Đội ngũ vớt rác kênh Nhiêu Lộc hết sức vất vả vì thói quen xấu của nhiều người dân: vứt rác vô tội vạ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều giải pháp được cơ quan chức năng tại các quận huyện, phường xã triển khai vận động đến nhà từng người dân. Song song với đó, hạ tầng xử lý rác cũng được thành phố chú trọng đầu tư để giải quyết tốt vấn đề môi trường - một áp lực lớn đối với sự phát triển của TP.HCM
2 triệu hộ dân ký cam kết
Nhận định người dân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện, trong 2 năm qua các đơn vị ở TP.HCM đã thực hiện hơn 7.000 cuộc đối thoại với người dân liên quan đến việc tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó đã vận động 2 triệu hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch.
Song song với việc đối thoại, chính quyền các phường xã cũng chú trọng trong việc tiếp thu góp ý, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
UBND 24 quận huyện trong 2 năm qua đã duy trì triển khai phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường và trật tự đô thị.
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết gần 9.000 ý kiến phản ánh của người dân. Chỉ trong 2 năm vận động đã tiếp nhận và xử lý hơn 20.000 ý kiến phản ánh mà người dân gửi về.
Kết quả triển khai từ khi thực hiện chỉ thị 19 đến nay qua kiểm tra, xử lý các phản ánh người dân, cơ quan chức năng đã xử phạt đối với 10.848 trường hợp với tổng số tiền khoảng 19,7 tỉ đồng.
Đồng thời, các quận huyện cũng tiếp tục vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh để hỗ trợ công tác xử phạt gián tiếp.
Sở Tài nguyên và môi trường cùng với UBND 24 quận huyện sẽ sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Chuyển đổi phương pháp xử lý rác
Song hành với vận động, tuyên truyền người dân không xả rác, chính quyền thành phố cũng nghiên cứu thay đổi phương thức xử lý rác để giảm áp lực rác thải đang đè nặng lên môi trường.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, khối lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn thành phố khoảng 9.700 tấn/ngày.
Để thực hiện được chỉ tiêu giảm chôn lấp đến năm 2020 xuống còn 50% và đến năm 2025 giảm còn 20%, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp cùng các sở ngành liên quan triển khai nhiều nhóm giải pháp như: chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đã có chủ trương, thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tổ chức khởi công 3 nhà máy xử lý chất thải rắn trong năm 2019 gồm 2 nhà máy xử lý rác sinh hoạt (công ty VietStar và Tâm Sinh Nghĩa), 1 nhà máy xử lý rác công nghiệp, nguy hại của Công ty Mộc An Châu với tổng công suất các nhà máy 4.500 tấn/ngày.
Và trong năm 2020 tiếp tục khởi công xây dựng thêm một 1 nhà máy xử lý rác sinh hoạt của Công ty Tasco để đáp ứng theo lộ trình TP đặt ra.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Không xả rác, sao quá khó?"
Vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" là nội dung chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM ban hành ngày 19-10-2018.
Sau hơn 2 năm thực hiện, cuộc vận động tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Rác vẫn còn xả bừa bãi. Tại sao một chuyện nhỏ như vậy nhưng lại quá khó để làm?
Làm sao để thay đổi nhận thức, hành vi của tất cả người dân? Tuổi Trẻ trân trọng kính mời quý bạn đọc, chuyên gia giáo dục, môi trường, luật pháp… cùng tham gia diễn đàn "Không xả rác, sao quá khó?"
Tin bài, hình ảnh tham gia diễn đàn này xin gởi về địa chỉ email: [email protected]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận