TTCT - Việt Nam đang cùng lúc tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đâu là sự khác biệt giữa hai hiệp định này? Hàng nội thất Thái Lan đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam đón đầu các hiệp định tự do thương mại (ảnh chụp tại Hội chợ kiến trúc và hàng nội thất Thái Lan năm 2014) - L.N.M. Đàm phán cho RCEP - còn gọi là Hiệp định tự do thương mại ASEAN + 6 (*) - sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ 7 vào đầu tháng 2 này ở Thái Lan. Mục tiêu được các nước đặt ra là kết thúc đàm phán hiệp định vào cuối năm 2015, trùng với thời điểm ra mắt Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng tiến trình đàm phán cho tới nay là khá chậm chạp. Sự khác biệt tạo ra hạn chế “Có ít nhất 4-5 lựa chọn trên bàn lúc này. Các bên vẫn chưa thống nhất được về cách thức đàm phán tiếp theo thế nào” - một nhà đàm phán thừa nhận sau vòng đàm phán với tờ Finance Express của Ấn Độ. RCEP được đề xuất từ tháng 11-2011 tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia. Hiệp định khi đó là nỗ lực dàn hòa hai quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc (chỉ muốn xây dựng Thỏa thuận tự do Đông Á đóng gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật) và Nhật (muốn xây dựng hiệp định đối tác toàn diện mở gồm thêm ba nước: Ấn Độ, Úc và New Zealand). ASEAN đóng vai trò trung tâm khi cả sáu nước tham gia thêm đều đã có thỏa thuận FTA riêng rẽ với khối. RCEP theo đề xuất của ASEAN cũng mở hơn khi sẵn sàng cho phép các nước khác gia nhập miễn là đáp ứng được điều kiện của khối. Mục tiêu hướng tới của RCEP là rất tham vọng khi đây là khu vực có khoảng 3 tỉ dân và có tổng GDP kết hợp khoảng 17.000 tỉ USD, chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về trình độ phát triển trong ASEAN khiến RCEP đối mặt với điểm yếu lớn nhất: không thể theo đuổi các chính sách tự do hóa thương mại sâu hơn. Các nguyên tắc định hướng của RCEP thừa nhận sự khác biệt, đặc biệt ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar, VN, và sẽ có sự linh động trong chính sách đối với các nước này. Điều kiện này cho phép thu hút các nền kinh tế kém phát triển vào khối và đảm bảo có số thành viên đông đảo ở RCEP. Tuy nhiên, chính sách khác nhau sẽ là cản trở cho hội nhập sâu hơn về kinh tế. Viết cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS ở Washington DC (Mỹ), Murray Hiebert, giám đốc nghiên cứu về Đông Nam Á của trung tâm, đánh giá “dù chính thức được coi là hiệp định thương mại tự do, mức độ tự do hóa của RCEP thực tế tương đối hạn chế. Các chính sách “linh động” của RCEP cuối cùng cho phép các thành viên không phải thực hiện các chính sách thương mại mà họ không muốn, cho phép các nước bảo hộ đối với các ngành công nghiệp nhạy cảm”. Điều này tương đối đi ngược với bản chất của các hiệp định thương mại tự do hiện đại là các nước sẽ cùng nhượng bộ và thực hiện một số hi sinh nhất định để mở cửa. Nhiều nước sử dụng các hi sinh này như là động lực để thực hiện các cải cách nội bộ. “Sẽ có nhiều nước bấu víu vào đó khi họ không sẵn sàng hay không thể tiến hành cải cách” - Murray Hiebert đánh giá. RCEP hay TPP? Hiệp định thương mại lớn ở khu vực (khác về nhóm thành viên) đang được đàm phán song song là TPP, đòi hỏi yêu cầu tự do hóa kinh tế sâu hơn nhiều.TPP về cơ bản không chấp nhận việc các nước tham gia bảo vệ các lĩnh vực “nhạy cảm” của mình - điều đó khiến đàm phán TPP phức tạp và lâu hơn nhưng đồng thời đảm bảo hội nhập được sâu và tác động lớn hơn. Những người phê phán TPP cho rằng yêu cầu cao của hiệp định khiến các nước đang phát triển khó tham gia và thấy RCEP - vốn ít đòi hỏi về thay đổi - hấp dẫn hơn. Ngoài ra, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP khác hoàn toàn so với TPP - nơi mà về mặt kỹ thuật các nước bị buộc phải bình đẳng. Các nước thành viên RCEP vẫn hi vọng các nền kinh tế sẽ có lợi khi RCEP thật sự đi vào hoạt động. Các nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở Đông Nam Á thì hi vọng được tiếp cận sâu hơn đối với các thị trường lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tương tự, RCEP hi vọng sẽ thúc đẩy đầu tư từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn để hòa nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế vùng. Nhưng để đạt được mục tiêu thành mô hình FTA mới đàm phán, RCEP cần phải có kết quả thật sự: dỡ bỏ ở mức khoảng 95% các dòng thuế, có cơ chế đánh giá thị trường chung và mức độ hội nhập sâu hơn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hợp tác sâu hơn về đầu tư, bảo vệ môi trường, dịch vụ tài chính và tiêu chuẩn về lao động. Tập trung vào cải cách thể chế nội bộ, tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới như kết nối hệ thống giao thông, đẩy nhanh dịch vụ ở cảng và hải quan... Trở lực Ấn Độ, Indonesia Áp lực lớn nhất là với Ấn Độ (nước không có mặt trong TPP) cũng như Indonesia. Hiện các nước muốn Ấn Độ phải cam kết mở cửa nhiều hơn so với FTA hiện tại họ có với ASEAN (Ấn Độ cam kết bỏ thuế quan khoảng 79% dòng thuế của họ khi triển khai đầy đủ). Hầu hết các nước ASEAN đang rất thận trọng: 6/10 nước ASEAN mới chỉ cam kết giảm thuế tương đương Ấn Độ. Singapore đồng ý bỏ hết thuế, Campuchia và Brunei đồng ý bỏ thuế ở 88% và 85%, Indonesia đồng ý bỏ chưa đầy 50% dòng thuế. Ngoài ra, trong khi về quy mô, tổng GDP giữa các nước là lớn nhưng thực tế mô hình của nhiều nước trong RCEP là tương đối giống nhau - các nước thường là đối thủ cạnh tranh vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và ít có tính bổ sung nhau. Cuộc thanh lọc khắc nghiệt Cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá với những hiệp định đã ký và đang đàm phán chuẩn bị ký, “có thể nói đã chiếm đến 95-97% thương mại của Việt Nam với thế giới và chiếm gần như 99-100% đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Một FTA với lãnh thổ Đài Loan đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, hay đề xuất ký FTA với vài quốc gia châu Phi cũng đã được nhắc tới. Một thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân, trong đó đến năm 2020 sẽ có thêm 120 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu là những gì mà ông Lê Trí Thông, phó tổng giám đốc Công ty Boston Consulting Group Việt Nam (BCG), nhìn thấy về AEC - Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhưng kèm với đó là những nỗi lo khi các đối thủ trong khu vực đã bén rễ chắc chắn tại thị trường Việt Nam trong khi các doanh nghiệp trong nước hầu như không có thông tin gì về bên ngoài. Một báo cáo của BCG mới đây cho thấy giới công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp ở Malaysia đang tỏ vẻ lạc quan nhất, trong khi Việt Nam và Philippines được xếp chung khi các doanh nghiệp được hỏi tỏ vẻ bi quan, mà lý do là “hầu như chưa có sự chuẩn bị”. Ông Thông tỏ ý lo ngại vì trong cuộc chơi đó, lợi ích sẽ phần lớn rơi vào tay các doanh nghiệp lớn, còn đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức nhỏ và vừa. Báo cáo cũng dự đoán rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dù một cuộc thanh lọc khắc nghiệt đang chờ phía trước. “Ai tận dụng được cơ hội thì người đó sẽ phát triển. Nhận thức, thái độ và hành động sẽ quyết định miếng bánh chúng ta có được trong cuộc chơi này” - ông Thông nhận định. Trần Phi Tuấn Giáo sư Biswajit Dha của ĐH Jawaharlal Nehru đánh giá: “Động lực nội khối của RCEP thực tế chưa khả quan. Kể từ khi bắt đầu đàm phán giữa năm 2013, các thành viên RCEP vẫn chưa đạt được tiến bộ trong việc định hình bộ khung cuối cùng của hiệp định. Các mô hình đến giờ vẫn hoàn toàn chưa rõ - từng phần của hiệp định vẫn chưa có cách thức tiếp cận chấp nhận được với cả 16 nước thành viên”. “Rất nhiều người cho rằng sự bế tắc này không phải là dấu hiệu tốt cho RCEP khi mà các nước thành viên đồng ý sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015” - ông nói. Vấn đề Ấn Độ quan tâm nhất là về dịch vụ, gỡ bỏ hàng rào thương mại đặc biệt là các quy định về vệ sinh, rào cản đối với các mặt hàng như dược và dệt may. Một đại diện của thành viên RCEP có mặt tại đàm phán đã bày tỏ thất vọng với mức độ tham vọng ít mà Ấn Độ đưa ra trong chương về đầu tư. Về dịch vụ, đại diện này nói Ấn Độ lại thể hiện sự quyết liệt và đòi hỏi mức cam kết từ các nước khác, đặc biệt về chuyện đòi visa việc làm (Ấn Độ muốn bỏ hoặc nới lỏng). Trong khi các nước RCEP vẫn muốn kết thúc đàm phán phần về hàng hóa trước thì hiện Ấn Độ muốn làm song song cả hàng hóa và dịch vụ (để làm cán cân trong đàm phán). Ấn Độ cho rằng họ đã thiệt thòi trong đàm phán FTA với ASEAN khi họ kết thúc đàm phán hàng hóa trước và không thể ép ASEAN nhượng bộ khi đến chương dịch vụ vì hoàn toàn mất con bài đàm phán. Bộ trưởng thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cảnh báo rằng đàm phán cần phải vượt qua tư duy “lợi ích song phương” để hướng tới “lợi ích cân bằng ở khu vực”. “Chúng ta cần nhận ra đây là đàm phán phức tạp giữa rất nhiều nước và nhiều vùng khác nhau. Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả” - bà nói. Ấn Độ chịu nhiều áp lực để cắt mức thuế cao đối với nhiều nông sản và hàng sản xuất cũng như nới lỏng các chính sách cứng nhắc về đầu tư và tuân thủ các quy định về sở hữu bản quyền. Thách thức lớn nhất đối với Ấn Độ là với các nhà đàm phán từ Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang chịu thâm hụt ngân sách 36 tỉ USD với Trung Quốc nên không muốn nhượng bộ thêm với Trung Quốc. Hiện các nước đang đề xuất theo phương án “chọn cho” - các nước sẽ chọn những lĩnh vực nào họ cam kết - trong khi với phương án “chọn bỏ”, các nước sẽ tự nguyện mở cửa tất cả lĩnh vực trừ một số lĩnh vực nhạy cảm đề xuất. (*): ASEAN + 6: gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Tags: TPPRCEP và TppRCEPASEAN + 6Thương mại của Việt Nam với thế giới
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.