Thầy trò Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM trong giờ thực hành hóa học - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Với bối cảnh đất nước hội nhập như hiện tại mà không được tự chủ thì rất khó phát triển. Cơ chế hiện tại với những điều khoản khắt khe như một sự bó buộc, kìm kẹp sự sáng tạo của các trường" |
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM |
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc xin Chính phủ cho TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực GD-ĐT nhằm tạo đà cho giáo dục TP phát triển, nhanh chóng hội nhập với giáo dục khu vực và thế giới.
Tự chủ và tự chịu trách nhiệm
“Cơ chế đặc thù” trong lĩnh vực GD-ĐT TP.HCM đề xuất bao gồm nhiều nội dung. Trong đó, ý tưởng xuyên suốt chính là sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Nội dung thứ nhất: ngành GD-ĐT nói chung, các nhà trường nói riêng sẽ được tự chủ về tài chính và nhân sự. Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi trường mà thực hiện tự chủ một phần hay toàn phần.
Ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - giải thích: “Ví dụ như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 hiện đang thu hút rất nhiều phụ huynh xin cho con em mình vào học vì có uy tín và chất lượng giáo dục cao.
Do đó, ban giám hiệu Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ lên kế hoạch về nhân sự: cần bao nhiêu giáo viên, nhân viên; lương bổng của đội ngũ như thế nào để giữ chân giáo viên giỏi; cần bao nhiêu tiền để duy trì những hoạt động của nhà trường theo hướng phát huy tối đa năng lực của học sinh, theo hướng tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tăng cường những tiết học ngoài nhà trường...”.
Ông Hoàng nói thêm: “Từ kế hoạch ấy, nhà trường sẽ đề xuất một mức học phí sao cho thu đủ bù chi và không nhận ngân sách Nhà nước cấp.
Nguồn ngân sách đáng lẽ Nhà nước cấp cho Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ san sẻ qua các trường tiểu học khó khăn trong Q.1 như Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải... để những trường này có nguồn quỹ nhằm tăng thu nhập cho giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục”.
“Cũng nên lưu ý là những trường khó khăn thì tuyệt nhiên không tăng mức thu mà chỉ thu ở mức tối thiểu. Với chủ trương tự chủ như thế, ngân sách sẽ cấp đúng cho đối tượng cần.
Phụ huynh nào đủ điều kiện thì cho con em vào học Nguyễn Bỉnh Khiêm và chấp nhận đóng học phí cao. Phụ huynh nào khó khăn thì vào những trường khác để nhận hỗ trợ từ ngân sách” - ông Hoàng cho biết.
Nội dung thứ hai là cơ chế tổ chức: thống nhất một “đầu mối” quản lý các trường học, các trung tâm là Sở GD-ĐT. Phòng GD-ĐT sẽ là đại diện của sở tại các quận, huyện.
Nội dung thứ ba là tự chủ về xây dựng trường lớp. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, diện tích đất của TP có hạn trong khi dân số tăng cơ học một cách chóng mặt, nếu vẫn giữ cấu trúc trường học như các tỉnh thành khác (có khống chế về số tầng, số phòng học) thì sẽ rất khó khăn.
Nếu được tự chủ, TP sẽ nâng cao số tầng khi xây dựng trường học tại những khu dân cư đông đúc ở các quận nội thành không còn quỹ đất, giải quyết tình trạng thiếu phòng học và tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày.
“Ở những trường như vậy sẽ có thang máy để bảo đảm sự di chuyển cho giáo viên và học sinh” - ông Đỗ Minh Hoàng phân tích.
Riêng việc tự chủ thực hiện chương trình, sách giáo khoa, thi cử, TP.HCM xin phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ GD-ĐT, được chủ động tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT.
Hiệu trưởng, giáo viên mong sớm thực hiện
Chiều 21-8, hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng của TP chia sẻ: “Với bối cảnh đất nước hội nhập như hiện tại mà không được tự chủ thì rất khó phát triển. Cơ chế hiện tại với những điều khoản khắt khe như một sự bó buộc, kìm kẹp sự sáng tạo của các trường.
Như ở trường tôi, tất cả các khoản chi từ ngân sách tôi đều làm đúng, ngay cả những khoản thu từ dịch vụ chúng tôi cũng phải chi theo đúng quy định. Hiện nay nhà trường không được thu khoản tiền cơ sở vật chất trong khi ngân sách cấp cho trường thì rất eo hẹp, nội chuyện chi lương giáo viên đã gần hết”.
Vị hiệu trưởng này dẫn chứng thêm: “Trường tôi có 100% học sinh bán trú nên được thu khoản cơ sở vật chất bán trú. Thế nên, tôi đã dùng tiền cơ sở vật chất để sơn lại vài cánh cửa, thay vài viên gạch nền đã bong tróc, đổi tấm kính mới trong nhà vệ sinh... nhưng vẫn bị phê bình là chi sai quy định.
Đoàn kiểm tra về tài chính của quận đã “quán triệt” rằng: tiền cơ sở vật chất bán trú thì chỉ được chi cho việc mua sắm phục vụ nhu cầu bán trú mà thôi. Do đó, tôi rất mong nhà trường được tự chủ về tài chính, người hiệu trưởng phải chủ động chi những khoản cần thiết cho trường, miễn là không lãng phí và không vì lợi ích cá nhân”.
Tương tự, một lãnh đạo Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.5 đồng tình: “Nếu cơ chế tự chủ về tài chính và nhân sự được thực hiện thì chúng tôi sẽ bớt khó khăn. Trên địa bàn Q.5 có rất nhiều phụ huynh khấm khá xin cho con em vào học tại Trường tiểu học Minh Đạo, Bàu Sen...
Nếu những trường nổi tiếng tăng mức thu theo hướng thu đủ bù chi thì giảm bớt tình trạng chạy trường...”.
Ý tưởng tốt của ngành giáo dục TP Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định: “Đây là ý tưởng tốt của ngành GD-ĐT TP, nếu được thực hiện sẽ mang ý nghĩa như “cởi trói” cho giáo dục phát triển. Dĩ nhiên nó cũng đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo ngành, trách nhiệm của lãnh đạo các trường. Tôi mong TP sẽ sớm được thực hiện cơ chế đặc thù”. |
Khen thưởng học sinh đoạt giải quốc tế
Dịp này, UBND TP.HCM đã trao giấy khen và phần thưởng cho 9 học sinh THCS vừa trở về từ cuộc thi toán quốc tế World Mathematical Olympiad 2017 (do Hiệp hội Olympiad toán học thế giới tổ chức trong hai ngày 11 và 12-8 tại Thiên Tân, Trung Quốc). Trong đó, có 2 học sinh đoạt huy chương bạc và 7 học sinh đoạt huy chương đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận