những mảnh đất ấy. “Phải trồng được trà giống như các đại gia, như các ông chủ Đài Loan, với các giống trà cao cấp Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Tứ Quý, Ô Long. Có vậy mới bán được trà với giá cao, mới nhanh trả xong nợ!” - ông Đông kể.
Cứ vậy, từ mảnh đất bauxite hoang tàn nhỏ lẻ đầu tiên, họ mua gom dần thêm những mảnh đất khác xung quanh khi có người muốn “tống” (bán) nó đi, bằng tiền cóp nhặt được từ những luống trà trồng năm trước và từ những ký heo hơi, kể cả những tấn phân heo họ có được. Trang trại trồng trà rộng đến 111ha hiện nay của ông Đông - bà Kính được mua gom từ 56 “chủ đất”!
Suốt 10 năm qua, vợ chồng họ gần như chưa nghỉ ngơi bao giờ. Thời gian đầu họ dựng lều trên đồi, làm quần quật cả ngày để mong sớm có trà đem bán trả nợ, bởi lúc này tổng số tiền vay nợ đầu tư trồng trà cao cấp đã lên đến 20 tỉ đồng! Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mới chồng lên nợ cũ...
Trong khi ở các trang trại trồng trà Ô Long cao cấp của các doanh nhân Đài Loan có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, trà được bón bằng phân vi sinh tốt nhất, bằng cả sữa bò tươi (pha ngâm để xịt lên lá cho trà tươi tốt, mỡ màng) thì ở trang trại của ông Đông - bà Kính, chủ nhân phải vắt sức làm việc như công nhân, phải mò mẫm kỹ thuật trồng sao cho trà tươi tốt, không bị sâu bệnh. Trà của họ cũng được “tắm” sữa nhưng là thứ sữa tươi đã bắt đầu chuyển mùi hoặc thứ sữa bột quá đát mà họ săn lùng được với giá thật rẻ.
Đồng trà sinh thái
Lâu nay hình ảnh thường gặp trên “vương quốc trà” Bảo Lộc là những nương trà thẳng tắp, ngút ngàn chỉ cao quá bụng người. Nhưng khi lạc vào vùng trà của đôi vợ chồng Đông - Kính, người ta đi giữa những luống trà rợp bóng cây xanh.
Ban sơ, tiền thân của những đồi trà ở Tây nguyên là những cánh rừng, nhưng giờ đây chỉ trang trại trồng trà của đôi vợ chồng Đông - Kính còn dáng vẻ của rừng nhờ rừng cây được gìn giữ. “Giữ lại cây xanh cũng là cách để vườn trà có tình hơn, êm ái hơn và cũng để cho con suối dưới kia còn có nước” - bà Kính 54 tuổi (kém chồng một tuổi), chưa học hết tiểu học, bày tỏ.
Không chỉ giữ lại cây rừng nguyên sinh, họ còn trồng thêm rất nhiều thông và hàng trăm ngàn cây muồng đen, hàng vạn cây gió bầu để có bóng mát cho trà. Ông Đông gọi nương trà của mình là “đồng trà sinh thái”.
Trên các luống trà đọt ra tươi tốt là những phụ nữ dân tộc Châu Mạ đeo gùi hái trà - hình ảnh đông vui, nhộn nhịp không thua kém bất cứ trang trại lớn nào do người nước ngoài đầu tư, quản lý vào vụ thu hoạch. Chỉ khác là vợ chồng chủ nhân ăn mặc tuềnh toàng, hòa mình trong dòng người hái trà hăng ngày. Họ chỉ nhận người Châu Mạ làm việc vì “trong các buôn làng vùng sâu này bà con ta vẫn còn quá thiếu việc làm” như lời ông Đông. |
Dạo bước trong “đồng trà sinh thái” ấy, ta cảm nhận được tức thì sự yên bình, thanh sạch. Trên các sườn đồi, có lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng ống tưới nhỏ giọt ngầm trong đất hay hệ thống tưới phun tự động để những luống trà luôn được mát mẻ.
Công đoạn tưới chỉ diễn ra vào mờ sáng hoặc đêm về để nước không mau bốc hơi. Nước được hút từ suối lên, chứa trên hồ treo ở đỉnh đồi để lắng lọc sạch trước khi tưới. Với hàng vạn mét dây đường ống và 14 chiếc máy nổ đặt ở nhiều vị trí nhưng công việc tưới trà có khi chỉ cần một người.
Ngoài phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu vi sinh, chất dinh dưỡng chính cho trà là bã đậu nành, bánh dầu phộng, rong biển, sữa bò (mỗi tháng sử dụng ít nhất 300 hộp)...
Đây đó trên các lối đi trong trang trại là những thùng rác với dòng chữ “Làm ơn bỏ rác vào thùng”. Bên trong khu nhà ở cho công nhân có tủ thuốc với những thứ thuốc men thường dùng và y cụ sơ cứu. Kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu, khu tắm giặt của người lao động nằm tách biệt với chỗ ngủ, chòi nghỉ...
Trên hết là trà trồng ra được thu hái ở nông trang Đông - Kính chất lượng không thua kém bất cứ đồng trà Đài Loan nào ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh hay Cầu Đất (Đà Lạt). Chính một số doanh nhân trồng trà người Đài Loan khi nghe đồn, tìm vào đây tham quan cũng ngỡ ngàng và thán phục trước một nông trang trà với bản sắc riêng độc đáo.
Gặp chuyên gia về cây trà hàng đầu của VN hiện nay - tiến sĩ Phạm S (phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng), ông bảo: “Đây là nông trang tuyệt vời, một mô hình mẫu mực cho nền canh nông hiện đại. Chúng tôi đang đề xuất cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm) cho nông trại trà của họ”.
Phóng to |
Công nhân hái trà người Châu Mạ - Ảnh: Nguyễn Thành Trung |
Giấc mơ danh trà
Khi những luống trà đầu tiên ra đọt, hai vợ chồng chở từng bao bán cho một hãng trà nổi tiếng ở Bảo Lộc. Chuyện mua bán không trôi chảy, những lứa trà sau đó họ tìm đến những trang trại của các ông chủ Đài Loan cũng trên địa bàn Bảo Lâm. Trà “sinh thái” Đông - Kính thế là thành trà Đài Loan!
Chỉ mấy năm sau, do được nhìn tận mắt quy trình trồng và chăm bón đồng trà của đôi vợ chồng Đông - Kính, Công ty chế biến nông sản Phương Nam ở Bảo Lộc mới đồng ý bao tiêu tất cả trà của họ. Trà Ô Long vừa hái phải được đưa vào nhà máy chế biến ngay để giữ tinh chất và hương thơm.
Đồng trà Đông - Kính cách xưởng chế biến của Phương Nam hơn 35km. Cuối năm 2007, họ đem trang trại của mình thế chấp, vay tiền sắm hai chiếc xe tải nhẹ Isuzu để chở trà vừa hái đem chế biến ngay. Năm 2008 đầy khó khăn, trà rớt giá trong khi giá phân bón tăng vọt, họ phải bán đi một chiếc để nuôi đồng trà...
Tháng 8-2009, màu xanh đã trở lại với đồng trà sinh thái ấy sau gần một năm bị “kềm” phát triển. Những cô gái Châu Mạ cho biết từ khi có đồng trà của ông bà Đông - Kính, mỗi ngày họ có được từ 7-10kg gạo, không còn cảnh ngồi không và cũng không phải sang tận xã Lộc Tân để hái trà cho các ông chủ Đài Loan.
Đi trong không khí nô nức ấy, bà Kính vẫn chạnh lòng: “Cứ mỗi lần ra thị xã Bảo Lộc, ngang phố trà đoạn trên quốc lộ 20, nhìn thấy nhãn hiệu các danh trà, chúng tôi cứ ao ước giá đồng trà của mình cũng có được một nhãn hiệu như thế. Bán hàng tinh như họ chắc chắn phải thu lợi được nhiều hơn bán trà đọt thô như chúng tôi”.
Còn ông Đông cho biết xây dựng một nhà xưởng ngay tại nông trang như mô hình làm trà trên thế giới còn quá xa vời với vợ chồng ông, nhưng khả năng thanh toán hết nợ đã rõ dần. Riêng tôi biết trong số các danh trà kia, có hãng không trồng lấy một cây trà nhưng vẫn sống khỏe và vẫn nổi tiếng suốt mấy chục năm qua chỉ nhờ mua trà của nông dân về chế biến, đóng gói, đưa ra thị trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận