23/08/2007 08:19 GMT+7

TP.HCM: trường lớp quá tải!

HOÀNG HƯƠNG - KIM LIÊN
HOÀNG HƯƠNG - KIM LIÊN

TT - Năm học 2007-2008, TP.HCM đưa vào sử dụng 882 phòng học mới và khối phòng phụ. Con số này theo Sở GD-ĐT, đáp ứng chỗ học cho mọi HS tại TP.HCM. Thế nhưng đó là sự đáp ứng trong tình thế “giật gấu vá vai”.

eDZFvqHr.jpgPhóng to
Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) khẩn trương thi công để kịp đưa vào sử dụng ở học kỳ II năm học 2007-2008 - Ảnh: Như Hùng
TT - Năm học 2007-2008, TP.HCM đưa vào sử dụng 882 phòng học mới và khối phòng phụ. Con số này theo Sở GD-ĐT, đáp ứng chỗ học cho mọi HS tại TP.HCM. Thế nhưng đó là sự đáp ứng trong tình thế “giật gấu vá vai”.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

“Trường trong tuyến thì không nhận HS bán trú. Học trái tuyến chấp nhận đi xa thêm 3km nhưng cuối cùng con mình vẫn rớt ra khỏi danh sách HS học bán trú vì không đạt điều kiện bố mẹ là cán bộ - công chức nhà nước”. Chị Nguyệt Thanh ở Gò Vấp than thở. Giờ đây chị đang lên Phòng GD-ĐT quận trình bày hoàn cảnh để xin cho con học lớp bán trú. “Bố mẹ chạy hàng suốt ngày từ chợ này đến chợ kia, nếu cháu chỉ đi học 1 buổi/ngày thì ai trông nom?”, chị nói.

Nhiều phụ huynh ở TP.HCM có cùng chung nỗi lo “làm sao xin cho con học lớp bán trú”. Ông Trương Thanh Hải - phụ huynh ở Q.Bình Tân - bức xúc: “Trường nào cũng ra điều kiện bố mẹ phải là cán bộ - công chức nhà nước. Mà nhà nước hay tư nhân thì phụ huynh cũng phải đi làm trong giờ hành chính giống nhau. Tại sao lại phân biệt đối xử như vậy?”.

Người tăng nhanh, trường “nở” chậm

Ông Triệu Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cho biết năm nay, số HS ở quận 8 tăng ghê lắm. Chỉ tính riêng bậc THCS, đến thời điểm này, quận 8 đã nhận hơn 1.000 HS lớp 6 thuộc diện trái tuyến. Sắp khai giảng rồi mà mỗi ngày Phòng GD-ĐT vẫn tiếp nhận trung bình hơn 10 hồ sơ từ các nơi khác chuyển đến. Phòng ốc có hạn, lượng HS ngày một đông đương nhiên sĩ số các lớp phải tăng. Thế nhưng đã ba năm nay quận 8 không xây được thêm trường mới nào.

Theo lý giải của các phòng GD-ĐT, nhu cầu muốn cho con học bán trú tại trường ngày càng tăng cao còn số phòng học có hạn. Để đảm bảo cho đối tượng phụ huynh là cán bộ - công chức yên tâm làm việc, các trường thường ưu tiên nhận con em của đối tượng này, nếu còn chỗ mới nhận các đối tượng khác. Chưa kể năm học mới 2007-2008, nhiều quận, huyện (nhất là các quận vùng ven) đang phải chịu sự quá tải về trường, lớp vì số dân nhập cư tăng nhanh.

Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết: “Lẽ thường số HS lớp 5 ra trường bao nhiêu thì các trường sẽ tuyển bấy nhiêu HS lớp 1 vào. Nhưng năm nay, sự chênh lệch giữa đầu vào lớp 1 cao hơn đầu ra lớp 5 là 1.122 HS. Ở bậc THCS, chênh lệch giữa đầu vào lớp 6 và đầu ra lớp 9 là 1.107 HS. Chưa kể số HS ngoài quận, ngoài TP chuyển về Gò Vấp hơn 1.500 em nữa”. Với số HS tăng gần 4.000 em, quận cần thêm 100 phòng học mới. Thế nhưng Gò Vấp chỉ có thêm hơn 40 phòng học mới ở các trường tiểu học Lương Thế Vinh, Phan Chu Trinh. Để đáp ứng đủ chỗ học cho HS trong tình trạng “người đông nhưng trường không nở” này, quận phải giảm 70-80 lớp bán trú.

Tương tự, ở Q.Tân Phú: đến học kỳ II Trường tiểu học Hiệp Tân mới hoàn thành nhưng Q.Tân Phú vẫn phải chiêu sinh để không phí một học kỳ. Chiêu sinh rồi phải tìm chỗ học tạm. Thế là Trường tiểu học Phan Chu Trinh phải xóa hết bán trú (chỉ để lại các lớp bán trú tăng cường tiếng Anh), nhường luôn các phòng khối phụ, hội trường cho những HS mới của Trường Hiệp Tân.

Những ngôi trường “đóng băng”!

Trong khi đó, tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn), miếng đất trống ba năm trước giờ đã bắt đầu có tường rào và những cột móng đang thi công. Hiệu trưởng Nguyễn Minh Triết nói: “Trường đã được khởi công hôm 8-3-2007, huyện cam kết sẽ hoàn thành vào khoảng tháng năm, tháng sáu năm 2008”. Đây là ngôi trường chiếm kỷ lục “ngâm” lâu nhất TP: dự án được duyệt và chuẩn bị khởi công từ năm 2004. Trong lúc đó, Trường Nguyễn Hồng Đào ước mơ hai buổi/ngày phải xếp lại đến nay đã là năm thứ tư. Riêng công trình Trường Nguyễn Hữu Tiến đã khởi công và thực hiện được khoảng 80% khối lượng. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT, 20% còn lại khó hoàn thành vì chưa di dời được 71 hộ dân đang lưu trú trong khuôn viên trường.

Nhưng “đau khổ” nhất chính là Trường THPT Hiệp Bình. Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng cơ bản ngành GD-ĐT TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã chia sẻ với bức xúc của thầy trò Trường Hiệp Bình khi đọc bức tâm thư của ông hiệu trưởng: “Đây là vị lãnh đạo thứ ba của TP mà tôi trực tiếp kêu, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Ách tắc chỗ nào? Không ai nói cho tôi biết cả...”. Đến nay, số HS của trường đã lên tới hơn 2.000 cho ba khối lớp, mà thầy trò vẫn phải học trong khuôn viên của Trường tiểu học Hiệp Bình Phước với khoảng sân chỉ rộng 800m2. Không đủ phòng, trường phải dồn lớp nâng sĩ số lên 53-54 HS/lớp. Còn ngôi trường đã khởi công từ năm 2004 rồi ngưng...

Không thiếu tiền, nhưng...

Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú Hoàng Thị Hồng Hải cho rằng: “Không ai muốn trường ra đời khi chưa có cơ sở, nhưng Tân Phú chỉ có hai trường THPT Tân Bình và Trần Phú, quá khủng hoảng chỗ học nên chúng tôi phải dùng biện pháp tình thế ăn nhờ ở đậu”. Đó là tình cảnh của Trường THPT Tây Thạnh. Năm rồi, sau khi Sở GD-ĐT duyệt xong danh sách tuyển sinh lớp 10, Q.Tân Phú mới xin thành lập Trường THPT Tây Thạnh để tuyển thêm mười lớp 10 chủ yếu là HS của quận, bởi tin tưởng đã có đất, dự án cũng đã được UBND TP duyệt thì chỉ phải chờ xây khoảng một năm. Thế nhưng đã qua một năm học chung với Trường THCS Tân Thới Hòa, ngôi trường có tổng kinh phí 57 tỉ đồng với qui mô trường chuẩn quốc gia này vẫn chỉ mới ở giai đoạn mời thầu thiết kế mà chung qui cũng do vướng thủ tục. Năm học 2007-2008, ngôi trường “hai trong một” này đang “hăm he” quá tải khi “hai nhà” đã tuyển đến bốn khối lớp 6, 7, 10, 11.

Viễn cảnh này cũng có thể xảy ra với Trường THPT Trần Quang Khải (quận 11). Trường này cũng vừa được Sở GD-ĐT tuyển sinh 14 lớp 10 năm nay mà chưa có trường, thậm chí còn chưa có tên chính thức. Trong khi chờ xây trường, HS ở đây đang được bố trí học nhờ tại Trường THCS Hậu Giang. Để phụ huynh có con rớt cả hai nguyện vọng lớp 10 yên tâm học bổ túc, Phòng GD-ĐT phải mượn danh Trường Trần Quang Khải cho hai lớp HS hệ giáo dục thường xuyên này được học chung với HS công lập. Nghĩa là số HS bổ túc này cũng sẽ học “ké” Trường Hậu Giang. Như vậy, Trường Hậu Giang phải chịu cảnh “ba trong một”.

Ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND TP.HCM, từng tuyên bố: “TP.HCM không thiếu tiền xây trường”, thế nhưng việc xây dựng trường ốc năm nào cũng lận đận. Bao giờ trường lớp ở TP.HCM mới hết quá tải?

26 công trình chậm tiến độ

Theo một báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn TP hiện có 26 công trình chậm tiến độ. Trong đó có những dự án xây mới được duyệt từ rất lâu nhưng vẫn nằm trên giấy như Trường tiểu học Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3) đã được duyệt từ năm 2001, Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình cũng được duyệt dự án năm 2002, Trường tiểu học Trương Công Định duyệt từ năm 2003... do kẹt đền bù giải tỏa... Rồi nhiều dự án đã có mặt bằng, có tiền nhưng vẫn chậm xây do thủ tục, do thay đổi những qui định nên phải làm lại...

Tại hội nghị qui hoạch mạng lưới trường học và xây dựng cơ bản ngành GD-ĐT mới đây, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã cảnh báo: “Trong tình hình dân nhập cư tăng nhanh, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, sẽ lâm vào tình trạng quá tải và học ca ba, ca bốn. Đây là sự tụt hậu mà xã hội không thể chấp nhận được”.

HOÀNG HƯƠNG - KIM LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên