Người nghiện ma túy đến uống methadone tại Trung tâm Y tế dự phòng Q.12, TP.HCM - Ảnh: Vũ Thủy |
“Giải pháp gì thì giải pháp, nhưng bản thân người nghiện không tự nguyện cắt nghiện thì bao nhiêu giải pháp cũng không giải quyết được. Gia đình cũng phải có trách nhiệm với con em mình |
Ông Hứa Ngọc Thuận (phó chủ tịch UBND TP.HCM) |
Nhận định trên được ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đưa ra sáng 19-8 tại hội nghị sơ kết sáu tháng (tháng 12-2014 đến tháng 6-2015) ra quân đấu tranh phòng chống, kiểm soát ma túy và đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ông Thuận đánh giá việc Quốc hội ra nghị quyết cho phép đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã tháo gỡ vướng mắc ban đầu của TP để giải quyết tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Trai - phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP, tình hình mua bán ma túy chưa có dấu hiệu lắng xuống dù đã triệt xóa nhiều đường dây lớn.
Các băng nhóm ma túy lập “kho hàng” ở các tỉnh sẵn sàng tạo đường dây mới rất nhanh lấp vào chỗ trống, nhiều tụ điểm nóng tồn tại lâu vẫn chưa triệt phá được, ma túy thẩm lậu từ Trung Quốc và Lào tiếp tục gia tăng.
Đồng thời, khi đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nguồn cầu giảm sẽ khiến các đối tượng ra sức dụ dỗ, lôi kéo người nghiện mới, nhất là học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, số lượng người nghiện sót lọt còn lớn do công tác rà soát, thống kê không chú trọng rà soát thực tế mà chủ yếu dựa trên danh sách quản lý.
Tại hội nghị, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết nghị quyết của Quốc hội về việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có hiệu lực thực hiện đến tháng 12 năm nay.
Vì vậy trong thời gian tới TP sẽ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện không chỉ ở TP mà ở các tỉnh thành khác để đạt được kết quả căn cơ.
Nói về giải pháp cai nghiện sắp tới, đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, ông Thuận yêu cầu các quận, huyện tuyên truyền, vận động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
“Các quận, huyện phải cập nhật lại hệ thống cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nắm chắc số người nghiện trên địa bàn để tổ chức cai nghiện. Trên cơ sở đó, TP sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gồm mở rộng chương trình điều trị nghiện thay thế methadone và đưa vào thí điểm cai nghiện cắt cơn bằng Cedemex tại gia đình và cộng đồng” - ông Thuận nói.
Bà Tiêu Thị Thu Vân, chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TP, cho biết mặc dù đến nay tại TP chưa đến 3.000 người uống methadone, nhưng kết quả đánh giá cho thấy người nghiện hiền hòa hơn và gần 80% có việc làm.
Hiện TP đang có 13 điểm uống methadone hoạt động, ba điểm đã nghiệm thu chuẩn bị cấp thuốc.
Ông Hứa Ngọc Thuận thông tin thêm rằng thực tế cho thấy tại TP, điểm nào có methadone thì điểm đó bình yên.
Hiện nay, song song với methadone, TP cũng đã lập đề án chọn thí điểm cắt cơn bằng Cedemex ở quận 1 và quận 8.
Đưa 2.333 người đi cai nghiện bắt buộc Trong sáu tháng thực hiện đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, TP đã phát hiện và xét nghiệm ma túy cho hơn 11.000 người. Trong đó, gần 7.000 người có kết quả dương tính với ma túy, gần 3.500 người được đưa vào cơ sở xã hội. Còn số người đã được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án là 2.333 người. Đồng thời, TP cũng đã phát hiện 820 vụ với gần 1.600 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy trong sáu tháng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận