15/08/2018 14:37 GMT+7

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Các vụ kiện về khí hậu

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 10 năm qua có khoảng 900 vụ kiện về khí hậu ở 24 quốc gia, trong đó 2/3 số vụ xảy ra ở Mỹ. Trong ba năm gần đây, số vụ kiện bảo vệ khí hậu tăng gấp ba lần.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Các vụ kiện về khí hậu - Ảnh 1.

Anh nông dân Saúl Luciano Lliuya đứng trước hồ Palcacocha (Peru) - Ảnh: daserste.de

Hiến pháp quy định nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ môi trường chứ không phải các doanh nghiệp.

Ông TRULS GULOWSEN (thuộc Tổ chức Greenpeace Na Uy, giải thích vì sao kiện chính phủ)

Chính phủ Mỹ bị kiện

Cuối tháng 7-2018, Tòa án tối cao ở Mỹ đã phán quyết ủng hộ bản án của tòa phúc thẩm khu vực 9 ban hành 10 hôm trước bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Mỹ dừng vụ Kelsey Juliana kiện Chính phủ Mỹ.

Kelsey Juliana là một trong 21 thanh thiếu niên từ 10-21 tuổi đã đệ đơn kiện chính phủ gây nguy hiểm đến các quyền cơ bản của công dân vì trợ cấp cho các hãng dầu mỏ.

bắt đầu từ tháng 8-2015 tại bang Oregon với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Our Children’s Trust. Tòa án tối cao thông báo vụ kiện sẽ được xét xử vào ngày 29-10 tới.

Tại bang California, tối thiểu chính quyền của tám thành phố đã đi kiện các công ty dầu mỏ, than, khí đốt yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngăn chặn nước biển dâng bởi các công ty biết tác hại của nhiên liệu hóa thạch đối với nhưng vẫn khai thác.

Đầu năm nay, ông Bill de Blasio - thị trưởng New York - đã thay mặt thành phố kiện năm doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ (BP, Chevron, ConocoPhillips, Exxon Mobil, Royal Dutch Shell) đòi bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Đơn kiện dẫn chứng cơn bão Sandy tàn phá New York vào tháng 10-2012 đã làm 40 người chết và hàng ngàn nhà cửa bị hư hại. Ông Bill de Blasio cho biết tiền bồi thường sẽ được đầu tư ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Không may mắn như vụ Juliana kiện Chính phủ Mỹ, ngày 19-7 vừa qua tòa án đã bác đơn kiện này.

Thẩm phán liên bang John Keenan giải thích: "Tòa án không có thẩm quyền xem xét các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Hành pháp và lập pháp mới có thẩm quyền xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và các giải pháp giải quyết".

Chính phủ Hà Lan thua kiện

Tại châu Âu, vụ kiện đầu tiên về biến đổi khí hậu xảy ra ở Hà Lan. Tháng 4-2015, Quỹ Urgenda đại diện cho 900 công dân đã kiện chính phủ muốn giảm 17% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 là vi phạm nghĩa vụ bảo vệ công dân.

Hai tháng sau, tòa án phán quyết đến năm 2020 chính phủ phải giảm 25% khí thải mới có thể ngăn chặn hậu quả biến đổi khí hậu. Chính phủ Hà Lan đang kháng án.

Vụ kiện này đã gây dư luận tốt đẹp. Ngày 27-6-2018, bảy đảng chiếm đa số trong Quốc hội Hà Lan đã trình dự luật về bảo vệ khí hậu với các mục tiêu cụ thể như giảm 49% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, đến năm 2050 giảm 95% và sản xuất 100% điện sạch.

Dự luật ấn định một ngày trong tháng 10 là "ngày khí hậu quốc gia". Vào ngày này, chính phủ phải công bố mức giảm khí thải và các biện pháp thực hiện.

Dự kiến luật sẽ được ban hành vào mùa hè năm 2019. Đây là luật về khí hậu thứ tám sau Anh, Pháp, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Mexico.

Không chỉ chính phủ, Liên minh châu Âu (EU) cũng bị kiện. Ngày 24-5-2018, 30 gia đình thuộc sáu nước châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Romania), Kenya cùng đảo quốc Fiji đã gửi đơn cho Tòa án Công lý châu Âu kiện Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu không hành động đủ để bảo vệ người dân đối phó với biến đổi khí hậu.

EU ấn định đến năm 2030 giảm 40% khí thải CO2 so với năm 1990 nhưng các đương đơn muốn tăng đến 50%.

Các hộ đi kiện đều bị biến đổi khí hậu tác động như nước biển dâng gây ngập lụt, nhiệt độ cao khó nuôi tuần lộc, lượng du khách giảm do băng tan, khô hạn làm gia súc chết, sản lượng cá giảm sút do san hô chết.

Trước đó, vào tháng 4-2016, Tổ chức Greenpeace Na Uy và Tổ chức Nature & Youth ở Na Uy đã đi kiện sau khi Chính phủ Na Uy cấp giấy phép cho 13 doanh nghiệp của Na Uy và quốc tế khai thác dầu khí trên biển Barents.

Tuy nhiên đầu năm 2018, tòa án phán quyết chính phủ không vi phạm hiến pháp.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Các vụ kiện về khí hậu - Ảnh 3.

Đương đơn Kelsey Juliana phát biểu về vụ kiện trước tòa án tối cao Mỹ ngày 27-4-2017 - Ảnh: JOHN LIGHT

Người dân mệt mỏi vì biến đổi khí hậu

Tại Nam Mỹ, vào ngày 5-4-2018, Tòa án tối cao Colombia đã công bố một phán quyết lịch sử. Tòa ủng hộ nhóm 25 thanh thiếu niên kiện nhà nước không bảo đảm các quyền cơ bản của công dân và yêu cầu chính phủ chấm dứt phá rừng để bảo vệ khí hậu.

Phán quyết thừa nhận thế hệ tương lai cũng là chủ thể được thụ hưởng các quyền.

Bốn năm trước đó tại Peru, nông dân Saúl Luciano Lliuya (37 tuổi) đã kiện Công ty năng lượng đa quốc gia RWE của Đức yêu cầu nhận trách nhiệm gây thiệt hại môi trường và bồi thường số tiền tượng trưng 6.300 euro.

Gia đình anh Saúl sống tại Huaraz, gần hồ Palcacocha. Do biến đổi khí hậu, băng tan khiến nước hồ tăng gấp bốn lần có nguy cơ gây ngập.

RWE không có chi nhánh tại Peru nhưng là một trong 15 công ty năng lượng phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới.

Tháng 11-2017, tòa án ở Đức đã thụ lý đơn kiện của anh Saúl. Vụ án đang trong giai đoạn thu thập chứng cứ. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Đức bị kiện vì phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại châu Á, do quá mệt mỏi vì triền miên sống chung với ô nhiễm không khí, tháng 5-2017 nhóm 10 đương đơn đại diện cho 81 công dân Hàn Quốc đã gửi đơn cho Tòa án Seoul kiện Hàn Quốc và Trung Quốc quá rề rà trong công tác chống ô nhiễm không khí.

Đơn kiện yêu cầu bồi thường mỗi người 3 triệu won (3.700 USD). Nhiều ý kiến tại Hàn Quốc khẳng định bụi gây ô nhiễm từ Trung Quốc theo gió bay đến Hàn Quốc.

Chuyên gia Kim Shin-do ở Đại học Seoul ghi nhận bụi ô nhiễm từ Trung Quốc chiếm 20%, tỉ lệ còn lại có nguồn gốc chủ yếu từ 53 nhà máy điện than tại Hàn Quốc.

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Các vụ kiện về khí hậu - Ảnh 4.

Từ ngày 1 đến 29-11-2015, bà Marjan Minnesma (trái) - người sáng lập quỹ Urgenda - đã đi bộ 580 km từ Hà Lan đến Paris dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu - Ảnh: NRC

Các vụ kiện có gì mới?

Tiến sĩ luật Marta Torre-Schaub ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đánh giá các vụ kiện về khí hậu có nhiều điểm mới.

Một là, các đương đơn kiện ra tòa án quốc gia vấn đề biến đổi khí hậu vốn là vấn đề chưa được luật pháp quốc tế điều chỉnh.

Hai là, các thẩm phán đã thay đổi quan điểm, đánh giá có thể thụ lý đơn kiện.

Ba là, các tổ chức dân sự đã biết vận dụng hiến pháp, luật hoặc án lệ để hỗ trợ người dân trong các vụ kiện về khí hậu.

Kỳ tới - Tội ác hủy diệt sinh thái

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên