Ba khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến, Hải Âu ven biển TP Quy Nhơn được tỉnh Bình Định có chủ trương di dời - Ảnh: DUY THANH
Dời đi thì phải giải quyết sao cho có lý có tình, đảm bảo Nhà nước thu hồi được đất phục vụ công cộng, nhưng cũng đảm bảo cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, còn việc làm của hàng trăm người ở đó nữa.
Ông HỒ QUỐC DŨNG
(bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định)
Tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh khẳng định di dời 3 khách sạn ven biển Quy Nhơn để làm công viên vẫn là chủ trương xuyên suốt, phải thực hiện, nhưng việc triển khai phải theo lộ trình và không trái quy định pháp luật.
Đã hoàn tất thủ tục dời 1 khách sạn
Ven biển trung tâm TP Quy Nhơn, ở phía đông đường An Dương Vương là 3 khách sạn lớn, từng là "bộ mặt" của đô thị Quy Nhơn, đó là các khách sạn: Bình Dương (2 sao), Hải Âu và Hoàng Yến (cùng 4 sao). Cả 3 khách sạn này không nằm trên bãi biển, được xây dựng ven bãi biển.
Tuy nhiên, vì mục tiêu phải giữ được sự thông thoáng cho bãi biển, không che chắn biển, tỉnh Bình Định có chủ trương di dời cả 3 khách sạn này. Do vậy, năm 2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn, trong đó có nội dung các khách sạn đã nêu đến hết thời gian cho thuê đất thì phải di dời, trả lại mặt bằng để tỉnh xây dựng công viên cảnh quan biển phục vụ cộng đồng.
Cho đến nay việc thực hiện chủ trương này như thế nào?
Ông Lê Văn Tùng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định - cho hay đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Định và Bộ Quốc phòng đã thống nhất các thủ tục để di dời khách sạn Bình Dương thuộc Binh đoàn 15.
"Tỉnh đã giao khu đất mới ở đường Nguyễn Văn Trỗi (Quy Nhơn) để Bộ Quốc phòng xây dựng công trình mới thay cho khách sạn Bình Dương. Việc bồi thường cho khách sạn này cũng đã được lên phương án và UBND tỉnh phê duyệt. Bây giờ các bên đang hoàn thiện thủ tục, khi Bộ Quốc phòng xây dựng xong công trình mới thì giải tỏa khách sạn Bình Dương" - ông Tùng nói.
Riêng 2 khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến, theo ông Tùng, có vướng quy định của pháp luật về đất đai, nên đến nay vẫn đang trong giai đoạn xem xét, báo cáo để xin ý kiến. Cả 2 khách sạn tư nhân này đều được tỉnh Bình Định cho thuê đất có thời hạn, trong đó khách sạn Hải Âu đã hết hạn thuê đất vào năm 2019, còn khách sạn Hoàng Yến đến tận năm 2052 mới hết hạn thuê đất.
Nha Trang: vẫn phải chờ
Tại Nha Trang, cùng với việc thu hồi 10.000m2 mặt nước biển vịnh Nha Trang từ Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa để làm bãi tắm công cộng, tỉnh Khánh Hòa cũng đã có chủ trương giải tỏa toàn bộ khu du lịch Ana Mandara, thu hồi đất bãi biển để làm công viên. Nhưng chủ trương đã có từ hàng chục năm đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, việc di dời khu du lịch, resort Ana Mandara, thu hồi bãi biển Nha Trang sẽ được thực hiện khi Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa hoàn thành giai đoạn 1 dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.
Để di dời khỏi bãi biển Nha Trang, từ năm 2011 chủ đầu tư khu du lịch Ana Mandara khi ấy đã đề nghị tỉnh cho thuê đất để xây dựng dự án thay thế tại bắc bán đảo Cam Ranh. Đó là dự án Evason Ana Mandara Cam Ranh resort & spa (nay là khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh) đã được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 6-2014 và giao đất, cho thuê hơn 29ha theo đề nghị của doanh nghiệp.
Thế nhưng, theo Thanh tra Chính phủ, dự án vừa nêu đã chậm tiến độ nhiều năm, cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy thời hạn di dời khu Ana Mandara để trả lại bãi biển Nha Trang cũng bị "đung đưa", thay đổi nhiều lần đến nay.
Trong khi chờ di dời, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khi ấy đã cho phép Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Khánh Hòa - chủ đầu tư khu du lịch Ana Mandara - liên doanh thành lập Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa và chuyển cho doanh nghiệp mới này làm chủ khu du lịch đã nêu.
Tháng 6-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi toàn bộ đất và mặt nước biển đã cho thuê làm khu du lịch Ana Mandara nhưng giao lại cho Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa tiếp tục quản lý cho đến hết ngày 31-12-2018. Đó là thời hạn chót, theo quyết định vừa nêu, để trả lại bãi biển Nha Trang tại khu Ana Mandara.
Thế nhưng chủ đầu tư đã "điều chỉnh dự án", chậm tiến độ nên gần giữa năm 2018 Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa lại cam kết sẽ đưa dự án Evason Ana Mandara Cam Ranh vào hoạt động trước ngày 30-6-2020. Vì vậy việc thu hồi bãi biển Nha Trang cũng bị điều chỉnh theo.
Dự án kể trên lại tiếp tục chậm tiến độ với lý do nằm trong số các dự án bị Thanh tra Chính phủ thanh tra. Do đó việc di dời khu Ana Mandara lại bị trì hoãn tiếp cho đến nay.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa, dự án khu phức hợp Ana Mandara Cam Ranh đã được tỉnh cho điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 là vào ngày 31-12-2021. Đó cũng là thời hạn mà ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết phải di dời khu du lịch Ana Mandara để trả lại bãi biển Nha Trang làm công viên.
Nha Trang vẫn còn nhiều dự án kinh doanh cần di dời
Ngoài khu du lịch Ana Mandara chiếm hơn 2,6ha bãi biển và rào chắn khoảng 0,5km mặt tiền đường Trần Phú nhìn ra biển Nha Trang đang chờ di dời, theo các cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và kiến trúc sư ở tỉnh, còn một số dự án kinh doanh, nhà hàng khác trên bãi biển Nha Trang, ở phía đông đường Trần Phú, cũng cần phải có biện pháp điều chỉnh, giải tỏa, thu hồi bãi biển phục vụ cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận