Phóng to |
Bà Thanh và chị Bảy vẫn luôn mong mỏi tìm được cháu, con của mình - Ảnh: Đ.Cường |
Lời kể của bà Phùng Thị Thanh
Con gái tôi tên Trần Thị Bảy năm nay 42 tuổi, bị chạm thần kinh từ nhỏ. Năm 2001, Bảy sinh con gái đầu lòng đặt tên Lê Thị Quyên, cả hai mẹ con cùng ở với tôi. Sau đó có ông Phùng Thanh Dũng là cán bộ chăm sóc trẻ em xã Tiên Lãnh và một cán bộ chăm sóc trẻ em huyện Tiên Phước đến nhà tôi nói vì gia đình thuộc hộ liệt sĩ (chồng tôi là liệt sĩ) được quan tâm nên “để cho cháu Quyên đi ăn học ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam ở Tam Kỳ cho nó khôn ngoan”. Tôi không chịu, có chết thì chết, ăn khoai ăn sắn chi cũng bà cháu có nhau, chứ dẫn nó đi tôi nhớ cháu chịu không nổi. Rồi ông Dũng, ông Giá xuống quán cơm thủ thỉ chi không biết mà con Bảy dẫn con đi. Tôi nói với nó: “Ta không cho dẫn con bé đi răng mi cứ đòi?”. Con Bảy biểu: “Nhà khổ quá, có ông Dũng, ông Giá bảo đảm rồi”. Buổi sáng tháng 6-2007, con bé được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam).
* Bà Lưu Thị Hồng Anh (cán bộ phòng hộ tịch Sở Tư pháp Quảng Nam): Theo nghị định 68 của Chính phủ ngày 10-7-2002 thì trẻ em được nhận làm con nuôi gồm: Trẻ em đang sống ở các cơ sở nuôi dưỡng (được thành lập hợp pháp tại VN). Trong trường hợp trẻ em đang sống tại gia đình, nếu trẻ đó thuộc trường hợp là trẻ mồ côi, tàn tật hoặc có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại các cơ sở nuôi dưỡng trước khi giới thiệu làm con nuôi của người nước ngoài thì yêu cầu công an tỉnh xác minh nguồn gốc có phải trẻ đó bị bỏ rơi hay không. Trường hợp cháu Quyên, phía sở sẽ xác minh lại với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam để làm rõ vụ việc. LÊ TRUNG ghi |
Tôi nhớ cháu quá, lặn lội đi thăm thuê xe thồ chạy 50-60km từ nhà về thành phố. Trung tâm cho vô thăm rất lâu, tôi thăm được ba lần vào tháng 7, 8 và 9-2007. Đến tháng 10-2007, bà Hoa gần nhà tôi có gửi cháu ở trung tâm nghe nói cháu ngoại tôi sắp bị bán đi. Vậy là tôi với con Bảy vội thuê xe ôm chạy xuống, đến nơi thì biết cháu mình bị cho đi Mỹ rồi. Tôi đòi gặp lãnh đạo trung tâm nhưng họ tránh mặt. Tôi hỏi mấy người ở trung tâm: “Nói thiệt hay giỡn chơi, ai cho hắn đi? Tại răng cho hắn đi Mỹ mà không nói với tôi? Tôi tin tưởng mới gửi cháu vô trung tâm cho nó ăn học”. Nhưng mấy cô ấy bỏ đi hết, để tôi ngồi lại một mình.
Tôi thì già cả gần đất xa trời, con Bảy thì ngơ ngơ ngáo ngáo, hai mẹ con tôi vẫn tiếp tục đến trung tâm để tìm, đòi cháu tôi. Trung tâm dỗ dành, hỏi bà thiếu chi trong gia đình không? Tôi không thiếu chi hết, tôi chỉ cần cháu thôi. Sau họ lên xã Tiên Lãnh gặp tôi để nói chuyện, ký tá giấy tờ chi đó. Nhưng tôi già nhìn không rõ chữ, con Bảy thì mù chữ nên mẹ con tôi không ký gì hết.
Tôi mang đơn kiện lên xã nhưng họ nói khi cháu Quyên đến trung tâm xã không có hồ sơ nên không xác nhận. Tôi đến công an huyện, họ hướng dẫn lên tỉnh. Để có tiền đi đường, tôi lấy số tiền lương vợ liệt sĩ, rồi bán vội ba con bò đực đi tìm cháu coi có kịp hay không. Chạy miết lên huyện rồi tỉnh nộp biết mấy đơn nhưng người ta làm thinh hết, tôi bất mãn quá nên về. Bữa sau tôi lại lên tỉnh để dò la, hỏi thăm nhưng họ nói để đó. Rồi có bữa nộp đơn, họ nói lãnh đạo bận đi họp hết nên phải thuê nhà trọ nghỉ lại sáng mai ra nộp. Chừ 83 tuổi, còn chi nữa, tiền bạc cũng hết, bán hết trơn rồi, tôi chỉ vò võ ở nhà ôm nỗi nhớ cháu thôi chứ biết mần chi hơn.
Con Quyên tội lắm, khi còn ở nhà, mỗi lần nó đi học mẫu giáo về là líu lo từ ngoài ngõ. Nó sà vô lòng bà rồi cười tít mắt nói mai mốt lớn con đi làm nuôi bà hỉ, bà khỏi phải đi thả bò nữa. Câu nói con nít của nó vậy mà ám ảnh tôi suốt mấy năm ròng, cứ nằm xuống lại mơ thấy nó, tỉnh dậy là chảy nước mắt. Nhà khổ quá chẳng chụp được cho nó tấm hình, những lần đi đòi cháu, may mà trung tâm có chụp một tấm, tôi mang về giữ bên người thi thoảng xem cho đỡ nhớ.
Chị Trần Thị Bảy: mong con về
Năm 2007, ông Dũng, ông Giá gặp tôi nói cho con bé đi trẻ mồ côi thuộc diện hộ liệt sĩ được ưu tiên, đi cho sướng. Họ nói giấy tờ thủ tục làm sau, nhưng chờ miết không thấy mô. Sau họ lại nói con Quyên lớn quá không làm được hồ sơ, giấy tờ. Nghe vậy, tôi đòi con lại nhưng chờ miết họ nói đưa đi Mỹ rồi. Chừ tôi chỉ mong muốn được nhìn thấy con, cho con mình được trở về thôi. Hồi trước còn ở nhà, sáng mở mắt ra là hắn bu lấy tôi, cười nói rôm rả cả ngày. Nó còn biểu má dẫn con đi học hỉ, tối về con hun má nghe.
* Ông Phùng Thanh Dũng (cán bộ chăm sóc trẻ em xã Tiên Lãnh): Hồi đó chị Bảy quá khổ ưng gửi con vô trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nên tôi hướng dẫn cho chị Bảy. Bé Quyên 6 tuổi đã quá tuổi quy định (dưới 2 tuổi) nên UBND xã không thể làm hồ sơ cho gửi vào trung tâm được. Tôi cùng chị ấy đón xe thồ xuống trung tâm gửi. Nhưng tôi đứng ngoài cổng, còn chị ấy đưa con vô gửi. Sau đó, chị ấy có xuống trung tâm thăm con 3-4 lần gì đó. * Bà Võ Thị Hồng Hạnh (giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam): Thời gian đó, tôi là phó giám đốc trung tâm. Cán bộ của trung tâm cho biết họ phát hiện cháu bé bị bỏ rơi trước cổng nên nhận vào, làm thủ tục cho cháu và thông báo trên phương tiện truyền thông để tìm thân nhân. Sau một tháng không có người thân đến nhận thì trung tâm có quyền quyết định tương lai của cháu bé. Sau đó có một gia đình ở Mỹ nhận cháu về làm con nuôi. Tôi không biết cháu còn mẹ, cũng không biết chuyện gia đình tới thăm 3-4 lần ở trung tâm. Mãi tới khi cháu bé được giao cho bên Mỹ thì gia đình có tới đòi con, chúng tôi đưa hình trong hồ sơ ra thì mới biết. Chúng tôi lên nhà để xác minh thì đúng là con của họ. Theo quy định, trung tâm không nhận các trường hợp trẻ em còn cha, mẹ; nếu mồ côi cha hoặc mẹ mà người còn lại có khả năng nuôi dưỡng thì không nhận. Về việc liệu mẹ và bà ngoại có thể “đòi” lại cháu bé không thì tôi không biết thế nào vì chưa gặp trường hợp như vậy. Trong quy định cũng không có. Việc này tùy vào sự thỏa thuận với nhau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận