03/08/2022 11:08 GMT+7

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu

THỦY TIÊN
THỦY TIÊN

TTO - Cứ mỗi lần có dịp đi ngang lăng Ông Bà Chiểu, tôi lại nhớ những ngày tôi lang thang từ lớp đại học sang đây chơi.


Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh 1.

Nhóm bạn sinh viên của tôi và thầy Huỳnh Văn Tòng (người đeo kính đứng giữa) - Ảnh tư liệu

Nhớ cả đám bạn cũng thỉnh thoảng sang xin xăm, xem quẻ để coi mình... đậu hay rớt ở kỳ thi sắp tới...

Sinh viên già, sinh viên trẻ

Còn nhớ, cách đây 29 năm trước, khi chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12, bạn bè tôi ùn ùn mua hồ sơ để nộp đơn, thi vào các trường đại học thì tôi giả ngơ nhưng lòng thì buồn vô hạn. Tôi đi học tiếp sẽ là một gánh nặng cho mẹ khi suốt ba năm sau khi ba mất, mẹ tôi vất vả nuôi năm đứa con với đồng lương giáo viên còm cõi.

Đến lúc tôi biết điểm thi tốt nghiệp khá cao thì cánh cửa các trường đại học không còn chào đón tôi nữa. Nhưng rồi may mắn, tình cờ tôi đọc trên trang quảng cáo của báo Tuổi Trẻ, thấy Trường ĐH Mở bán công TP.HCM tuyển sinh, chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT, không cần thi tuyển, các ngành quản trị kinh doanh, luật học, báo chí học và phụ nữ học.

Thương đứa cháu học hành chăm chỉ mà không có cơ hội học đại học, lại bị tôi "vận động hành lang", một bà dì (dì ruột của mẹ tôi) đã nói thêm vào để mẹ tôi cho tôi đi học đại học "vớt". "Con khá văn thì học báo chí đi", mẹ tôi nói. Tôi bắt đầu có duyên với báo chí từ chuyện là sinh viên muộn như thế.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh 2.

Các sinh viên báo chí đi điền dã ở Cù Lao Phố, Biên Hòa - Ảnh tư liệu


Thuở ấy, Trường ĐH Mở chưa được to lớn, quy mô hiện đại như giờ nên phải đi thuê nhiều cơ sở. Cơ sở ở 116 Đinh Tiên Hoàng (nay là đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nơi chúng tôi đến giờ vẫn quen gọi là "trường" của mình, chỉ cách lăng Ông Bà Chiểu vài chục mét. Nhìn từ bên ngoài chẳng mấy ai nghĩ đây là một "ngôi trường". 

Bên ngoài chỉ có một tấm biển nhỏ để tên khoa báo chí và khoa luật Trường ĐH Mở bán công TP.HCM. Tòa nhà hai tầng lầu này bên dưới có văn phòng của hai khoa, trong góc bên trái có một căngtin nhỏ. Trên lầu là các lớp, nơi học tập của sinh viên hai khoa. 

Tôi nghe nói loáng thoáng trước đây khu nhà này là nơi đào tạo nghề của một cơ quan thuộc bộ với phòng học nhỏ hẹp. Trường không giảng đường, cũng không ghế đá, nói gì đến vườn trường để những đứa mới chia tay với trường trung học như tôi thơ thẩn, mơ với mộng.

Những ngày đi học đầu tiên, "sốc" nhất với tôi lúc đó là những bạn đồng môn. Không thể mày tao, cá mè một lứa như lâu nay tôi vẫn nghĩ về các bạn học cùng lớp. 

Trong lớp, "ngôi thứ" được phân định khá rõ vì nhiều bạn hơn tôi 5, 7 tuổi, thậm chí hơn cả... 20 tuổi và đã có... năm đứa con. Có anh, chị có chức vụ, đang công tác ở báo tỉnh cũng đi học. 

Có hôm thì chị bạn học nhà ở Bình Dương xuống, dẫn theo cả đứa con, một thằng bé có cái má phúng phính, rất dễ thương, đi học cùng mẹ.

Mấy ngày đầu, đám loi choi tuổi 18 chúng tôi phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên cũng bởi một lẽ lớp có rất nhiều người đang tu tập ở các nhà thờ, nhà chùa đi học thêm ngành báo chí.

Trừ một vài anh chị học là do cơ quan cử đi, còn thì đa số các bạn khác của tôi đi học là vì yêu thích báo chí, trong đó có những anh chị từng phải dở dang vì hoàn cảnh, thời cuộc. Không chỉ vét hết tiền bạc của gia đình, khăn gói xuống Sài Gòn, nhiều anh còn đem theo cả nồi niêu, xoong chảo... rồi vất vả đạp xe, đi thuê phòng trọ ở.

Để đỡ tốn kém và cũng để thắt chặt tình bằng hữu, người ở Lâm Đồng cùng trọ chung phòng với bạn tại Quảng Ngãi, Kiên Giang... Để rồi có ngày "sinh viên già" giận đám bạn "sinh viên trẻ trâu" ở cùng nhà trọ, lại thêm nỗi nhớ vợ con, thế là nửa đêm anh đạp xe đạp về thẳng Bảo Lộc (Lâm Đồng), ngay và luôn.

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh 3.

Vì điều kiện nhập học, nên khoa báo chí ĐH Mở bán công ngày ấy có nhiều sinh viên già, trẻ, kể cả các nghệ sĩ như Thanh Bạch, Xuân Hương đi học - Ảnh tư liệu

Hùn tiền xuất bản "báo"

Có thể nói khoa báo chí của ĐH Mở bán công năm ấy là đứa con tinh thần của thầy tôi, chủ nhiệm khoa - tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, người học ở Đại học Sorbonne (Pháp) và tốt nghiệp tại ngôi trường danh tiếng này. 

Thầy dồn tất cả tâm huyết và kỳ vọng vào thế hệ làm báo đổi mới, hiện đại, năng động với nhiều nhiệt huyết cho lớp chúng tôi. Thầy đã mời nhiều "cây đa, cây đề" trong giới trí thức, ngành giáo dục và làm báo để thỉnh giảng cho khoảng 60 sinh viên, đặc biệt là trong đó nhiều người đã nổi danh khả kính từ trước năm 1975.

Tôi còn nhớ mình được học giáo sư Lý Chánh Trung (môn văn minh phương Tây), thầy Lý Quý Chung (môn phóng sự báo chí), tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng (môn lịch sử báo chí, quảng cáo và giao tế nhân sự...), nhà báo Trần Trọng Thức (môn các thể loại báo chí, kỹ thuật viết tin), tiến sĩ Tô Thị Ánh (môn tâm lý học), luật sư Trương Thị Hòa (môn luật), thầy Huỳnh Minh Đức (môn văn minh phương Đông).

Đặc biệt, sinh viên báo chí chúng tôi còn được nghe nhà văn nổi tiếng Sơn Nam say sưa giảng thêm về lịch sử - văn hóa Nam Bộ, mà nhiều bạn ở trường khác nghe chuyện này cứ trố mắt "ganh tị". Ngoài ra, thầy Huỳnh Văn Tòng còn mời nhiều nhà báo trẻ thành danh thời ấy đến truyền lửa đam mê cho các sinh viên đang mơ mộng một ngày đẹp trời không xa mình sẽ thành nhà báo.

Thế rồi, vào một ngày đẹp trời ở năm đại học thứ hai, bỗng có người đề xuất ý tưởng cả lớp cùng chung tay làm một "tờ báo" của lớp. Đây là sân chơi chung cho khoa báo chí, cũng là nơi thực hành những gì các thầy cô đã truyền dạy. 

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh 4.

Lớp chúng tôi tham gia tiểu trại ở Cần Giờ - Ảnh tư liệu

Học phải đi đôi với hành, nên ai cũng hào hứng, ủng hộ ý kiến trên. Và rồi sau một buổi tranh luận, lớp đã chọn đặt tên Tâm Giao cho đứa con chung của mình. Tiền xuất bản sẽ là tiền góp của lớp trên tinh thần tự nguyện và của cả thầy vận động từ bên ngoài.

Nói là "tờ báo" cho sang, thực chất nó là một tập san, khổ giấy A3, được dàn trang rồi in ra và gấp đôi, bấm ở giữa là xong. Kế tiếp là việc chọn ra một ban biên tập "gan cùng mình". Ban biên tập này kiêm nhiệm rất nhiều việc, từ xin giấy phép xuất bản, viết, biên tập, duyệt bài, trình bày mà không có đồng thù lao nào.

Để tiết kiệm tối đa, sinh viên Lê Quốc Khải, lớp trưởng, còn mạnh dạn đề nghị nhà báo - thầy Trần Trọng Thức cho sử dụng máy vi tính để nhập liệu bài báo. Thương các sinh viên báo chí "máu nghề", thầy vui vẻ đồng ý và giao hẳn nhà cho nhóm đến lập "tòa soạn". 

Không chỉ vậy, mẹ thầy còn nấu mì bò đãi nhóm sinh viên. "Đó là một trong những tô mì ngon nhất trên đời. Thời đó sinh viên có mì ăn đã là tốt rồi. Mà tô mì mẹ thầy nấu quá trời thịt bò luôn...", anh Khải xúc động nhớ lại.

Các sinh viên - cây bút chủ lực của Tâm Giao khi đó là anh Hoàng Văn Hàn, sơ Nguyễn Thị Mỹ Tửu, anh Quốc Khải, Uyên Viễn, Trọng Chính... bao thầu các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, tản văn, truyện, thơ... 

Và dù không muốn nói câu "chúng tôi đã hết sức cố gắng", tờ báo của lớp cũng chỉ ra đời được hai số rồi ngưng xuất bản, vì cả "ban biên tập" lẫn "phóng viên" là sinh viên thời khó đều phải lo chuyện cơm áo gạo tiền trước khi mài chữ ra chơi mãi.

Một thời sinh viên đầy đam mê và hoài bão khó quên...

Trả lại em yêu khung trời đại học - Kỳ 7: Nhớ mãi lớp học gần lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh 5.

Ngày ra trường của chúng tôi năm 1997 - Ảnh tư liệu

Rồi một khúc ngoặt lịch sử với những quy định mới khiến Trường đại học Mở bán công chuyển lớp báo chí chúng tôi và các lớp khóa sau sang Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM học hai năm cuối. Ngồi ở ngôi trường có bề dày lịch sử này, chúng tôi vẫn nhớ đến ngôi trường cũ của mình.

Nơi đó không có giảng đường lớn, không cây xanh cũng không sân vườn, nhưng nơi đó có những ngày mộng mơ mà đầy đam mê, hoài bão của một thời xanh trong cùng tiếng yêu chưa kịp nói cùng ai kia. Để rồi mỗi khi đi ngang qua khu lăng Ông Bà Chiểu, tôi lại nhớ đến bạn học và một thời quá đỗi yêu thương...

"Thương nhất vẫn là những bữa cơm tự nấu trong phòng ký túc xá toàn nước canh rau với vài miếng thịt mỏng như lá lúa, vậy mà vẫn rủ bạn bè trong lớp ngồi san sẻ với nhau"...

Kỳ tới: Quên sao được một thời ký túc xá

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 6: Thời khát khao tri thức,... gạo và tình yêu

TTO - Thời chúng tôi vào đại học, năm hậu chiến đầy khó khăn 1980, kỳ thi tuyển sinh đại học tách biệt với thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sĩ tử lớp 12 phải lo vượt qua hai "cửa ải".

THỦY TIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên