20/11/2022 10:10 GMT+7

TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân

THÙY DƯƠNG - THU HIẾN - HƯƠNG THẢO
THÙY DƯƠNG - THU HIẾN - HƯƠNG THẢO

TTO - Trong tương lai gần, mỗi người dân TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Đây được coi là giải pháp "khám, chăm sóc sức khỏe trọn đời" nhằm can thiệp hiệu quả, giảm chi phí điều trị và góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân - Ảnh 1.

Trong tương lai gần, mỗi người dân TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Trong ảnh: người dân khám bệnh tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các mục tiêu này nằm trong dự thảo kế hoạch về chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo vừa được Sở Y tế TP.HCM trình UBND TP phê duyệt.

Khám sức khỏe định kỳ một lần/năm

Dự thảo tờ trình mà Sở Y tế TP.HCM trình UBND TP.HCM mới đây nhận định rằng ở mỗi độ tuổi khác nhau người dân sẽ có các nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau. Do đó, việc xác định nhóm tuổi để lựa chọn loại hình khám sức khỏe phù hợp là điều cần thiết, nhằm phát hiện sớm bệnh lý, điều trị kịp thời và giảm chi phí khám sức khỏe.

Ngành y tế TP.HCM đồng thời đặt chỉ tiêu từ năm 2025 tất cả mọi người dân đều được khám sức khỏe định kỳ tối thiểu một lần/năm.

Trước mắt giai đoạn 2023 - 2025, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên khám sức khỏe định kỳ một lần/năm, nâng cao cả chất lượng sống lẫn tuổi thọ cho nhóm người này. Ước tính TP.HCM hiện có khoảng 4 triệu người trên 60 tuổi, chủ yếu mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và tim mạch.

"Việc khám cho người cao tuổi rất linh động, có thể ở cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế, khu dân cư hoặc ở ngay tại nhà. Khi có kết quả thăm khám, bác sĩ phải có kết luận tình trạng sức khỏe, cách xử trí ban đầu và nếu phát hiện bệnh cần hướng dẫn người cao tuổi đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời", một lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM lý giải.

Vị này cũng cho biết các bệnh nhân này sẽ được lập hồ sơ điện tử và quản lý chăm sóc điều trị trọn đời. Được biết nguồn kinh phí phân bổ cho các quận, huyện và TP thực hiện chương trình khám sức khỏe định kỳ này ước tính trên 500 tỉ đồng.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - trong lần chia sẻ tại lễ khởi động chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) ngày 18-11 đã khẳng định: Thời gian qua ngành y tế TP.HCM tập trung triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế cộng đồng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Kế hoạch khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm gắn với việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử không nằm ngoài mục đích đó. "Đây là mục tiêu hàng đầu mà y tế TP.HCM đang hướng tới", ông Châu khẳng định.

Ông Châu còn cho biết mọi người dân đều được quản lý chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thừa hưởng các dịch vụ y tế. Trong đó bất kể là ai, sống ở đâu, điều kiện kinh tế có hay không đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng.

Các mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và phát triển bền vững chỉ có thể thành hiện thực khi thông qua thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ông Châu nói: "Mục tiêu tăng cường tầm soát các yếu tố, nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng nhằm phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế gia tăng tỉ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, người tàn tật và tử vong do các bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch...".

TP.HCM sẽ khám sức khỏe trọn đời cho người dân - Ảnh 2.

Dữ liệu: H.L. - Nguồn: Dự thảo tờ trình của Sở Y tế TP.HCM - Đồ họa: N.KH.

Cân nhắc thêm tính hiệu quả

BS Kiều Xuân Thy - phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đại đa số người dân tại Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Theo BS Thy, tầm soát sức khỏe định kỳ rất quan trọng, giúp người bệnh biết được nếu có những rối loạn ở thời kỳ sớm. Bác sĩ vì thế cũng có thể kiểm soát diễn tiến của bệnh tốt nhất, hạn chế cơ hội tiến triển nặng hoặc có các biến chứng lâu dài.

Dẫn chứng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng men gan, các rối loạn có thể dẫn đến ung thư..., bác sĩ Thy nói rằng các bệnh lý này thường diễn tiến phức tạp, biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát tốt.

Điều này kéo theo việc điều trị do đó cũng trở nên khó khăn, lâu dài và tốn kém hơn.

"Tầm soát sức khỏe tổng quát trở nên quan trọng hơn trong việc phát hiện sớm, giải quyết các tình trạng rối loạn âm thầm trong cơ thể. Các chuyên gia y tế cho rằng người bình thường độ tuổi trên 25 trở đi nên tầm soát sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm và khuyến cáo hai lần mỗi năm nếu đã hoặc đang điều trị một số bệnh lý mạn tính", bác sĩ Thy khuyến cáo.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ người dân trong TP sẽ cần một nguồn lực kinh tế rất lớn, trong khi không phải lúc nào cũng phát hiện ra bệnh.

"Việc khám sức khỏe định kỳ nếu tổ chức khám không tốt khó phát hiện được các bệnh", ông nhấn mạnh. Do đó thay vì tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người dân, theo ông, nên tổ chức khám sàng lọc định kỳ cho những bệnh có thể phát hiện khi sàng lọc.

Ông Dũng dẫn chứng có những nước từng tổ chức chụp X-quang phổi cho tất cả người dân nhưng sau đó ngưng do nhận thấy không hiệu quả. Và hiện nay cả các nước phát triển cũng không có nước nào có thể tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người dân.

"Ở quốc gia có nguồn lực thấp như chúng ta cần phải có nghiên cứu về hiệu quả xét nghiệm, tỉ lệ mắc bệnh, chi phí sàng lọc và điều trị sau khi sàng lọc, nguy cơ của sàng lọc... Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên bắt đầu bằng sàng lọc rộng rãi cho một số bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung", ông Dũng nói.

Ngoài ra có thể áp dụng cho những người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, hoặc nhóm quan hệ tình dục đồng giới (chủ yếu nam) nên định kỳ xét nghiệm HIV/AIDS...

Còn lại, biện pháp tốt nhất người dân vẫn nên luyện tập, ăn uống điều độ nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh; song song việc thường xuyên theo dõi các triệu chứng nhằm khám, phát hiện điều trị bệnh kịp thời.

Còn ông Văn Hữu Nghĩa - trưởng Trạm y tế phường 3 (quận Bình Thạnh) - cho biết để đảm bảo việc khám sức khỏe định kỳ cho người dân, trạm y tế cần bổ sung nhân sự và một số trang thiết bị như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết...

Bởi theo ông Nghĩa, hiện nay trạm có 5 nhân sự, trong đó chỉ có 5 người cơ hữu, nếu việc khám sức khỏe định kỳ được triển khai xuống trạm cũng sẽ đối diện nhiều khó khăn. "Với dân số gần 21.600 người dân của phường, theo như quy định của Bộ Y tế, trạm cần thêm 5 nhân sự nữa mới có thể thực hiện tốt các chương trình đã và sẽ được giao", ông Nghĩa nói.

* Ông Nguyễn Trọng Khoa (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Nên ủng hộ

Mỗi lứa tuổi đều có các vấn đề sức khỏe riêng, do đó việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người dân (nếu đủ nguồn lực) là điều cần thiết. Chương trình mà ngành y tế TP.HCM đề ra đúng về chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân và cần được ủng hộ.

Để triển khai có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải tập trung bám sát vào mạng lưới y tế cơ sở và mô hình bác sĩ gia đình. Bởi đây sẽ là lực lượng nòng cốt góp sức đảm bảo việc khám sức khỏe ban đầu cho người dân.

* Ông Lại Đức Trường (cán bộ phụ trách quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm của WHO tại Việt Nam):

Chủ trương tốt

Chủ trương của TP.HCM về việc mọi người dân của TP đều được khám sức khỏe định kỳ là rất tốt. Tuy nhiên để thực hiện được chủ trương này cần một nguồn lực rất lớn và điều quan trọng làm sao chương trình được thực hiện liên tục trong nhiều năm, chứ không nên chỉ một năm rồi thôi.

Việc khám sức khỏe không phải là khám bệnh, do đó không nhất thiết phải mời các bác sĩ chuyên khoa từ các bệnh viện xuống. Mục tiêu của khám sức khỏe định kỳ là phát hiện bất thường can thiệp và chuyển tuyến điều trị. WHO rất ủng hộ và sẽ đồng hành hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn cho ngành y tế TP.HCM để chủ trương này thực hiện hiệu quả.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

DP_Yte (5) 1(Read-Only)

TP.HCM sẽ khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên thực tế việc khám sức khỏe định kỳ hiện nay ở TP.HCM và cả nước đang "bỏ sót" một lượng người khá lớn.

Không phải ai cũng có điều kiện khám sức khỏe định kỳ, có người thậm chí chưa bao giờ khám và có rất nhiều người tìm đến bệnh viện chỉ khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn. Do đó nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng người dân nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Câu chuyện đầy tiếc nuối của bà N.T.G. (70 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng xuất phát từ việc không được thăm khám sức khỏe thường xuyên. Sự chủ quan, cộng với khó nhọc trong di chuyển thăm khám đã khiến bà G. nghĩ căn bệnh mình đang mang chỉ là "cảm cúm" hoặc do "thời tiết chuyển mùa". Bà chỉ đến bệnh viện khám khi thấy mình có triệu chứng sốt liên tục, khó thở, vàng da và mệt mỏi kéo dài không dứt.

Kết quả xét nghiệm sau đó đã khiến cả gia đình bà suy sụp, các bác sĩ lắc đầu cho biết bà G. bị ung thư gan giai đoạn cuối. Các tế bào ung thư lúc đó đã di căn ở nhiều bộ phận trong cơ thể.

"Từ trước đến nay cha mẹ tôi vẫn giữ thói quen có bệnh mới đi khám, uống thuốc. Nếu có thói quen đi tầm soát sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn, có lẽ mẹ tôi đã có thể sống bên cạnh con cái lâu hơn", con trai bà G. tiếc nuối và nói rằng trải qua mọi chuyện mới thấy việc kiểm tra sức khỏe định kỳ vô cùng quan trọng.

Do không có thói quen vào bệnh viện, phần vì sợ tốn kém, phần vì công việc bận rộn khiến anh L.N.D. (26 tuổi, ngụ tại TP.HCM) quên luôn các vấn đề sức khỏe. Chỉ đến đầu tháng 11-2021, anh D. tình cờ phát hiện nhịp tim của mình thường xuyên đập nhanh khi khám sàng lọc tại điểm tiêm vắc xin cộng đồng.

Anh bảo rằng tình trạng này tiếp tục kéo dài trong suốt ba tháng không hề thuyên giảm. Và cuối cùng, lần đầu tiên anh quyết định tìm đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán bị bệnh lý về tuyến giáp bắt buộc phải điều trị.

"May mắn bệnh chưa tiến triển thành nặng", anh D. xuýt xoa. Và cũng từ may mắn này, anh D. muốn nhắn nhủ với mọi người hãy duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ này, để lỡ có bệnh được điều trị sớm giảm gánh nặng về cả chi phí và tăng cơ hội sống.

Ông Lại Đức Trường - đại diện văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - cho hay số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam hiện nay rất cao, nổi bật nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Theo một điều tra sắp công bố, hiện tỉ lệ người từ 18 - 69 tuổi trên cả nước bị tăng huyết áp là 26%, còn tiểu đường là 7,1%. Mặc dù lượng bệnh nhiều như vậy nhưng số lượng quản lý điều trị rất thấp. Có hơn 86% người bị cao huyết áp và hơn 70% người bị đái tháo đường không được quản lý.

Điều này cũng dẫn đến tỉ lệ tử vong các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam rất lớn, chiếm tới 77% tổng số ca bệnh, trong đó số người tử vong sớm (trước 70 tuổi) chiếm 44%. "Với đặc điểm quan trọng của bệnh không lây nhiễm là không lây truyền nên tổ chức quốc tế hỗ trợ rất ít. Đây là khoảng trống lớn trong quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường", ông Trường nhấn mạnh.

Nỗi ám ảnh mang tên "bệnh không lây nhiễm"

Thống kê mới nhất công bố giữa tháng 9-2022 của WHO cho thấy các bệnh không lây nhiễm (NCD - Noncommunicable Diseases) khiến khoảng 41 triệu người tử vong mỗi năm, tương đương 74% tổng số ca tử vong toàn cầu. Đặc biệt 77% trong đó là tại các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Trong số những người tử vong vì các bệnh NCD, tim mạch đứng đầu với khoảng 17,9 triệu người mỗi năm, kế đến ung thư (9,3 triệu người), các bệnh hô hấp mãn tính (4,1 triệu người) và tiểu đường (2 triệu người, bao gồm cả những người bệnh thận do biến chứng tiểu đường).

Hút thuốc lá, không thể dục thể thao, lạm dụng bia rượu và ăn uống không lành mạnh là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh NCD. WHO khẳng định việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các bệnh NCD và chăm sóc giảm nhẹ là những thành tố chính trong chiến lược ứng phó các bệnh NCD. Và đây cũng là những trọng tâm hướng tới trong các nỗ lực của WHO nhằm ngăn ngừa số ca chết vì các bệnh này.

Theo WHO, giải quyết các nhân tố nguy cơ này không chỉ giúp ngăn số người chết, mà còn tạo lực đẩy rất lớn cho sự phát triển kinh tế của các nước.

Để giảm nhẹ tác động của các bệnh NCD, WHO cho rằng cần một cách tiếp cận toàn diện có sự hợp tác của tất cả các lĩnh vực bao gồm y tế, tài chính, giao thông vận tải, giáo dục, nông nghiệp, quy hoạch... Trong đó, đầu tư cho việc quản lý tốt hơn các bệnh NCD là vấn đề trọng yếu.

Điều này bao gồm việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các bệnh đó, tạo điều kiện chăm sóc giảm nhẹ cho những người có nhu cầu. Các bằng chứng của WHO cho thấy những biện pháp can thiệp này là sự đầu tư kinh tế tuyệt vời, bởi nó giúp người bệnh được điều trị sớm, giảm bớt việc phải cần tới những dịch vụ điều trị đắt đỏ. (D.KIM THOA)

Khám sức khỏe tổng quát miễn phí: Điều xa xỉ của người nghèo thành hiện thực Khám sức khỏe tổng quát miễn phí: Điều xa xỉ của người nghèo thành hiện thực

TTO - 'Mình tôi nuôi 3 đứa cháu, hằng ngày phải nhặt ve chai kiếm tiền. Người hay đau đầu, mỏi vai và lưng nhưng không có tiền đi khám. Rất lâu rồi mới có dịp khám bệnh và nhận thuốc miễn phí", bà Đặng Thị Xảo vui mừng chia sẻ.

THÙY DƯƠNG - THU HIẾN - HƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên