18/01/2005 17:47 GMT+7

Trả nợ... cho đời

LÊ THỊ MỸ LAM
LÊ THỊ MỸ LAM

TTO - Căn hộ nằm khuất sâu trong một cầu thang tối đầy mùi ẩm mốc của tường, rác thải dọc lối đi. Bước vào phòng, không gian thoáng hơn nhờ những luồng ánh sáng yếu ớt hắt qua khung cửa sổ.

62qYtFnF.jpgPhóng to
Chị Tuyết bên những mảnh đời bé nhỏ của mình

Đó chính là ngôi nhà 271/1 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh Q.1 của chị Nguyễn Thị Anh Tuyết, nơi ấp ủ cho hơn 18 mảnh đời bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ.

“Tôi từng có hoàn cảnh như thế…”

“Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ tôi đã có đủ hộ khẩu và giấy khai sinh ”. Chị Tuyết không nén nổi niềm hân hoan cầm giấy tờ có được đưa chúng tôi xem. Tất cả giấy tờ gồm: hộ khẩu nhà, giấy khai sinh của hai con chị Thân Trọng Kỳ (1982) Thân Trọng Nhân (1984) và một số trẻ đang sống tại nhà chị Tuyết. Bản thân chị Tuyết và chồng trước giờ vẫn không có một tờ giấy lận lưng.

Năm 1988, chị Tuyết đánh liều gởi thư đến toà soạn báo Công An Thành Phố nhờ giúp đỡ. Nhờ đó, Trọng Kỳ và Trọng Nhân được đi học. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ gởi văn bản chỉ đạo UBND TP về việc cấp hộ khẩu và giấy khai sinh cho người có nhu cầu. Vì vậy, Trọng Nhân và Trọng Kỳ chính thức có giấy khai sinh khi ở tuổi… 20 và 22.

Chị Tuyết vốn là một đứa trẻ mồ côi. Trước giải phóng, chị sống ở Long Khánh, Đồng Nai. Lấy chồng, chị lên Sài Gòn sinh sống, nhờ người quen mà sang được căn hộ như hiện nay. Nhưng cuộc sống gia đình chị cũng chẳng khấm khá hơn được chút nào. Toàn bộ lo toan của cả nhà đều đổ dồn lên vai chị, vào từng ly nước bán được ở ga Sài Gòn hàng đêm. Chị ôm đứa con đầu lòng thức chờ tàu đi, về để bán nước cho hành khách.

Bình thường thì chẳng nói gì. Những đêm trời mưa, chị phải nấp vào vỉa hè, ôm chặt con vào lòng cố chịu đựng từng làn gió lùa vào lạnh buốt. Nhìn từng giọt mưa tí tách rơi, chị khát khao mơ ước có một mái nhà ấm cúng như bao gia đình khác… Chính những tháng ngày vất vả ấy, chị đã chứng kiến biết bao cảnh đời khốn khổ. Điều đó thôi thúc trong đầu chị ý định sẽ giúp đỡ những người đồng cảnh. “Tôi từng có hoàn cảnh như thế nên hiểu rõ. Phải đặt mình vào hoàn cảnh đó, cô mới cảm thông được” – chị tâm sự.

Những mảnh đời bất hạnh

Năm 1989, chị Tuyết bắt đầu nhận giữ trẻ. Hầu hết, cha mẹ của những đứa trẻ ấy là dân nghèo lưu cư từ các tỉnh lên thành phố. Những đứa trẻ chị nhận có khi là con của chị bán nước đêm, cô thu mua ve chai, cô ô-sin bị ông chủ gạ gẫm có mang… Mỗi tháng, chị nhận được nhúm tiền không đáng là bao. Buôn bán ế ẩm, vỡ nợ, tù tội, họ bỏ rơi con mình.

Cả căn phòng rộn hẳn lên khi bọn trẻ có mặt đông đủ tại nhà. Chúng hồn nhiên kể đủ chuyện ở trường, lớp, thầy cô và bạn bè cho má Hai nghe. 18 đứa trẻ là 18 câu chuyện khác nhau nhưng đều tụ trung dưới một mái nhà cùng má Hai (từ bọn trẻ gọi chị Tuyết).

Cậu bé Thiên Thiện có khuôn mặt kháu khỉnh và đôi mắt đen tròn đứng dè dặt ở góc nhà nhìn những vị khách một cách lạ lẫm. Cả nhà Thiện sống rày đây mai đó. Gia cảnh nghèo túng nhưng đều đặn mỗi năm sản sinh thêm… nhân khẩu mới, nuôi không nổi phải đem cho. Bà nội Thiện xót cháu bèn quyết giữ lại một đứa để “ có người nhang khói”.

Lúc đó, Thiện sinh ra được hơn một tháng tuổi. Bà nội Thiện làm nghề bói dạo, ngày nào cũng bế cháu theo bên cạnh. Lần nọ, bà ngồi than thở với một “ gia chủ” và được người này giới thiệu đến nhà chị Tuyết. Hôm nào bà kiếm được tiền liền gởi chị Tuyết chút đỉnh để lo sữa cho thằng bé. Tuồi già sức yếu, bà ngã bệnh qua đời. Cha mẹ Thiện cũng bặt tăm từ đó. Căn nhà của chị Tuyết dang rộng vòng tay kết nạp thêm một đứa trẻ.

Hoàn cảnh Thiên An cũng chẳng khá hơn. Mẹ An vì bận đi làm nên phải gởi con cho Chị Tuyết giữ. Sau đó, mẹ An không rõ phạm tội gì phải ngồi tù. An về hẳn với má Hai từ đó. Số nhân khẩu ban đầu chỉ là số 1,2,3… sau tăng dần lên con số 18. Nhìn những đứa trẻ non nớt chưa rời bầu sữa mẹ không ai không khỏi xót xa.

Bà con xung quanh thấy vậy thương tình góp chút ít. Tất cả bọn trẻ ở đây đều được chị liệt kê ra thật chi tiết, để khi lớn khôn chúng sẽ tìm được cha mẹ . Những đứa trẻ chưa có tên, không rõ cha mẹ là ai đều được chị đặt tên. Bắt đầu bằng họ Thân hoặc Vũ (giống họ của con chị) chữ lót là Thiên. Nào là Thiên Thiện, Thiên Ai, Thiên Hương… với hy vọng tương lai chúng sẽ sáng sủa hơn.

Chị Tuyết thường đùa: “ Tôi mắc nợ với đời”. Ngày này qua ngày khác, chị Tuyết đi gõ cửa khắp các trường, cơ quan xin giấy nhập học, làm giấy khai sinh cho bọn trẻ. Nhiều lúc gặp khó khăn nhưng chị không nản, vẫn tiếp tục viết đơn và đi chứng nhận. 17 đứa trẻ lần lượt được Trường vừa học vừa làm 15/5 tiếp nhận. Vì không kịp giấy tờ nên còn một bé sang năm mới đến trường.

Hiện chị Tuyết đang tiến hành làm thủ tục nhận con nuôi đối với các trẻ hoàn toàn mồ côi đang sống ở nhà chị. Dưới mái nhà ẩm thấp của chị Tuyết, những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ đang dần được thắp sáng bằng ngọn lửa yêu thương.

LÊ THỊ MỸ LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên