26/10/2013 02:37 GMT+7

"Trả công" cho con!

LONG NGUYỆT (Hà Nội)
LONG NGUYỆT (Hà Nội)

TT - Sau khi đọc bài “Có nên cho con xài tiền sớm?” trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-10, tôi xin được đưa ra ý kiến của riêng mình qua việc “nịnh” con bằng... tiền!

Con trai tôi năm nay học lớp 7. Phải nói là cháu tính toán rất nhanh nhưng lại khó bảo. Nghĩ lại, khi con đang còn 5-6 tuổi, tôi có thói quen cho con tiền lẻ mỗi khi con khóc nhè. Dỗ dành không được nhưng cứ cho cháu vài tờ tiền (500, 1.000, 2.000) là cháu nín ngay. Dần dần, dù bất cứ việc gì con làm trái ý, ương ngạnh, tôi đều phải dùng tiền để đối phó với con.

Lớn thêm chút, khi bảo con ra quán cách nhà 100m mua giúp mẹ chai nước mắm hay ống kem đánh răng, hoặc nhờ con vào bếp mở tủ lạnh lấy giúp mẹ chai nước chẳng hạn, cháu đều muốn được thưởng “hoa hồng”. Tức là lần nào tôi cũng phải “trả công” cho con khi thì 3.000, khi thì 2.000. Nếu không con trai tôi sẽ phản ứng, sẽ không nghe lời mẹ.

Ban đầu tôi cứ nghĩ cho con xài tiền sớm thì sẽ tăng khả năng tính toán, rằng con mình sẽ thông thạo hơn, linh hoạt hơn những đứa trẻ khác. Mặt khác tôi nghĩ vài nghìn tiền lẻ chẳng đáng bao nhiêu, cho để động viên con thôi. Thế nên tôi đều chiều theo ý con, đáp ứng mọi yêu cầu của con. Có người họ hàng đến chơi còn nói “sau này cháu làm kinh tế được”.

Nhưng càng ngày tôi càng thấy con trai tỏ ra tính toán chi li với bố mẹ. Bất cứ việc gì tôi muốn nhờ con làm đều phải trả công xứng đáng. Ban đầu là việc tôi nhờ con đi mua cái nọ, làm giúp cái kia. Sau đấy, ngay cả việc con không chịu ăn cơm, không chịu học bài, con ốm không chịu uống thuốc, không đánh răng trước khi ngủ... tôi cũng phải nịnh, đối phó bằng cách cho con tiền! Lâu rồi thành quen, tôi toàn phải dùng tiền để nịnh con. Số tiền đó con trai tôi dùng mua đồ ăn vặt ở trường.

Nhiều khi tôi rất bực mình vì toàn phải đưa tiền ra làm “phần thưởng” để đối phó với con. Như thành thói quen, chưa khi nào con tôi tự giác. Đến việc bảo con đi ngủ sớm, không xem tivi nữa cũng phải cho con vài nghìn. Đã vậy, học kỳ nào con trai tôi cũng ra điều kiện mua cái nọ, cái kia thì sẽ cố gắng phấn đấu học hành. Mỗi khi đưa con đi mua quần áo, giày dép, con trai tôi cứ chọn cái nào đắt nhất trong cửa hàng mới mua. Nếu chẳng hạn bố mẹ mua về không ưng, cu cậu sẽ yêu cầu đem đổi cái khác. Tuần trước, người thu tiền điện đến, trong ví tôi khi đó thiếu chục nghìn tiền lẻ, tôi quay ra hỏi con:

- Con cho mẹ mượn chục nghìn, đến tối bố về, mẹ trả.

Con tôi đặt điều kiện:

- Nhưng mẹ phải trả con 12.000 cơ.

Nghe con nói, tôi khá bực mình, nhưng vì muốn cho xong chuyện nên tôi ậm ừ. Đây không phải lần đầu con trai tỏ ra “chặt tính”, rồi tính toán chi li với mẹ. Thật lòng tôi thấy rất khó nhọc để rèn con vào khuôn khổ theo ý mình. Từ việc vòi tiền mẹ, sau đó con trai tôi đã biết đặt điều kiện với cả ông bà nội ngoại và cả cô chú, cậu dì nữa. Thật lòng tôi thấy rất xấu hổ vì con mà bó tay bất lực.

Đến bây giờ nhiều khi nghĩ lại tôi thấy mình dại quá. Tại sao lại đem tiền ra làm “vật trung gian” để đối phó với sự ương bướng, khó bảo của con để giờ thành “nếp” mất rồi?

LONG NGUYỆT (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên