05/12/2022 08:47 GMT+7

TP.HCM thu hút ngoại lực để phát triển

TRẦN PHƯƠNG - NGUYÊN HẠNH
TRẦN PHƯƠNG - NGUYÊN HẠNH

TTO - Chương trình 'Đối thoại Hữu nghị' lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM đã thu hút sự tham gia của hàng chục quốc gia đến thảo luận hợp tác nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển hậu dịch bệnh COVID-19.

TP.HCM thu hút ngoại lực để phát triển - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM và các địa phương chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 3-12 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Có tổng cộng 24 địa phương từ 12 quốc gia tham gia hội nghị với chủ đề "Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển" từ ngày 2 đến 5-12. Họ đều nhận thấy hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là hợp tác giữa các địa phương.

Quan hệ cấp địa phương đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và vị thế của mỗi quốc gia, cũng như đối với năng lực thích ứng của toàn thế giới trước những thử thách đa dạng của thế kỷ 21.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Tạo tình cảm gắn bó

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố mong đợi sự kiện sẽ tạo xung lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương quốc tế trong năm mới 2023 và những năm tiếp theo.

TP.HCM rất năng động trong hợp tác cấp địa phương, chẳng hạn như hợp tác về phát thải carbon thấp với thành phố Osaka (Nhật Bản), về thích ứng với biến đổi khí hậu với thành phố Rotterdam (Hà Lan)...

"Đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc tăng cường hợp tác, đặc biệt sau đại dịch, càng cần thiết" - ông Nguyễn Phước Anh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

TP.HCM có mạng lưới quan hệ hữu nghị với các địa phương khắp các châu lục. Có những mối quan hệ đi vào chiều sâu đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có những mối quan hệ cần tăng cường hơn nữa vì chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Phước Anh, chương trình "Đối thoại Hữu nghị" lần này nhằm tạo tình cảm gắn bó giữa TP.HCM với các địa phương nước ngoài, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Chương trình không chỉ kết nối TP.HCM với các địa phương mà còn giữa các địa phương với nhau để hỗ trợ lẫn nhau, trên cơ sở các bên cùng có lợi. "Nguồn lực là điều rất quan trọng, không chỉ nội lực mà cả ngoại lực", ông Phước Anh chia sẻ.

Tại sự kiện, đại biểu từ 24 địa phương nhất trí tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Nhu cầu hợp tác với TP.HCM rất lớn

Phát biểu tại sự kiện, ông Takebe Tsutomu, chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, cho biết rất nhiều địa phương tại Nhật cũng hưởng ứng mối quan hệ hợp tác với TP.HCM, trong đó có cả những thành phố đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Hokkaido và Sapporo.

Ông nhận định trong bối cảnh tình hình tại trung tâm tài chính toàn cầu Hong Kong đang diễn biến phức tạp, TP.HCM có thể là một lựa chọn thay thế cho Nhật Bản.

Ông Yamatani Kimio, giám đốc Cơ quan kinh tế và du lịch tại Hong Kong của tỉnh Hyogo (Nhật Bản), cho biết tỉnh muốn tăng cường hợp tác với TP.HCM về kinh tế xanh. Ông cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi kinh tế với thành phố.

"Các doanh nghiệp của Hyogo rất muốn làm ăn tại Việt Nam và TP.HCM vì sự phát triển kinh tế rất mạnh. Chính quyền Hyogo điều chỉnh theo các doanh nghiệp địa phương. Nếu các doanh nghiệp quan tâm đến Việt Nam và TP.HCM, chúng tôi sẽ tập trung vào đó", ông Yamatani cho biết.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Sadykov Timur Sirozhevich, tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.HCM kiêm đại diện thành phố Sverdlovsk, cho rằng TP.HCM đang hồi phục từng ngày sau đại dịch.

Ông nói: "Nếu bạn chỉ đi dạo quanh thành phố, bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhiều cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê đã được mở trở lại.

Điều này giúp người dân địa phương có thể kiếm thêm thu nhập, đồng thời tốt cho cả những người nước ngoài đến để tận hưởng lòng hiếu khách của Việt Nam, thử món ăn, trải nghiệm văn hóa độc đáo của Việt Nam".

"Chúng tôi với tư cách là đại diện nước ngoài tại đây sẽ cố gắng hết sức để truyền thông cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi về những tiềm năng của Việt Nam đối với các doanh nhân nước ngoài, cho các đại diện nước ngoài để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau", ông Sirozhevich khẳng định.

Theo ông Sirozhevich, các thành phố của Nga và TP.HCM có tiềm năng hợp tác rất lớn ở nhiều lĩnh vực như y học, công nghệ, sản xuất công nghiệp, văn hóa và du lịch.

Tổng lãnh sự Nga cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai gần các chuyến bay thẳng và việc đi lại giữa hai nước sẽ sớm được khôi phục như trước đại dịch, để giải quyết vấn đề hậu cần vẫn còn đình trệ như hiện nay.

Nhiều sáng kiến hợp tác

Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Takebe Tsutomu đã đề xuất ý tưởng phát triển giao lưu, hợp tác giữa các chính trị gia, lãnh đạo kinh tế trẻ của Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Takebe, Việt Nam và Nhật Bản đã duy trì mối liên hệ tốt ở cấp trung ương, "nhưng chúng ta không nên dừng ở đó mà cần mở rộng sân chơi" cho cả người trẻ.

"Những người trẻ tuổi sẽ có những ý tưởng tiên phong, quyết liệt và thẳng thắn để cùng nhau chia sẻ, phát triển châu Á cũng như là đảm bảo ổn định an ninh và kinh tế cho toàn châu Á", ông giải thích trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý đô thị Rotterdam (Hà Lan) Gerben Wigmans nói rằng các bên có thể trao đổi kiến thức trong các vấn đề khác như chống ngập.

Theo ông, thay vì xây dựng các hạ tầng đắt đỏ và "đối đầu với thiên nhiên", thành phố có thể áp dụng các biện pháp tạo dòng chảy và lập các vùng chống ngập.

Đối thoại Hữu nghị TP.HCM: Hợp tác để thành công Đối thoại Hữu nghị TP.HCM: Hợp tác để thành công

TTO - Tại Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ nhất, các địa phương đều kỳ vọng thúc đẩy hợp tác lẫn nhau nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19 với nhiều cơ hội lẫn thách thức.

TRẦN PHƯƠNG - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên