12/08/2018 17:46 GMT+7

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Ngày 8-8, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phải kêu gọi lập quỹ cứu trợ 120 triệu USD để đối phó với tình hình khủng hoảng lương thực ở ba quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Haiti và khu vực Sahel châu Phi.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người - Ảnh 1.

Tại Somalia, chị Farhia Mohamad Geedi (phải) dựng lều tại bãi chăn thả gia súc mới - Ảnh: Oxfam

Chúng ta không thể trút hết mọi xấu xa cho thiên nhiên.

Nhà điều phối Ganesh Pangare thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế 

Hối hả thu hoạch xong vụ lúa mì, nông dân Ghulam Abbas (45 tuổi) bán bầy gia súc rồi cùng 11 người trong gia đình rời bỏ mảnh đất cằn cỗi ở làng Charkint lên Mazar-i-Sharif (tỉnh Balkh) tìm việc. 

Ghulam Abbas tâm sự: "Tôi chưa từng thấy đợt hạn hán nào như thế. Từ 30 năm nay, chúng tôi cũng chưa từng bỏ làng hoặc bán gia súc ra đi như năm nay".

Cũng như ông, hàng trăm gia đình trong làng đã bỏ xứ lên thành phố kiếm sống do khô hạn nghiệt ngã hoành hành tại Afghanistan. Thiếu nước và cỏ, dê cũng như cừu chết hàng loạt.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người - Ảnh 3.

Phụ nữ Nhật trang bị dù và quạt mini cầm tay trong đợt nắng nóng cuối tháng 7-2018 - Ảnh: AFP

Nóng đến ve cũng ngừng kêu

Ngày 27-7, các nhà khoa học thuộc mạng lưới quốc tế World Weather Attribution (WWA) đã công bố công trình nghiên cứu chứng minh biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi khả năng xảy ra nắng nóng như ở châu Âu từ giữa tháng 5 đến tháng 7 năm nay. 

Các nhà khoa học đã lấy dữ liệu từ bảy trạm khí tượng ở Phần Lan, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển để so sánh ba ngày nóng nhất trong năm nay và ba ngày nóng nhất những năm trước đó. Kết quả ban đầu cho thấy 2018 là năm nóng nhất.

Giáo sư Friederike Otto ở Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Oxford (Anh) giải thích: "Thế giới nóng hơn và nắng nóng như hiện nay sẽ ngày càng phổ biến hơn trong những năm tới. Đây là một thực tế mà chúng ta phải chuẩn bị đối phó. Chắc chắn chúng ta cần phải ngăn chặn hiện tượng khí hậu cực đoan bằng cách nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính".

Không chỉ ở châu Âu, trong tháng 7-2018 nắng nóng đã lập thêm kỷ lục mới ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ số nhiệt kế lên đến 41,1°C ở Kumagaya (Nhật), 51,3°C ở Ouargla (Algeria), 48,9°C ở Chino (ngoại ô Los Angeles, Mỹ), 42,7°C ở Baku (Azerbaijan) và 32,5°C ở Kvikkjokk (Thụy Điển) gần địa cực. 

Tại Nhật, nắng nóng gay gắt hồi cuối tháng 7 đã làm 80 người chết và 22.000 người nhập viện. Trời nóng đến nỗi ve sầu cũng phải im tiếng giữa mùa hè.

Công trình nghiên cứu của WWA cùng hàng loạt công trình nghiên cứu khác có kết luận tương tự: Chắc chắn có mối liên hệ nhân quả giữa khí hậu cực đoan hơn và biến đổi khí hậu do con người. 

Trung tuần tháng 6-2018, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 5 tại Cape Town (Nam Phi) đã kết luận khí hậu cực đoan sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn, đặc biệt ở Đông Phi. Tại đây, mưa rất ít suốt ba năm liền kết hợp với nắng nóng bất thường đã dẫn đến nạn khô hạn triền miên.

Chị Farhia Mohamad Geedi, 25 tuổi, nuôi 100 con dê và từng ấy con cừu ở làng Fadigaab (Somalia). Giữa năm ngoái, tất cả đều chết sạch do thiếu nước và thức ăn. Chị phải dắt díu con nhỏ 4 tuổi và mẹ già lên chiếc xe tải hai cầu đến Garadag cách làng cũ 60km. Xe chở theo chín gia đình, số cừu và dê còn sót lại và vật dụng lều trại. 

Ông Mahmoud Geedi Ciroobay bộc bạch: "Hạn hán giết chết dần chết mòn, đầu tiên là lấy đi bãi chăn thả, kế đến là bầy gia súc. Chúng yếu dần rồi lăn ra chết. Sắp tới sẽ tới lượt con người mắc cúm, tiêu chảy, sởi. Không có thức ăn, nước sạch, thuốc men, họ cũng sẽ chết như gia súc thôi". 1.000 đầu gia súc của ông lần lượt chết trong chặng đường tìm nguồn nước.

Trả giá vì hủy hoại môi trường - Kỳ 3: Thiên tai tàn khốc do con người - Ảnh 4.

Cuối tháng 7-2018, mưa lớn ở Patna (Ấn Độ), người nuôi bệnh bắt được cá trong Bệnh viện đại học Nalanda - Ảnh: AFP

Xây dựng đô thị vô tội vạ

Chuyên gia Valérie Masson-Delmotte thuộc Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (trực thuộc Liên Hiệp Quốc) nhận định do con người phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đại dương đã nóng hơn, hơi nước bốc lên nhiều hơn nạp thêm năng lượng tạo điều kiện cho bão tố mạnh thêm. Dù vậy, biến đổi khí hậu không phải là cái bung xung cho con người đổ lỗi.

Giải thích về siêu bão Harvey hoành hành tại bang Texas cuối tháng 8 năm ngoái, giáo sư Michael E. Mann ở Đại học Quốc gia Pennsylvania chỉ ra hai yếu tố biến đổi khí hậu. Một là nhiệt độ mặt biển tăng thêm 0,5°C khiến độ ẩm không khí tăng lên và hai là mực nước biển đã dâng cao hơn 15cm trong thập niên vừa qua. 

Song thủ phạm quan trọng phải kể đến là quá trình xây dựng đô thị vô tội vạ tại Houston khiến nước không thể thẩm thấu xuống đất, mạch nước ngầm bị tụt và đất sụt lún. Theo Đại học A&M ở Texas, để đối phó với mức tăng dân số 42% trong giai đoạn 1995-2015, Houston đã san lấp 10.000ha đầm lầy và đồng hoang nên không còn chỗ hấp thụ nước mưa. 

Đối với tình hình lũ lụt ở châu Á, các nhà khoa học đều nhất trí ngoài biến đổi khí hậu, lượng mưa tăng kỷ lục còn do nhiều yếu tố khác như phá rừng, san lấp đất ngập nước thành đất canh tác, đô thị hóa vô tội vạ và thói xả rác xuống kênh rạch.

Thành phố Mumbai ở Ấn Độ tọa lạc ven biển tây có nhiều sông ngòi, bãi bùn, ao hồ, đầm lầy, vịnh. Giáo sư Harini Nagendra ở Đại học Azim Premji (Ấn Độ) giải thích do dân số đông, đất thiếu, giá đất tăng vọt, nhiều dự án bất động sản, công nghiệp và cơ sở hạ tầng (đường ray, sân bay, đường bộ) ở Mumbai đã được xây dựng trên các vị trí trọng yếu của dòng chảy. 

Các khu vực hấp thụ nước không còn, ống cống bị lấp, do đó nước không có chỗ tiêu thoát mỗi khi mưa lớn. Mặt đất ở Mumbai đã được lát bêtông hoàn toàn nên không còn thấm nước nữa. Các chuyên gia không ngừng báo động nguy cơ Mumbai bị nhấn chìm trong nước song vẫn không tránh khỏi thảm họa được báo trước này.

Con ngáo ộp biến đổi khí hậu

Chuyên gia Red Constantino ở Viện Nghiên cứu khí hậu và đô thị bền vững (Philippines) nhận xét nhiều khi biến đổi khí hậu đã trở thành cái cớ để các nhà lãnh đạo châu Á đổ thừa khi thiên tai ập đến. Ông khẳng định: "Dù ở Jakarta, Bangkok hay Manila, vấn đề cơ bản là quản lý kém về rác, đất đai và đô thị hóa vô tổ chức".

Theo chuyên gia môi trường Bruce Dunn ở Ngân hàng Phát triển châu Á, một trong những yếu tố gia tăng lũ lụt bất thường là nạn phá rừng. Theo nghiên cứu của Đại học Charles Darwin (Úc) và Đại học Quốc gia Singapore, cứ giảm 10% diện tích rừng, tần suất ngập lụt sẽ tăng từ 4-28%.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Ở những nơi khô hạn

TTO - Ngày 6-8, hai đám cháy Ranch và River đã kết hợp thành đám cháy lớn mang tên Mendocino Complex, đám cháy lớn nhất lịch sử bang California (Mỹ).

TTO - Ngày 6-8, hai đám cháy Ranch và River đã kết hợp thành đám cháy lớn mang tên Mendocino Complex, đám cháy lớn nhất lịch sử bang California (Mỹ).

Kỳ tới: Di dân khí hậu

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên