29/07/2016 10:13 GMT+7

Trả lại môi trường sạch cần hơn tiền phạt

QUỐC THANH thực hiện (quocthanh@tuoitre.com.vn)
QUỐC THANH thực hiện ([email protected])

TTO - UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường hướng dẫn cưỡng chế các tổ chức, cá nhân không thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất cần được kiểm soát thường xuyên để tránh gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: các cơ sở sản xuất xả khói ra môi trường ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM trưa 28-7- Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất cần được kiểm soát thường xuyên để tránh gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: các cơ sở sản xuất xả khói ra môi trường ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM trưa 28-7- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, PGS.TS LÊ VĂN KHOA - khoa môi trường và tài nguyên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - nói: Buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do họ gây ra, có thể hiểu nôm na là phải trả lại tình trạng như ban đầu khi môi trường nơi đó chưa bị ô nhiễm.

* Ông nói gì về việc không ra được quyết định cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nhưng không khắc phục hậu quả?

PGS.TS Lê Văn Khoa - Ảnh: Q.T.
PGS.TS Lê Văn Khoa - Ảnh: Q.T.

- Pháp luật hiện nay cho phép cưỡng chế, buộc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không tự nguyện thực hiện.

Cái vướng mà UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn là biện pháp cưỡng chế người vi phạm thực hiện khắc phục ô nhiễm... sẽ được ghi như thế nào trong quyết định cưỡng chế, áp dụng ra sao.

Tôi nghiên cứu thấy rằng Luật hình sự năm 1999 quy định khá rõ các tội gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất... (chưa kể Luật hình sự mới năm 2015 quy định chặt chẽ, chi tiết hơn), bao gồm việc không khắc phục, làm sạch môi trường. Nhưng cho đến bây giờ tôi chưa thấy có thông tin một vụ xử lý hình sự điển hình nào về loại tội phạm này.

Trở lại kiến nghị của UBND TP, tôi nghĩ đây là điều cần thiết, bởi ở một thời điểm nào đó pháp luật quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ..., cần phải được cập nhật, bổ sung. Vấn đề là khi đã xác định được lỗ hổng, cần sớm bịt lại, đừng kéo dài, để lỗ hổng này tiếp tục bị lợi dụng, môi trường tiếp tục bị xâm hại.

Nhưng cũng phải nói thẳng một thực tế là trong một số vụ gây ô nhiễm, rất bức xúc cho cộng đồng dân cư và dư luận, các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật chưa làm hết trách nhiệm. Để có thể bảo vệ môi trường tốt hơn, thực thi pháp luật ở lĩnh vực này nghiêm minh hơn, chúng ta còn nhiều giải pháp bổ sung khác, ví dụ như sử dụng công cụ truyền thông, áp lực phê phán của dư luận, cộng đồng đối với các nhóm liên quan...

* Vì sao chưa có một vụ xử lý hình sự điển hình nào về tội phạm môi trường?

- Chưa kể đến các quy định của Luật hình sự năm 2015 như nói trên, Luật hình sự năm 1999 quy định các tội gây ô nhiễm môi trường khá rõ. Trong quá khứ có nhiều cuộc tranh luận về pháp nhân gây ô nhiễm, xử lý hình sự ai...

Tại sao chúng ta cứ phải tranh luận mãi điều này? Với tôi, đơn giản là người đại diện pháp luật của đơn vị gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề hiện nay là mọi hành động của chính quyền cần thiết phải thể hiện quyết tâm thật cao, đồng thời khắc phục cho được tư duy cố thủ, an toàn trong quản lý, tránh mọi phiền phức và e sợ bị kiện tụng.

Một điều cần thiết nữa là phải có tấm lòng vì cộng đồng thì mới có thể làm hết trách nhiệm, còn nếu không, các lợi ích nhóm, các nhóm thân hữu... sẽ lũng đoạn, chi phối trong các khâu thực thi pháp luật.

Khi đó, tình trạng xâm phạm môi trường sẽ tiếp tục diễn ra nghiêm trọng như thời gian qua và hiện tại. Còn nếu đã xác định được thủ phạm gây ô nhiễm thì phải đưa ra biện pháp xử lý, buộc trả giá tương xứng cho hành vi gây ô nhiễm đó.

* Trở lại vấn đề trả lại sự trong sạch cho môi trường, ông nghĩ sao về khắc phục hậu quả sau các vụ ô nhiễm được phát hiện?

- Trong nhiều vụ gây ô nhiễm thường không có số liệu thống kê, theo dõi về kết quả khắc phục hậu quả ô nhiễm. Đây là thiếu sót cần sớm điều chỉnh và tổ chức quản lý tốt hơn.

Khi người dân không khiếu nại, báo chí không lên tiếng... thì các cơ quan quản lý yên tâm vụ việc đã lắng xuống, thậm chí đi vào quên lãng. Trong những trường hợp như vậy, chất lượng môi trường, chất lượng sinh thái, sức khỏe cộng đồng ít khi được xét đến và theo dõi diễn biến.

Bởi vậy, vai trò quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn, tư vấn theo dõi chất lượng môi trường, biến động về môi trường là rất quan trọng, kể cả báo chí nữa.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

Luật pháp cho phép nhưng lâu nay không thực hiện

Tôi cho rằng việc UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn thực hiện cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường là đúng đắn.

Thực tế, luật pháp hiện nay đã cho phép cưỡng chế buộc khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng có điều là chúng ta không thực hiện. Vì vậy, mọi việc mới chỉ dừng ở chỗ luật pháp đã có quy định, nhưng vì không làm thành ra không có kinh nghiệm trong thực tiễn.

Nếu vẫn cứ thực hiện theo kiểu phạt tiền các đơn vị vi phạm và khi họ không thực hiện khắc phục ô nhiễm mà không cưỡng chế được, vấn đề ô nhiễm khó có thể cải thiện. Thậm chí trong thực tế, ngoài việc không cưỡng chế buộc khắc phục ô nhiễm, cách xử lý đôi khi còn cho thấy chúng ta khá ưu ái doanh nghiệp trong vấn đề chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Còn cưỡng chế buộc khắc phục ô nhiễm môi trường ra sao, việc này Bộ Tài nguyên và môi trường, các cơ quan tư pháp cần họp bàn cùng các địa phương để có hướng dẫn chung. Hiện nay, sau Luật bảo vệ môi trường có các nghị định, dưới các nghị định còn có nhiều thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, trước vấn đề phát sinh vướng mắc, gặp khó khăn trong thực hiện cưỡng chế buộc khắc phục ô nhiễm môi trường, tôi nghĩ từ kiến nghị của UBND TP.HCM, Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc liên bộ phải có thông tư hướng dẫn để các địa phương triển khai.

* PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng):

Cần phải đưa nhiều vụ ra tòa án xử

Việc khắc phục ô nhiễm cần phải phân chia thành các loại khác nhau. Với những hành vi gây ô nhiễm thông thường như gây bụi, khói thì việc buộc khắc phục ô nhiễm là không cho phát thải ra nguồn ô nhiễm, hoàn trả môi trường.

Tương tự, với các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thải bỏ các chất thải thông thường, chất thải rắn, chất thải nguy hại ra môi trường, có thể áp dụng các biện pháp hành chính buộc các đơn vị phải thu gom, xử lý chất thải để khôi phục môi trường.

Tuy nhiên, với các hành vi gây ô nhiễm đến mức hủy hoại môi trường như tàn phá rừng, gây ô nhiễm nước đến mức cá chết hàng loạt, cần phải nhìn nhận vấn đề khôi phục môi trường là rất khó. Khó ở đây là khó có thể làm sạch môi trường như hiện trạng ban đầu.

Với những vụ việc có tính chất hủy hoại môi trường nặng nề cần phải đưa ra tòa xử để có các chế tài mạnh, đi kèm là các biện pháp thi hành án cụ thể nhằm khôi phục môi trường, chứ không chỉ dừng ở các biện pháp hành chính.

XUÂN LONG ghi

QUỐC THANH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên