04/10/2015 12:13 GMT+7

Trả nợ ân tình

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có một người đàn ông rất 
đặc biệt. Dân bản Làng Cát từ lâu lắm rồi vẫn quen gọi ông là “Doan Tráng” - như một cách để thể hiện sự biết ơn.

Ông Tráng bán bộ bàn ghế nhà mình lấy tiền cho Hồ Đinh sửa lại nhà, và đích thân ông cũng về phụ sửa nhà cho Hồ Đinh - Ảnh: UYÊN NHI
Ông Tráng bán bộ bàn ghế nhà mình lấy tiền cho Hồ Đinh sửa lại nhà, và đích thân ông cũng về phụ sửa nhà cho Hồ Đinh - Ảnh: Uyên Nhi

Đó là ông Nguyễn Văn Tráng, năm nay 43 tuổi. 

Nhận nắm cơm, trả nghĩa tình

Nhà ông Tráng ở thôn Lương Lễ đến nay đã được gần 40 năm. Đó là khi Quảng Trị vừa mới giải phóng, cuộc sống quá khó khăn với bảy đứa con khiến cha mẹ ông Tráng quyết định rời khỏi Triệu Phong lên vùng núi Hướng Hóa tìm kế sinh nhai. Thôn này chỉ cách bản Làng Cát hơn một cây số đường chim bay.

Những năm đầu mới lên đây lập nghiệp gạo cơm hiếm hoi lắm. Cả nhà Tráng chín miệng ăn chỉ trông chờ vào gánh củi của cha mẹ. Cứ mỗi sáng hai cha con Tráng lên rừng lấy củi đều đi qua bản Làng Cát này. Thấy Tráng gầy còm đói khát, những “pa", "mế” trong bản thường dúi cho Tráng nắm cơm nếp vắt tròn.

Dân bản đã định cư lâu năm ở vùng rừng núi này nên ít ra cũng có cơm gạo ăn hằng ngày. Riết thành quen, nên ngay cả những ngày Tráng không lên rừng cùng cha thì dân bản cũng nhớ đến đứa trẻ tên Tráng đói cơm ở nhà mà gửi cho cha Tráng một nắm xôi đem về.

“Nhờ những nắm cơm đó mà tui lớn lên. Đó là ân tình không thể đong đếm nên tui phải quay về báo đáp”, ông Tráng tâm sự.

Lớn lên, Tráng được đi học lâm nghiệp. Sau đó, năm 28 tuổi Tráng về làm lái xe cho kiểm lâm huyện Hướng Hóa. Tráng có lương mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng. Đó là lúc Tráng tìm về thăm lại bản Làng Cát.

Dân bản vẫn nghèo vì sống dựa vào rừng mà càng ngày sản vật rừng càng khan hiếm. Tráng nghĩ đến việc phải tìm cách giúp dân bản thoát nghèo trước.

Đầu những năm 2000, hai vợ chồng Tráng tích cóp được gần 20 triệu đồng. Tráng bàn với vợ đem tất cả mua bò. Tráng dắt bốn con bò vừa mua được xuống Làng Cát giao cho bốn hộ nghèo nhất. Tráng bày cho cách chăn thả và dặn sau khi bò đẻ phải trả bò mẹ lại để cho những hộ khác mượn nuôi.

Được hai năm, Tráng lại tiếp tục lấy tiền hai vợ chồng tích cóp mua thêm mấy con dê đưa về bản và cũng làm y như thế. Tráng còn bỏ tiền túi mua giống cây công nghiệp về cho dân bản và hướng dẫn cách trồng. Sau khoảng 10 năm trở về bản, Tráng đã giúp cho hơn 10 hộ dân trong bản thoát đói nghèo nhờ cách ấy.

Bán bàn ghế dựng nhà cho dân bản

Ngôi nhà vợ chồng ông Tráng đang ở cùng hai đứa con ở thôn Lương Lễ hiện chỉ là ngôi nhà lụp xụp gồm ba gian. Ba năm trước, hai vợ chồng ông Tráng tích cóp mua được một bộ bàn ghế khá đẹp bằng gỗ để trong phòng khách. Bộ bàn ghế khi đó trở thành tài sản có giá trị nhất trong nhà.

Một đêm mưa to gió lớn đầu mùa mưa năm 2012, ông Tráng đang ngủ thì bất ngờ có điện thoại của trưởng bản Làng Cát. Trưởng bản hốt hoảng báo tin là nhà của Hồ Đinh ở cuối bản sắp sập rồi. Giờ cả gần chục người trong nhà đang bồng bế nhau qua nhà hàng xóm trú tạm.

Ông Tráng bật dậy chạy ngay xuống bản. Hai vợ chồng Hồ Đinh đang phải nuôi đến 11 miệng ăn. Trong đó có 5 người con, 3 người cháu và 1 mẹ già.

Sau ba đêm thức trắng, ông Tráng đánh liều mở lời với vợ. Vợ ông Tráng, bà Đặng Thị Ngân, là một giáo viên tiểu học. Vốn quá hiểu ân tình của chồng với dân bản nên bà gật đầu. Ngay hôm sau, cả xóm thấy có người đưa xe đến chở bộ bàn ghế nhà ông Tráng đi.

Cầm mấy chục triệu bán được từ bộ bàn ghế, ông Tráng đưa cho vợ một nửa, rồi cầm một nửa chạy xuống Làng Cát đưa cho Hồ Đinh bảo mua thêm gỗ và tấm lợp về sửa lại nhà. Ông Tráng cho luôn Hồ Đinh số tiền ấy.

Cho đến bây giờ, ông Tráng vẫn giấu Hồ Đinh việc mình bán bộ bàn ghế lấy tiền cho Hồ Đinh sửa lại nhà.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên