12/08/2015 10:15 GMT+7

TQ phá giá đồng nhân dân tệ: Xuất khẩu hàng Việt thêm khó

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT -  Không chỉ lo giá xuất khẩu vào Trung Quốc giảm, doanh nghiệp (DN) lo nhất là hàng Trung Quốc đã rẻ lại còn rẻ thêm sẽ đổ vào nhiều hơn...

Thu hoạch thanh long tại nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Đa số thanh long sau khi thu hoạch được thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc       Ảnh: NGUYỄN NAM
Thu hoạch thanh long tại nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Đa số thanh long sau khi thu hoạch được thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc - Ảnh: Nguyễn Nam

Không chỉ lo giá xuất khẩu vào Trung Quốc giảm, phải cạnh tranh với hàng hóa của nhiều nước đã giảm giá đồng tiền theo đồng nhân dân tệ (NDT), doanh nghiệp (DN) lo nhất là hàng Trung Quốc đã rẻ lại còn rẻ thêm sẽ đổ vào nhiều hơn.

Ghi nhận phản ứng từ các DN xuất khẩu của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc phá giá đồng NDT gần 2% so với đồng USD sáng 11-8.

Xuất khẩu vào Trung Quốc thêm khó

Vừa trở về sau khi tham dự hội nghị các DN hạt điều tại Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Thanh - chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - cho rằng xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc chưa qua cái khó này đã gặp cái khó khác. Theo ông Thanh, Trung Quốc vừa tăng thuế giá trị gia tăng đối với hạt điều từ 5% lên 13%, cao nhất từ trước đến nay.

“Tôi không biết mục đích của họ là gì nhưng chắc chắn xuất khẩu điều của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó. Thế mà vừa về nước lại nhận được tin nước này phá giá NDT, tình hình lại càng khó hơn” - ông Thanh nói.

Cụ thể, theo ông Thanh, với các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thanh toán bằng đồng USD, DN Trung Quốc sẽ phải thêm gần 2% để trả cho một đơn hàng với giá như cũ. Ví dụ, với loại hạt điều W320 bán cho Trung Quốc với giá 8.000 USD/tấn, trước đây khách hàng Trung Quốc chỉ phải trả 48.880 NDT (tỉ giá cũ là 1 USD = 6,1162 NDT), nay khách hàng sẽ phải trả là 49.840 NDT (tỉ giá mới 1 USD = 6,2298 NDT). Như vậy, khách hàng nhập khẩu sẽ phải tăng giá bán hoặc tìm cách giảm giá mua xuống để bù cho chi phí này.

Ông Thanh cho biết thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng với xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Chẳng hạn, dịp Tết Trung thu hằng năm, khách hàng Trung Quốc hỏi mua nhiều và giá thường tăng lên là cơ hội bán hàng của các DN trong nước. Tuy nhiên, với việc tăng thuế nội địa và phá giá đồng tiền (làm hàng xuất khẩu vào Trung Quốc trở nên đắt hơn), cơ hội bán giá cao của DN hạt điều Việt Nam là rất khó.

“Dù nhu cầu nhập khẩu hạt điều của khách hàng Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhưng với những điều chỉnh chính sách của họ như vừa qua, cơ hội tăng giá bán dịp trung thu năm nay là không nhiều” - ông Thanh cho hay.

Tương tự, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong những tháng vừa qua cũng liên tiếp gặp nhiều khó khăn do chính sách về biên mậu, thanh toán và đến nay là ảnh hưởng của tỉ giá. Ông Trần Ngọc Hiệp, giám đốc Công ty thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cũng cho biết đang vào thời điểm thu hoạch rộ thanh long ở Bình Thuận nhưng tình hình tiêu thụ hết sức khó khăn.

“Do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên thường bị ép giá. Dù buôn bán tiểu ngạch thương nhân Việt Nam thu về tiền Việt nhưng việc thay đổi tỉ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bán thời gian tới” - ông Hiệp cho biết.

Theo ông Lâm Anh Tuấn - giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), về lý thuyết, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, giá hàng nhập khẩu vào nước họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Do đó họ sẽ giảm giá mua hàng từ các nhà cung cấp. Từ đầu năm đến nay xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gặp khó vì giá cao, còn xuất khẩu tiểu ngạch rất phập phù vì phía Trung Quốc lúc đóng, lúc mở cửa khẩu.

(*): sáu tháng năm 2015 - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: T.Đạt
(*): sáu tháng năm 2015 - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: T.Đạt

Hụt hơi trước các đối thủ

Từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng giá mạnh và một số nước sẵn sàng phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản bảy tháng ước đạt 16,93 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các DN, nguyên nhân quan trọng khiến xuất khẩu giảm là tỉ giá. Mặc dù trong những tháng đầu năm VND cũng đã giảm giá 2% so với USD, tức là đã hết biên độ giảm giá, ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu của VN trong những tháng còn lại của năm.

Giám đốc một DN xuất khẩu gạo tại TP.HCM cho hay không chỉ đứng trước nguy cơ gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm giá vì đồng NDT yếu, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác khi các nước này cũng giảm giá đồng nội tệ ngay sau khi Trung Quốc phá giá NDT.

Cụ thể, đồng baht Thái, đôla Singapore, peso Philippines, đôla Úc, won Hàn Quốc... giảm mạnh ngay trong ngày 11-8. Đây vừa là các thị trường xuất khẩu lớn, vừa là các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 90% DN thủy sản Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu. Bởi vậy, sự tăng giá của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như châu Âu, Nhật Bản, Nam Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến DN thủy sản. Nay NDT Trung Quốc và nhiều đồng tiền khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm giá so với USD sẽ làm tình hình xuất khẩu thêm khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá cá tra sẽ chịu áp lực giảm vào các thị trường này trong thời gian tới.

Ngược lại, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn khi Thái Lan, rất có thể là Indonesia và Ấn Độ sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền của họ theo NDT. Khi đó, cùng mặt hàng nhưng giá bán của mặt hàng tôm Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn vì khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp có giá rẻ hơn.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ giúp hàng hóa của nước này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ rẻ hơn (ảnh chụp tại cửa khẩu Lào Cai chiều 11-8) - Ảnh: Ngọc Bằng

* PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing):

Nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nhiều hơn

Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc (TQ) chiếm vị trí rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam với toàn cầu, đặc biệt Việt Nam vẫn đang nhập siêu rất lớn từ TQ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu sang TQ 14,9 tỉ USD, nhưng nhập khẩu từ TQ 43,7 tỉ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu sang TQ chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và ngược lại, nhập khẩu từ TQ chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Bảy tháng đầu năm nay Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ TQ. Cụ thể, Việt Nam xuất sang TQ đạt 9,3 tỉ USD nhưng nhập khẩu lên đến 28,8 tỉ USD, nhập siêu gần 20 tỉ USD. Với việc TQ phá giá NDT không những ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu vì xuất nhập khẩu của TQ chiếm vị trí rất lớn trong xuất nhập khẩu toàn cầu, với gần 4.000 tỉ USD.

Việt Nam đang nhập siêu lớn từ TQ, việc TQ phá giá NDT khiến nhập siêu càng lớn vì hàng hóa của TQ càng rẻ, đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Việt Nam qua thị trường TQ, cán cân thương mại càng bị lệch.

Chỉ số USD Index trong gần hai năm vừa qua liên tục tăng, đặc biệt trong những tháng gần đây, nay lại thêm việc TQ phá giá đồng NDT so với đồng USD, hàng hóa Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn. Do đó, theo tôi, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp phù hợp và hành động một cách hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhập siêu bảy tháng đầu năm là 3,4 tỉ USD.

* Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH:

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

TQ phá giá đồng NDT có nghĩa là hàng hóa TQ trước đây đã rẻ giờ lại càng rẻ hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của TQ sẽ càng tăng tính cạnh tranh. Đây cũng là một phản ứng mang tính thị trường vì USD gần đây lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ.

Đáng chú ý là cuối năm nay Hiệp định hợp đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và sáu quốc gia khác là TQ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zeland sẽ được ký kết và hàng hóa của TQ có thuế suất bằng 0%. Khi đó, hàng hóa của TQ thêm cơ hội tràn vào Việt Nam.

Theo tôi, cơ quan quản lý cần phải xem xét điều chỉnh tỉ giá một cách phù hợp theo cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện tốt việc giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng... để DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa.

* PGS.TS PHẠM THÁI QUỐC (Viện Kinh tế chính trị thế giới):

Hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn

TQ giảm giá đồng NDT, theo tôi, DN Việt Nam đang nhập khẩu hàng TQ sẽ có lợi hơn, do giá nhập khẩu từ TQ sẽ rẻ đi. Hàng TQ đã có ưu thế giá rẻ, nên việc TQ phá giá đồng tiền, hàng hóa của họ sẽ càng rẻ thêm. Nhiều người lo ngại nguy cơ hàng TQ sẽ tràn vào Việt Nam là có cơ sở. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng theo dõi, quan tâm.

A.HỒNG - C.V.KÌNH

Phá giá nhân dân tệ để tăng xuất khẩu

Ngày 11-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ tuyên bố giảm giá NDT 1,9% so với USD.

Đây là đợt giảm mạnh nhất từ năm 1994 đến nay trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu hụt hơi, sau cơn bão thị trường chứng khoán và dữ liệu kinh tế không mấy sáng sủa vừa được công bố. Báo Chứng Khoán Trung Quốc cho biết PBOC công bố tỉ giá niêm yết sáng cùng ngày ở mức 6,2298 NDT/USD, so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó.

Tăng cạnh tranh xuất khẩu

Lý giải cho động thái phá giá này, người phát ngôn của PBOC cho biết Trung Quốc muốn quản lý tỉ giá tốt hơn trước các diễn biến trên thị trường. Quan chức trên nhấn mạnh kinh tế thế giới và môi trường tài chính quốc tế đang rất phức tạp. Đồng USD đang mạnh, trong khi đồng euro và yen Nhật đang yếu.

Các thị trường mới nổi và đồng tiền ở các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô đang đứng trước áp lực giảm giá. “Chúng ta đang nhìn thấy tính không ổn định đang tăng lên trong dòng chảy tư bản toàn cầu” - người phát ngôn này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu rõ nhất cho thấy Chính phủ Trung Quốc có thể để tiền tệ của nước này tiếp tục yếu đi nhằm tăng cạnh tranh trong xuất khẩu và giúp thị trường cổ phiếu sau cơn vỡ thị trường vừa qua.

Khung giao dịch NDT trong nội địa Trung Quốc đang được kiểm soát chặt chẽ. PBOC thiết lập hẳn “điểm trung bình” mỗi ngày, cho phép giao dịch NDT có thể dao động trên dưới 2%.

Đây là diễn tiến mới nhất sau khi PBOC tuyên bố sẽ mở rộng khung giao dịch hằng ngày cho đồng NDT hồi hai tuần trước. Dù ngày 10-8 trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã khước từ lời kêu gọi từ các nhà kinh tế về việc để tiền tệ giảm giá thấp hơn là cách giúp thúc đẩy một phần nền kinh tế, trong bối cảnh khi xuất khẩu Trung Quốc tháng 7 giảm đến 8,3% và thị trường chứng khoán tuột dốc đến 30% trong thời gian qua.

Sắp có động thái mới

Báo Chứng Khoán Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn của PBOC cũng nhấn mạnh rằng chính phủ có thể sẽ có thêm biện pháp can thiệp mới nhằm “định hướng thị trường”. PBOC hiện đang lấy ý kiến từ các nhà hoạch định thị trường, trước khi thiết lập giá trung bình cho NDT.

Trong khi đó, một số chuyên gia Trung Quốc đồng ý với quan điểm của giới phân tích tiền tệ quốc tế rằng Bắc Kinh từng muốn NDT ổn định trước khi bị đưa vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế SDR của Quỹ tiền tệ quốc tế.

Phó chủ tịch Công ty chứng khoán Đông Thịnh Mao Vĩ Khiêm nhận định trước áp lực lớn về việc khả năng USD tăng giá mạnh vào tháng tới, Bắc Kinh bắt buộc phá giá NDT để giao dịch thấp hơn. “Tôi không quá bất ngờ. Chính phủ Trung Quốc sẽ để NDT giảm từ từ. Họ vẫn giữ chính sách thả lỏng này, kể cả việc cắt lãi suất để giúp nền kinh tế” - ông Mao cho biết.

Động thái phá giá NDT của nhà chức trách Trung Quốc đã khiến thị trường tiền tệ thế giới dao động. Theo Bloomberg, đồng won của Hàn Quốc, AUD của Úc và SGD của Singapore đã rớt giá hơn 1%. Sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào thị trường tiền tệ khiến quỹ dự trữ ngoại hối của nước này giảm 300 tỉ USD trong bốn quý vừa qua.

MỸ LOAN

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên