07/02/2017 09:25 GMT+7

TP.HCM nghiên cứu để dùng app trị bệnh xả rác

ÁI NHÂN - NGỌC ẨN - MAI HOA
ÁI NHÂN - NGỌC ẨN - MAI HOA

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM sở đang thử nghiệm áp dụng app chụp ảnh người vi phạm và dự kiến cuối tháng 2-2017 sẽ công bố thực hiện để người dân góp ý về sự cố cơ sở hạ tầng giao thông ở TP.HCM.

Một phụ nữ vứt rác xuống kênh Tân Hóa, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Một phụ nữ vứt rác xuống kênh Tân Hóa, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

Sau khi được UBND TP.HCM giao thẩm định Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP. Báo cáo khẳng định việc xử phạt thông qua các hình ảnh vi phạm do người dân chụp và gửi qua phần mềm là việc làm rất cần thiết.

Có thể vận hành

Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục giao Sở Tư pháp và Công an TP.HCM nghiên cứu quy định pháp lý để có thể vận hành ý tưởng này.

Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã nhận được chỉ đạo của UBND TP về việc nghiên cứu các quy định pháp lý xung quanh đề xuất này để tham mưu cho TP.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết Công an TP rất hoan nghênh ý tưởng này.

Với đề xuất xử phạt vi phạm môi trường, giao thông từ hình ảnh do người dân cung cấp qua phần mềm, đại tá Quang cho rằng hình ảnh ghi nhận vi phạm do người dân cung cấp có thể được tiếp nhận và xử lý theo quy trình như đối với tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm.

Từ hình ảnh tiếp nhận, cơ quan chức năng phải tiến hành các bước xác minh làm rõ nhân thân, hành vi vi phạm của người vi phạm.

“Việc xác minh phải thật chặt chẽ thông qua các biện pháp để làm sao khi xử phạt vi phạm thì phải đúng người, đúng vi phạm” - ông Quang nói.

Dự kiến công bố thực hiện cuối tháng 2-2017

Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sở đang thử nghiệm áp dụng app và dự kiến cuối tháng 2-2017 sẽ công bố thực hiện app để người dân góp ý về sự cố cơ sở hạ tầng giao thông ở TP.

Một phụ nữ góp phần làm đầy thêm đống rác trên quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, TP.HCM trưa 4-2 - Ảnh: HỮU KHOA
Một phụ nữ góp phần làm đầy thêm đống rác trên quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, TP.HCM trưa 4-2 - Ảnh: HỮU KHOA

Đồng thời sẽ phối hợp các cơ quan chức năng áp dụng app vào việc điều phối, xử phạt vi phạm giao thông như trong đề xuất.

Tiến sĩ Võ Văn Khang - phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam, chuyên gia công nghệ thông tin - cho biết để cài đặt phần mềm như đề xuất của ông Nguyễn Đức Nam là hoàn toàn khả thi, dễ dàng và nhiều tiện lợi.

Đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nước ta áp dụng tiến bộ công nghệ trong việc tạo ra các phần mềm phục vụ quản lý.

Ví dụ như Q.1 (TP.HCM) hơn một năm nay đã sử dụng phần mềm tiếp nhận, xử lý phản ảnh của người dân kèm theo tại trang web của quận. Khi một hộ dân bị nhà kế bên gây ồn (hát karaoke, gây rối...) có thể ghi âm tiếng ồn đó và chuyển qua hệ thống mạng về quận.

Khi người dân nhấn nút gửi thì thông tin kèm file ghi âm tiếng ồn sẽ được chuyển đồng thời đến văn phòng UBND quận để theo dõi và đến địa chỉ của lãnh đạo phường nơi có địa chỉ bị phản ảnh để giải quyết.

Cũng theo ông Khang, một ví dụ điển hình là hệ thống tiếp nhận, thông báo kẹt xe, mật độ lưu thông qua kênh giao thông đô thị trên làn sóng FM đã quen thuộc với người dân TP từ nhiều năm nay. Vấn đề là cần xây dựng quy trình tiếp nhận, sàng lọc, xử lý thông tin một cách khoa học.

Đây là điều tối quan trọng vì nhận thức, đánh giá hành vi vi phạm của người này, người kia trong nhân dân khác nhau.

Theo luật sư Nguyễn Đức Lâm - giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Q.Phú Nhuận (TP.HCM), theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thì tài liệu nghe được, nhìn được sẽ được xem là chứng cứ khi đi với các điều kiện kèm theo.

Do đó, việc xử phạt bằng hình ảnh, clip của người dân cung cấp có cơ sở khả thi để sử dụng làm căn cứ xử phạt với các thủ tục hợp pháp.

Luật sư Đức Lâm cho rằng với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì hoàn toàn có thể hợp thức các hình ảnh, clip thông qua phần mềm để thành cơ sở chứng cứ.

Vấn đề còn lại là cách làm, quy trình sao cho chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cần ban hành quy trình phù hợp với công nghệ để có thể xác định về thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm, nhân thân người vi phạm để làm căn cứ xử phạt.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phân loại mức độ cấp thiết của hành vi vi phạm như lái xe ngược chiều, vào đường cấm, xả rác, tiểu bậy, xả thải không đúng quy định... để có quy trình xử lý phù hợp. “Như vậy mới bảo đảm hiệu lực răn đe, lập lại trật tự, văn minh đô thị” - luật sư Đức Lâm nói.

 

ÁI NHÂN - NGỌC ẨN - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên