Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị - Ảnh: Tự Trung |
Dù là ngày chủ nhật (3-7), nhưng Hội trường thành ủy TP.HCM vẫn đông kín đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến tham dự buổi gặp gỡ do lãnh đạo TP.HCM tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng Chính phủ đã ra nghị quyết hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nên thành phố rất mong được nghe những ý kiến phản hồi cụ thể.
Từ đó, TP có thể đưa ra những quyết sách cho các vấn đề trọng tâm như: cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi khởi nghiệp cũng như tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động.
“Các ngành, các cấp phải thiết kế những giải pháp cụ thể gì để đáp ứng được các yêu cầu phát triển của thành phố nói chung và của chính của các doanh nghiệp nói riêng”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Thành Kiên - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sau cuộc họp đối thoại giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với lãnh đạo cấp cao của UBND TP.HCM tổ chức hồi tháng 3-2016, sở đã nhận được 112 ý kiến, kiến nghị từ các hiệp hội ngành hàng gởi các sở ngành liên quan.
Sau ba tháng kể từ ngày đối thoại đó, đã có 129/129 cơ quan trả lời cho các ý kiến, kiến nghị nói trên của doanh nghiệp.
Theo ông Kiên, hiện sở vẫn đang tiếp tục chuyển tiếp những thắc mắc khác của doanh nghiệp đến cơ quan chức năng thẩm định, kiểm tra và sớm có câu trả lời. Điều này càng khẳng định quan điểm nhất quán của UBND TP là luôn đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp sáng 3-7 - Ảnh: Tự Trung |
Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP đạt 476.988 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh nhất đến 7,7%, so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp.
Khu vực dịch vụ cũng chiếm đến 53,9% trong tỉ trọng tổng sản phẩm nội địa của thành phố, bỏ khoảng cách rất xa so với các lĩnh vực nói trên.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 347.589 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu 14,8 tỉ USD, chỉ tăng 1,7% so với năm 2015.
Trong lĩnh vực đầu tư, đã có 17.270 doanh nghiệp trong nước được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký 154.292 tỉ đồng, tăng đến 17% về số lượng đăng ký và 54,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Riêng khối doanh nghiệp nước ngoài, đã có 387 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đạt 526 triệu USD, dù tăng đến 50% về số dự án nhưng nguồn vốn thu hút lại giảm đến 34,1%.
Về tín dụng, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đến cuối tháng 6 ước đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 6,82% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng trung dài hạn chiếm 57,8% còn dư nợ ngắn hạn chiếm 42,2%.
Nợ xấu có tăng nhẹ, lên mức 4,47%. Huy động vốn tăng chậm hơn cho vay, chỉ đạt 5,8%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận