05/06/2018 14:27 GMT+7

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, yêu cầu làm rõ có hay không vi phạm của bác sĩ Hoàng Công Lương. Đồng thời kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa, xem xét trách nhiệm của nguyên giám đốc Bệnh viện Hòa Bình.

Bác sĩ Hoàng Công Lương sau phiên tòa ngày 5-6 - Clip: DANH TRỌNG

Sau gần một tuần nghị án, chiều 5-6 TAND TP Hòa Bình đã đưa ra phán quyết vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. 

Bác sĩ Lương tiếp tục đến tòa với chiếc áo màu xanh

Bác sĩ Lương đã mặc áo này trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa. 

Từ đầu giờ chiều, rất đông người dân đến tòa chờ sẵn để theo dõi thông tin phiên tòa. 

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa - Ảnh 2.

Bác sĩ Hoàng Công Lương tới tòa chiều 5-6 - Ảnh: DANH TRỌNG

Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do quá trình xét xử xuất hiện một số tình tiết mới chưa thể làm rõ. 

Theo đó, tại tòa các luật sư đã nộp chứng cứ mới là vi bằng ghi âm cuộc điện thoại giữa bác sĩ Hoàng Công Tình với ông điều dưỡng Đinh Tiến Công. Qua xét hỏi có thấy dấu hiệu hợp thức hóa tài liệu phân công nhiệm vụ bác sĩ Lương. Để khẳng định có hay không có việc đối phó với cơ quan điều tra, việc đổ tội cho bác sĩ Lương VKS nhận thấy cần tiếp tục cần đấu tranh làm rõ. 

Bên cạnh đó trong 2 văn bản Bộ Y tế trả lời cơ quan điều tra và luật sư về việc có bắt buộc xét nghiệm AAMI sau khi bảo dưỡng sửa chữa thiết bị còn nhiều mâu thuẫn. 

Trước đó, phiên tòa được mở từ ngày 15 đến 30-5, kéo dài hơn dự kiến nhiều ngày. Ba bị cáo gồm: Bác sĩ Hoàng Công Lương - khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo và ông Trần Văn Sơn - cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình - bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bùi Mạnh Quốc - giám đốc Công ty Trâm Anh - bị đưa ra xét xử về tội vô ý làm chết người. 

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa - Ảnh 3.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG

Tại phiên tòa, các luật sư cho rằng cần thiết phải triệu tập ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc bệnh viện để làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Tuy nhiên, tòa chỉ mời ông Dương với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ông Dương đã có đơn xin vắng mặt vì đã đi nước ngoài trước đó. 

Luật sư đại diện cho ông Dương có đến dự tòa một buổi sau cũng có đơn xin vắng vì lý do sức khỏe. Nhiều luật sư kiến nghị cần phải khởi tố ông Dương và giám đốc công ty Thiên Sơn vì cho rằng 2 người này có nhiều vi phạm là nguyên nhân nhân quả gây ra sự cố. 

Tuy nhiên VKS chỉ đưa ra quan điểm, về trách nhiệm của những người liên quan được các luật sư phân tích tại tòa, VKS đề nghị HĐXX xem xét đối với những người này. Có nhiều tình tiết luật sư đưa ra, nếu đủ căn cứ VKS sẽ nghiên cứu và xem xét mở rộng truy tố ở giai đoạn sau. 

Một trong những tình tiết gây bất ngờ nhất tại phiên tòa là điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công thừa nhận đã ghi thêm vào cuốn sổ giao ban nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Công khai làm việc này theo yêu cầu của trưởng khoa. 

Trả hồ sơ, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa

Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án, đồng thời kiến nghị CQĐT xem xét khởi tố đối với ông Hoàng Đình Khiếu - phó giám đốc bệnh viện, thời điểm xảy ra sự cố là trưởng khoa Hồi sức tích cực và ông Trần Văn Thắng - trưởng phòng Vật tư thiết bị.

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa - Ảnh 4.

Hội đồng xét xử tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG

HĐXX kiến nghị khởi tố ông Khiếu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO. Ông Thắng là trưởng phòng vật tư nhưng không thực hiện đẩy đủ trách nhiệm quản lý giám sát hoạt động sửa chữa nên cũng bị kiến nghị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.cùng tội danh.

Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của nguyên giám đốc Bệnh viên đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương và giám đốc công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, báo dưỡng máy móc chạy thận tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. 

Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bác sĩ Linh, Huyền, các điều dưỡng Hằng, Điệp, Hậu tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Hội đồng xét xử tuyên án - Video: DANH TRỌNG

Theo nhận định của HĐXX, việc trả hồ sơ để điều tra làm rõ những chứng cứ buộc tội cũng như vô tội của bác sĩ Lương. 

Cụ thể, cần làm rõ lỗi của Lương trong việc ra y lệnh chạy chạy lọc thận khi máy móc đang trong quá trình sửa chữa. Trước khi ra y lệnh bác sĩ Lương có báo cáo lãnh đạo khoa cũng như lãnh đạo bệnh viện hay không? Bác sĩ Lương có được thông báo việc hệ thống nước RO đảm bảo an toàn chưa? Điều tra làm rõ việc thay đổi lời khai của bác sĩ Lương cũng như của những người làm chứng.

Xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế

Những tình tiết mới có lợi cho bác sĩ Lương được "hé lộ" trong quá trình xét xử đã được HĐXX lưu tâm. 

Cụ thể, HĐXX kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân các ông Hoàng Đình Khiếu,  Hoàng Công Tình (phó khoa Hồi sức tích cực), điều dưỡng Đinh Tiến Công trong việc chỉ đạo và thực hiện ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương vào sổ giao ban. Đây được coi là chứng cứ quan trọng để cơ quan tố tụng quy buộc tội thiếu trách nhiệm cho bác sĩ Lương.

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa - Ảnh 6.

Sau khi HĐXX tuyên trả hồ sơ, bác sĩ Lương rời tòa trong vòng tay và hoa chúc mừng của nguời dân - Ảnh: DANH TRỌNG

TAND TP Hòa Bình cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành hai công văn có nội dung mâu thuẫn về việc bắt buộc phải xét nghiệm chỉ số AAMI sau sửa chữa hệ thống nước RO. Đó là công văn Bộ gửi cơ quan điều tra và công văn gửi cho luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương. 

Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng có trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quy trình sử dụng hệ thống nước RO chạy lọc thận. Ngoài ra, chủ trương xã hội hoá của Bộ Y tế cho phép các cơ sở công lập thực hiện liên doanh liên kết góp vốn có đúng quy định hay không, trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn quy trình thận nhân tạo trong đó có quy trình kiểm soát chất lượng RO. 

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hòa Bình trong việc cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của bệnh viện trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.

Quá trình điều tra có vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

HĐXX nhận định phiên toà diễn ra dân chủ, khách quan, minh bạch, tuân thủ nguyên tắc tranh thủ công khai, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng, đúng tinh thần cải cách tư pháp.

HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố. Các chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội với bị cáo Hoàng Công Lương chưa được thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, có nhiều tình tiết mới xuất hiện, nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng, chưa có khả năng làm rõ tại phiên toà.

Căn cứ Điều 280 và 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND TP Hoà Bình thực hiện những yêu cầu trên để giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô vội, không bỏ lọt tội phạm đồng thời chấn chỉnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế của Bộ Y tế trong việc cho phép thực hiện liên doanh liên kết, góp vốn để mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập và không để xảy ra những thảm hoạ đáng tiếc trong tương lai.

Trả hồ sơ vụ chạy thận, kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa - Ảnh 8.
THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên