20/12/2019 09:23 GMT+7

TP.HCM tiến tới đấu thầu các tuyến xe buýt

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - TP.HCM sẽ đấu thầu các luồng tuyến xe buýt thay cho việc đặt hàng đã làm nhiều năm qua. Đây có thể là làn gió mới thu hút nhà đầu tư bên ngoài có năng lực tham gia, vực dậy tình hình xe buýt vốn đang èo uột.

TP.HCM tiến tới đấu thầu các tuyến xe buýt - Ảnh 1.

So với năm 2012, sản lượng khách đi xe buýt đến nay giảm hơn trăm triệu lượt khách - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều đơn vị xe buýt cho rằng để tránh chuyện đấu thầu phá sản, TP.HCM còn nhiều việc phải làm.

Không có đất cho xe buýt "dụng võ"

Phải nhìn nhận thực tế rằng thời gian qua TP.HCM đã dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển vận tải hành khách công cộng. Mỗi năm ngân sách cấp khoảng 1.000 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt.

Thế nhưng tính từ năm 2012 - đỉnh điểm của thời "hoàng kim" xe buýt có 305 triệu lượt khách, đến năm 2018 chỉ còn 194 triệu lượt, tức giảm 111 triệu lượt. Năm nay, tình hình cũng không mấy khả quan bởi tính tới 8 tháng đầu năm, sản lượng khách tiếp tục lao dốc, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về thực trạng, mới đây ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết thực ra trợ giá những năm qua không tăng, mà có xu hướng giảm từ năm 2012 tới nay và gần đây có dao động trong khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Nhưng ông Lâm thừa nhận sản lượng khách đi xe buýt vẫn giảm.

Về nguyên nhân, giám đốc Sở GTVT TP nhìn nhận hạ tầng giao thông hiện nay rất khiêm tốn, đường nhỏ... Theo thống kê, tại TP có tới 70% tuyến đường dưới 5m nên việc tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính 500-700m rất khó.

Còn về thời gian, có những tuyến xe buýt có thời gian lưu thông cả một tiếng, không thể đáp ứng nhu cầu đi nhanh cho người dân. Cụ thể, xe buýt từ khu vực chợ Bến Thành (Q.1) đi ra ngoại ô hoặc từ vùng ven vào nội ô cũng 40 phút.

Mặt khác, một số tuyến tần suất chuyến giãn cách khiến người dân chờ đợi lâu. "Hành trình thời gian đó đã khiến xe buýt không thể cạnh tranh được với phương tiện cá nhân" - ông Lâm nói.

Phải chuyển sang đấu thầu

Theo Sở GTVT TP, thời gian qua chủ yếu có 12 đơn vị vận tải "lâu đời" đảm nhận các tuyến xe buýt có trợ giá theo cơ chế đặt hàng. Ưu điểm của cơ chế này là thời gian thực hiện rút ngắn hơn so với quy trình đấu thầu. Đối với các đơn vị đã đầu tư hệ thống xe buýt mới, việc đặt hàng tạo ra sự ổn định, yên tâm cho doanh nghiệp có kinh phí trả lãi vay, hoàn vốn.

Còn nhược điểm quy định đặt hàng là các đơn vị được giao đã thực hiện lâu năm, do đó chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới xe buýt. Đồng thời, chưa khuyến khích được doanh nghiệp yên tâm nâng cao chất lượng xe cộ, thiết bị phục vụ hành khách.

Giữa năm 2019, Chính phủ ban hành nghị định 32/2019 về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách, có hiệu lực từ ngày 1-6-2019. Do vậy, sắp tới công tác đặt hàng, đấu thầu xe buýt phải thực hiện theo nghị định này, trong đó nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký vẫn được thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Báo cáo UBND TP vấn đề này, Sở GTVT TP cho biết đến nay TP.HCM có 136 tuyến xe buýt, trong đó 98 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá.

Sở cho biết hiện có tới 57 tuyến xe buýt đã được đầu tư xe mới đang được hỗ trợ lãi vay theo đề án thay xe buýt mới, và 2 tuyến khác đã được sở chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, sở kiến nghị cho phép 57 tuyến nêu trên chưa thực hiện hình thức đấu thầu trong năm 2020, mà sẽ thực hiện đến khi kết thúc thời gian hỗ trợ lãi vay.

Còn với 4 tuyến sắp hết thời gian khấu hao xe mới và 36 tuyến chưa đầu tư sẽ tiến tới đấu thầu cung cấp dịch vụ vận chuyển trong năm tới. Tuy nhiên, Sở GTVT TP cũng cho biết trong trường hợp không lựa chọn được nhà thầu, hoặc không có nhà đầu tư tham gia sẽ tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng.

Người trong cuộc nói về đấu thầu

Ông Nguyễn Văn Thảo - giám đốc Hợp tác xã xe buýt số 15 (Q.Thủ Đức) - cho rằng việc đấu thầu đã được bàn nhiều rồi, nhưng đến nay chưa triển khai được.

"Trên thực tế, doanh nghiệp xe buýt hiện nay đều lỗ do sản lượng hành khách trồi sụt, trợ giá không đủ bù chi phí. Với tình hình xe buýt đang sống dở chết dở thế này, xem ra khó có kết quả đấu thầu đạt được như kỳ vọng" - ông Thảo nói.

Còn ông Nguyễn Ngọc Binh - giám đốc Hợp tác xã xe buýt số 28 - cho rằng những tuyến sản lượng tốt đấu thầu còn hiệu quả, chứ một số tuyến èo uột thì nhà đầu tư chưa chắc đã ham. "Chúng tôi đang làm cũng thấy ngán, huống hồ nhiều doanh nghiệp mới vào phải đầu tư phương tiện và coi trước coi sau xem có lời không" - ông Binh nói.

Làm sao thu hút nhà đầu tư bên ngoài tham gia? Trả lời vấn đề này, một cán bộ Sở GTVT TP cho biết quy định đấu thầu sẽ theo hướng mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có năng lực, đáp ứng điều kiện tham gia lĩnh vực xe buýt.

Việc này nếu thành công sẽ tạo một làn gió mới, thay vì vẫn duy trì đặt hàng các đơn vị "lâu đời" như thời gian qua. Để chọn được nhà đầu tư có chất lượng thì phải đặt điều kiện cao hơn chút. Nhưng bù lại, nhà đầu tư cũng yêu cầu đơn giá mà xe buýt đưa ra phải ổn định trong vòng mấy năm.

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Không có làn đường riêng cho xe buýt là thua!

Với tình hình sản lượng đang trồi sụt mà không có làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt là thua, bởi đi xe buýt chậm hơn đi xe máy rất nhiều.

Con số 133.000 chuyến xe buýt bị trễ trong 7 tháng đầu năm do ùn tắc đã chứng minh thực tế. Do đó, TP.HCM cần bắt tay thực hiện ngay chỗ nào ưu tiên được thì ưu tiên liền, còn chỗ nào dành riêng được thì dành riêng.

Hà Nội thành công với đấu thầu xe buýt

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), từ năm 2005 TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ xe buýt. Đến nay đã có 28 tuyến xe buýt đang thực hiện theo hợp đồng thầu.

Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng, thu hút được nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hiện có 6 đơn vị đang cung cấp dịch vụ xe buýt theo hợp đồng thầu gồm: Đông Anh, Bảo Yến, Bắc Hà, Newway, Ôtô tải Hà Tây, Hải Vân.

Thứ hai là thông qua việc đấu thầu góp phần giảm chi phí vận hành, qua đó từng bước giảm kinh phí trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội. Thời gian thực hiện hợp đồng theo hình thức đấu thầu tối đa là 5 năm nên sẽ tạo ra tính ổn định, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư trang bị các tiện ích nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo ông Hải, nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1-6-2019.

Do đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội tiếp tục triển khai công tác đấu thầu đối với 68 tuyến xe buýt và việc đấu thầu này đang được thực hiện các bước, dự kiến hoàn thành trong quý 1-2020.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ tổ chức đấu thầu đối với 17 tuyến xe buýt nằm trong kế hoạch mở mới năm 2019. Kế hoạch mở mới 17 tuyến xe buýt này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận danh mục.

TUẤN PHÙNG

TP.HCM chưa đấu thầu cung ứng dịch vụ xe buýt TP.HCM chưa đấu thầu cung ứng dịch vụ xe buýt

TTO - TP.HCM tạm thời chưa tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, kể cả các tuyến xe buýt mở mới, từ nay đến hết tháng 6- 2018.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên