06/10/2015 10:19 GMT+7

TPP: Sân chơi mới trình độ cao, luật chơi khắc nghiệt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT -  Kết thúc đàm phán TPP là một trong những dấu hiệu tốt cho bước ngoặt cải cách và phát triển kinh tế VN. VN cần phải thay đổi cách thức để phát triển một cách bền vững...

Sau các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ bước ra sân chơi rộng cùng các nền kinh tế lớn. Cơ hội xuất khẩu nhiều hơn với thuế quan ưu đãi... Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sau FTA sẽ được thuận lợi.

Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi động từ năm 2005 có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là P4) giữa bốn nước Singapore, Chile, New Zealand và Brunei.

Đến năm 2008, trong thế vươn lên của Trung Quốc, Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm và tham gia vào nhóm này.

Tuy nhiên, đàm phán TPP mới đã bị trì hoãn đến tận cuối năm 2009 do phải chờ đợi Hoa Kỳ hoàn thành kỳ bầu cử tổng thống và chính quyền mới của Tổng thống Obama tham vấn và xem xét lại việc tham gia đàm phán TPP. Tháng 12-2009, đàm phán TPP mới được chính thức khởi động.

Khi Hoa Kỳ tham gia thì diện mạo cuộc chơi bắt đầu khác đi, khi có thêm nhiều nước tham gia. Ngày 13-11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia TPP với tư cách thành viên đầy đủ, trước đó Việt Nam vẫn tham gia nhưng chỉ với vai trò là thành viên liên kết duy nhất. Nhật Bản tham gia trễ nhất, đến tháng 7-2013 mới bắt đầu nhập cuộc.

TPP hiện thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, nhằm tạo ra một khu vực phi thuế giữa hai bờ Thái Bình Dương.

Theo ước tính, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, tương đương gần 25.000 tỉ USD.

Từ năm 2011, các nước TPP đã nhiều lần đặt ra các thời hạn mục tiêu để kết thúc đàm phán (cuối năm 2011, rồi cuối 2012, cuối 2013, nửa đầu năm 2014, cuối 2014) nhưng đều không thành công.

Sau khi bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2014, hơn một năm qua các nước tham gia đàm phán TPP, trong đó nỗ lực nhất là Hoa Kỳ, luôn cố gắng để dẹp bỏ những vướng mắc nhằm kết thúc đàm phán TPP.

Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, TPP dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ. Còn TPP là sân chơi của nhữngnước có trình độ cao hơn hẳn, có những nước rất giàu có như Canada GDP 60.000 USD/người, trong khi thu nhập GDP đầu người của Việt Nam thấp 1.400 USD/người, đứng cách xa Việt Nam 6 lần là Peru.

Trên nhiều phương diện TPP cũng vượt xa WTO, cơ chế tranh chấp cũng ngặt nghèo hơn, ví dụ: chuẩn mực về lao động, chuẩn mực về môi trường...

Theo các nhà đàm phán, TPP có khoảng 30 chương đàm phán cho các vấn đề như cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh, hợp tác và xây dựng năng lực, thương mại dịch vụ qua biên giới, hải quan, phát triển, hài hòa pháp lý, doanh nghiệp vừa và nhỏ, viễn thông, tạm nhập, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động...

Đánh giá về tác động của TPP đối với nền kinh tế thế giới, giáo sư Peter A.Petri, Đại học Brandeis, nhận định TPP sẽ thúc đẩy thu nhập toàn cầu tăng thêm 0,7% tương đương 223 tỉ USD, xuất khẩu tăng 4,6% tương ứng 305 tỉ USD, nhập khẩu tăng 315 tỉ USD (4,2%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 255 tỉ USD, tăng 2,5%. Tác động chuyển hướng thương mại 67 tỉ USD trong 290 tỉ USD lợi tức (23%).

* Ông Phạm Xuân Trình (tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú):

Ông Phạm Xuân Trình
Ông Phạm Xuân Trình

Nhiều cơ hội cho thị trường mới

Với bốn sản phẩm chủ lực là sợi, vải, khăn bông, sản phẩm gia dụng, may mặc, Phong Phú đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các thị trường trong nội khối TPP.

Đồng thời, chúng tôi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm của mình vào các thị trường mới mà trước mắt là Úc.

Đồng thời, chúng tôi có chiến lược thâm nhập và phát triển ở thị trường Singapore, vì đây là một thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ lớn ở ngành hàng thời trang và gia dụng.

Có chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may đáp ứng được xuất xứ từ sợi của TPP, chúng tôi không chỉ chủ động tự cung trong toàn chuỗi của mình mà còn có cơ hội để xuất khẩu và cung ứng nguyên vật liệu cho thị trường may mặc VN thông qua việc đầu tư mở rộng nhanh, mạnh, có hiệu quả các dự án đầu tư mới, nhất là đầu tư vào khâu dệt nhuộm.

Đặc biệt, để tận dụng những lợi thế từ TPP một cách hiệu quả hơn, Phong Phú tăng cường liên kết chặt chẽ với các công ty may mặc trong Tập đoàn Dệt may VN và một số doanh nghiệp may mặc khác để tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ.

* Ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch Hiệp hội Túi xách - da giày VN - Lefaso):

Ông Nguyễn Đức Thuấn
Ông Nguyễn Đức Thuấn

Thách thức lớn cho doanh nghiệp trong nước

Có một thuận lợi không thể phủ nhận là các đơn hàng sẽ dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang VN ngày một nhiều hơn do lực hấp dẫn quá lớn từ TPP mang lại.

Theo ước tính của Lefaso, ngành da giày sẽ tăng trưởng 20 - 30%/năm khi hiệu lực thuế suất trong TPP dần có hiệu lực và mức tăng trưởng sẽ còn cao hơn khi thuế còn 0%.

Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra rất lớn cho ngành sản xuất da giày trong nước, đặc biệt là với các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi trình độ, kỹ thuật, quy mô sản xuất và năng lực quản lý của chúng ta đã và đang cách biệt quá lớn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tôi e rằng không một ai dám đoan “màu hồng” sẽ đang chờ phía trước nếu chúng ta vẫn duy trì cách thức tổ chức sản xuất như hiện nay.

* Ông Đặng Quốc Hùng (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - Hawa):

Ông Đặng Quốc Hùng
Ông Đặng Quốc Hùng

Thêm đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang

Một trong những thuận lợi mà các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước có thể tận dụng được ngay là nhập khẩu dễ dàng hơn với các loại gỗ cứng từ Mỹ, gỗ thông từ New Zealand, cũng như một số chủng loại nguyên liệu gỗ mới với nguồn cung chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Một thuận lợi khác là xu hướng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng rõ nét hơn.

Nhưng đó cũng chính là thách thức nếu doanh nghiệp không kiểm soát được đơn giá xuất khẩu, chủng loại và xuất khẩu thì khả năng lâm vào cảnh kiện tụng do sản lượng xuất khẩu tăng đột biến cũng rất có thể xảy ra.

Các doanh nghiệp có vốn trong nước cũng sẽ cạnh tranh khốc liệt với chính các doanh nghiệp FDI tại VN, cũng như làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI mới chắc chắn sẽ hình thành mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm hưởng lợi từ nguồn gốc xuất xứ và mức thuế suất thấp do TPP mang lại.

TRẦN VŨ NGHI ghi

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên