22/11/2023 09:48 GMT+7

TP.HCM và nhiều tỉnh tăng ca nhiễm khuẩn hô hấp

Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em đang tăng nhanh ở hầu hết địa phương. Theo ngành y tế, nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến thì sẽ làm tăng ca nặng và tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chú ý dấu hiệu thở ở trẻ để nhận mức độ bệnh nặng hay nhẹ - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chú ý dấu hiệu thở ở trẻ để nhận mức độ bệnh nặng hay nhẹ - Ảnh: XUÂN MAI

Các bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ra sao?

60% trẻ ở tỉnh chuyển đến bệnh viện TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM cho hay số trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp ở các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng từ tháng 10-2023 so với các tháng trước đó. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em thường tăng vào những tháng cuối năm.

Ghi nhận tại khoa hô hấp ở các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM đều đông bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhi ở tỉnh chuyển đến. Để đáp ứng thực tế số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng, các bệnh viện phải tăng cường thêm giường bệnh, nhân lực.

Theo các chuyên gia nhi khoa TP.HCM, tình hình mắc và tử vong do viêm phổi nặng ở trẻ em tại khu vực phía Nam trong những năm qua vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Phần lớn những bệnh nhi tử vong do bệnh hô hấp có bệnh nền mạn tính đi kèm như tiền căn sinh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch...

Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết so với cùng kỳ mọi năm thì hiện nay số ca hô hấp ở trẻ giảm dần, tuy nhiên năm nay vẫn còn ở mức cao.

Trẻ điều trị tại khoa chủ yếu nhiễm trùng hô hấp, trong đó có nhiều trẻ viêm hô hấp nặng, đặc biệt là viêm phổi và viêm tiểu phế quản. Đa số phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời và trẻ ở tỉnh chiếm 60% tổng số ca.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng số ca mắc tăng thì số ca nặng và số tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp sẽ tăng là điều rất khó tránh khỏi nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến.

Miền Bắc đang đà tăng

Tại miền Bắc, tuần qua thời tiết chuyển lạnh nhanh, nhiệt độ giảm khiến khả năng bảo vệ đường thở, sức đề kháng ở người già và trẻ nhỏ giảm, bệnh nhân mắc bệnh về hô hấp gia tăng.

Tại một số bệnh viện, hơn một tuần qua, số lượng trẻ nhập viện điều trị liên quan đến các bệnh về đường hô hấp tăng gấp đôi so với hơn một tháng trước.

Theo bác sĩ Vũ Minh Điền - phó trưởng khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) - cho hay thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh đường hô hấp có động lực mạnh hơn.

Có con nhỏ 4 tuổi đang học trường mầm non tại Hà Nội, chị Huệ không khỏi đau đầu vì cứ đến mùa là con lại bắt đầu ho, sốt, sổ mũi. "Chẳng phải riêng bạn nhỏ nhà mình, mỗi ngày lớp phải có 10 đến 15 bạn xin nghỉ học vì ốm. Cứ vào thời điểm giao mùa là các con lại ho, sổ mũi, sốt. Bạn nhỏ nhà mình bị viêm đường hô hấp trên, nghỉ học một tuần", chị Huệ chia sẻ.

Chú ý dấu hiệu thở

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho hay triệu chứng gợi ý trẻ mắc bệnh hô hấp là ho, và có thể kết hợp với những triệu chứng khác như sốt, đau đầu, sổ mũi... Thực tế người dân chỉ quan tâm đến triệu chứng ho mà bỏ qua dấu hiệu thở.

Mức độ nặng nhẹ của bệnh hô hấp không "song hành" với mức độ ho. Nghĩa là không phải ho nhiều là bệnh nặng, còn ho ít là bệnh nhẹ. Điều quan trọng là cần chú ý trẻ thở như thế nào. Tại nhà, phụ huynh nên đếm nhịp thở. Nếu trẻ thở nhanh là dấu hiệu sớm nhất báo hiệu bị viêm phổi.

Ngoài ra phụ huynh cần theo dõi dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp như: ngủ li bì, đánh không thức giấc, bỏ bú hay bú kém (đối với trẻ sơ sinh), nôn hay không uống được bất kỳ chất lỏng nào (đối với trẻ 2 tháng tuổi), co giật, tím tái...

Khi trẻ có bất kỳ một trong những dấu hiệu nêu trên, phụ huynh cần đưa trẻ cấp cứu kịp thời, bất kể thời gian nào trong ngày. Nếu chậm trễ, tính mạng trẻ bị đe dọa.

Bác sĩ Vũ Minh Điền cho biết thêm vi rút dễ dàng xâm nhập khi họng bị xung huyết, gây bệnh ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt gây viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ hoặc viêm phổi ở người cao tuổi.

Trong đó, phần lớn người cao tuổi nhập viện trong tình trạng viêm đường hô hấp cấp tính. Đáng nói, bên cạnh người có tiền sử về bệnh hô hấp, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng do tự điều trị tại nhà.

Lưu ý bệnh viêm phổi ở người cao tuổi. Những bệnh nhân này thường tự điều trị tại nhà khoảng 2 - 3 ngày, chỉ khi thấy tình trạng không đỡ mới đến viện thăm khám dẫn đến bệnh chuyển nặng. Khi có biểu hiện sốt, ho đờm nhiều, tức ngực khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám; tránh hiện tượng biến chứng viêm phổi nặng, sốc nhiễm khuẩn, khó khăn trong việc điều trị.

BS VŨ MINH ĐIỀN

Nhiều ca nhập viện do viêm phổi, hen phế quản, viêm hô hấp nặng

Ngày 21-11, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số bệnh nhi đến khám và nhập viện do các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp tăng, cao điểm từ đầu tháng 10 đến nay.

Trung bình mỗi ngày có gần 2.000 bệnh nhi đến khám, trong đó bệnh hô hấp là trên 1.100 ca; nhiều trường hợp bệnh nặng cần nhập viện theo dõi, vào lúc cao điểm lên đến 200 trường hợp/ngày.

Hiện nay khoa hô hấp bệnh viện phải kê thêm giường với khoảng 180 giường, nhiều thời điểm trong tháng 10 số bệnh nhi nội trú trên 200 ca nên nhiều trường hợp phải nằm đôi. Tuy nhiên trong khoảng một tuần gần đây, lượng bệnh nhi nhập viện do bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp đã có chiều hướng giảm, còn khoảng 130 ca/ngày.

Bác sĩ Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết bệnh nhi nhập viện do bệnh lý hô hấp chủ yếu là viêm phổi, hen phế quản, viêm hô hấp nặng.

Thời điểm cao điểm bệnh đông bệnh viện phải bố trí cho bệnh nhân nằm tạm tại các khoa khác ít bệnh hơn để giảm tải, các bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm chéo được bố trí nằm khu riêng.

Hà Nội còn thêm bệnh sốt xuất huyết

Không chỉ mắc các bệnh hô hấp, Hà Nội vẫn đang là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên cả nước. Tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 2.530 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 60 ca so với tuần trước đó.

Dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục có diễn biến phức tạp, số mắc có thể gia tăng trong những tuần tiếp theo, nguy cơ có thêm các trường hợp nặng và tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cần xét nghiệm loại trừ mắc sốt xuất huyết.

"Thông thường sau khi hết sốt, tình trạng biến chứng sốt xuất huyết diễn biến nhanh có thể gây hạ tiểu cầu, sốc sốt xuất huyết. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Vì sao trẻ mắc bệnh hô hấp ở miền Nam tăng và kéo dài?Vì sao trẻ mắc bệnh hô hấp ở miền Nam tăng và kéo dài?

Thường lệ cuối tháng 10 hằng năm, trẻ mắc các bệnh hô hấp sẽ giảm dần, nhưng hiện trẻ nhập viện vì bệnh này tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM vẫn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên