16/12/2016 12:57 GMT+7

TP.HCM làm thêm nhiều đường một chiều, vì sao?

N.ẨN - T.DUNG - Q.KHẢI
N.ẨN - T.DUNG - Q.KHẢI

TTO - Tổ chức giao thông một chiều trên nhiều tuyến đường lớn tại trung tâm và cửa ngõ TP.HCM ngay trong năm 2017 là một trong những đề xuất nhằm cấp bách giảm ùn tắc giao thông của Sở GTVT TP.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chuyển nhiều đường hai chiều thành một chiều và thực hiện ngay trong năm 2017, trong đó có đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp chiều 15-12) - Ảnh: Quang Định
Sở GTVT TP.HCM đề xuất chuyển nhiều đường hai chiều thành một chiều, dự định thực hiện trong năm 2017, trong đó có đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình (ảnh) - Ảnh: Quang Định

Trong cuộc họp mới đây với bí thư Thành ủy TP.HCM về tình hình giao thông tại TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP - đề xuất như vậy và cho biết đó là một trong những đề xuất, giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Đề xuất này gặp rất nhiều ý kiến khác nhau.

Vì sao làm đường một chiều?

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT - cho biết phần lớn các đường đề xuất một chiều là do các đường này có lưu lượng xe đông, thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Nguy cơ xảy ra ùn tắc là rất lớn, bất cứ lúc nào khi có sự cố xe va quẹt, xe chết máy… Vì vậy, việc tổ chức lưu thông một chiều sẽ làm giảm giao cắt, tăng khả năng lưu thông so với hai chiều.

Chẳng hạn, việc tổ chức đường một chiều Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ sẽ tạo ra một nút giao thông với vòng xoay lớn hình tam giác của ba trục đường này sẽ giúp xe lưu thông thoát nhanh hơn.

Liệu sở có tính đến tác động của đường một chiều gây ảnh hưởng đến hộ kinh doanh, xe đi đoạn đường xa hơn? Trả lời câu hỏi này, ông Đường cho biết việc điều chỉnh đường hai chiều thành một chiều sẽ phần nào ảnh hưởng đến một số đối tượng.

Tuy nhiên công tác này đã được triển khai thành công trên nhiều tuyến đường và nhiều khu vực thời gian qua như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), khu vực ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình)...

“Nhiều nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc và nhiều nước ở châu Âu từ lâu đã tổ chức đường một chiều ở ngay trung tâm TP mặc dù mặt đường không rộng nhưng xe lưu thông thông thoát. Do đó TP.HCM tổ chức đường một chiều sẽ mang lại hiệu quả giảm bớt kẹt xe trên đường” - ông Đường nói.

Theo ông Đường, trước khi triển khai kế hoạch, Sở GTVT sẽ có khảo sát, nghiên cứu số liệu cụ thể, tính toán đánh giá tình hình giao thông trước và sau khi thực hiện.

Ngoài ra sở cũng triển khai lấy ý kiến của nhân dân và các chuyên gia về giao thông với từng phương án. Đồng thời xây dựng mô hình lưu thông để đảm bảo việc lưu thông được tốt nhất cho cả khu vực trước khi áp dụng thực tế.

Dân cư sống bên đường lo lắng, người đi đường ủng hộ

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, phần lớn người dân ở hai bên đường Trường Chinh đều không đồng tình việc tổ chức đường một chiều.

Anh Nguyễn Ngọc Liêm - một người dân ở đường Cộng Hòa - nói: “Làm đường một chiều là không hợp lý. Các đường ngang giao cắt hai con đường Trường Chinh, Cộng Hòa như Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ - Tân Quý, Phạm Văn Bạch, Phan Huy Ích... đều là đường nhỏ hẹp và cũng đang bị kẹt xe nghiêm trọng giờ cao điểm.

Bây giờ, hai đường này thành đường một chiều thì lượng lưu thông trên các đường ngang sẽ càng tăng lên đáng kể, các điểm giao cắt lại càng kẹt thêm thôi!”.

Anh Quang Phú - người dân sống ở P.12, Q.Tân Bình - cho rằng: “Đường một chiều là tốt, tuy nhiên chỉ áp dụng khi có đủ đường để đi. Hiện nay, cả đường Cộng Hòa lẫn Trường Chinh đều không còn chỗ cho xe đi, phải nhích từng chút vào giờ cao điểm sáng và chiều vì đây là cửa ngõ phía bắc của Sài Gòn.

Về nguyên tắc, đường một chiều thì phải có đường song song đi ngược chiều lại, đằng này đường Cộng Hòa và Trường Chinh không song song, lượng xe lớn, mà lại quá dài.

Cả ba đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ thành một vòng lưu thông một chiều lớn buộc người dân đi rất xa, trong khi đường nối giữa hai đường này lại quá nhỏ. Tôi cho rằng nếu triển khai một chiều khu vực rộng lớn này sẽ gây rối loạn giao thông”.

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến người dân cư ngụ trên đường đầy băn khoăn, những người đi lại thường xuyên trên con đường dự kiến trở thành đường một chiều lại đồng tình. Nguyễn Văn Phú - sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế TP.HCM - khẳng định Sở GTVT phân luồng như vậy là hoàn toàn hợp lý.

“Mình thường xuyên qua lại hai con đường Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch để đến trường từ nhiều năm nay. Hai tuyến đường này thường xuyên ùn ứ, kẹt xe, xe cộ chạy hai chiều lộn xộn, nguy hiểm lắm. Vì vậy, hai tuyến đường này mà chuyển thành đường một chiều thì giảm hẳn kẹt xe, tai nạn ngay”.

Nguyễn Việt Minh - sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - chia sẻ: “Chiều nào đi học về mình cũng phải chịu cảnh kẹt xe, khói bụi nhiều giờ liền trên đường Cộng Hòa, chỉ một đoạn ngắn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến đường Nhất Chi Mai mà phải đi mất 20 phút vì kẹt xe. Vì vậy, việc lưu thông một chiều là rất cần thiết”.

Hộ kinh doanh lo lắng

Lo lắng nhất là các hộ kinh doanh. Anh Trần Thanh Phương - một chủ cửa hàng đèn trang trí trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) - phân vân: “Sở GTVT phân luồng như vậy rồi việc kinh doanh, mua bán của các hộ kinh doanh nằm bên lề trái đường sẽ ra sao?”.

Theo anh Phương, tại nhiều đường một chiều ở TP.HCM, các cửa hàng, quán ăn nằm phía bên trái đều buôn bán ế ẩm vì bất tiện dừng đỗ xe. Một vài cửa hàng vì lý do này mà phải chịu lỗ suốt thời gian dài rồi buộc phải đóng cửa không cầm cự nổi.

“Đường Lê Quý Đôn từng là đường một chiều mà có giải quyết được gì đâu. Bây giờ phải mở đường Lê Quý Đôn lại thành hai chiều đó thôi” - anh Phương bày tỏ.

Còn chị Trương Thị Thu Diệu - chủ tiệm uốn tóc trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) - than thở: “TP quy hoạch đi đường một chiều thì những hộ kinh doanh bên trái đường như tôi chắc phải đóng cửa vì ế ẩm. Trong khi đó, kẹt xe phần chính là do va quẹt nhỏ, xe lấn làn, chen lấn, vượt đèn đỏ, dừng đỗ dỡ hàng hóa.

Sở GTVT nên bắt đầu giải quyết ùn tắc từ vấn đề ý thức giao thông của người dân, đồng thời tập trung mở rộng diện tích đường thay vì làm đường một chiều rồi cho xe chạy lòng vòng như vậy”.

Ông Trần Quang Phượng - nguyên giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cũng chia sẻ việc phân luồng đường một chiều luôn gặp sự phản ứng dữ dội của một số người dân.

Cụ thể là cách đây nhiều năm khi phân luồng đường một chiều Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 và đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), sở đã nhận một số đơn thư khiếu nại của người dân vì ảnh hưởng đến việc buôn bán, đi lại làm ăn.

“Thế nhưng sau khi phân luồng thành đường một chiều, các tuyến đường trên trở nên thông thoáng và bà con trên đường cũng đồng tình, ủng hộ việc tổ chức một chiều” - ông Phượng nói.

Một số phương án đường một chiều

1. Đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình): làm vòng lưu thông lớn một chiều theo hướng Trường Chinh --> Hoàng Văn Thụ --> Cộng Hòa.

Hướng lưu thông một chiều qua các đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)

2. Đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Q.Gò Vấp):

- Đường Lê Quang Định một chiều từ Phạm Văn Đồng đến Phan Văn Trị.

- Đường Phan Văn Trị một chiều từ Lê Quang Định đến Phạm Văn Đồng.

Hướng lưu thông một chiều qua các đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Phan Văn Trị - Lê Quang Định (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)

3. Đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch (Q.1, Q.3):

- Đường Hai Bà Trưng một chiều từ Công trường Mê Linh đến Võ Thị Sáu.

- Đường Phạm Ngọc Thạch một chiều từ Võ Thị Sáu đến Lê Duẩn.

Hướng lưu thông một chiều qua các đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)
Hướng lưu thông một chiều qua các đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)

4. Đường Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn (Q.3):

- Đường Trần Quốc Thảo một chiều từ Võ Thị Sáu đến Võ Văn Tần.

- Đường Lê Quý Đôn một chiều từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Võ Thị Sáu.

Dự kiến hướng lưu thông một chiều của đường Lê Quí Đôn và đường Trần Quốc Thảo - (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)
Dự kiến hướng lưu thông một chiều của đường Lê Quí Đôn và đường Trần Quốc Thảo - (Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ở chế độ phóng to)

Được cái này mất cái kia, nên cần tính toán kỹ

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho biết các đường như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ... hiện nay kẹt xe, ùn tắc rất nghiêm trọng, do đó ông ủng hộ việc tổ chức một chiều ở đây.

Tuy nhiên, theo TS Cương, vấn đề xe cộ chỉ lưu thông một hướng duy nhất cũng sẽ rất bất tiện cho người dân khi họ muốn quay đầu xe hoặc người đi tìm số nhà. Trước đây cũng từng có vài con đường sau thời gian tổ chức đường một chiều thì phải ngừng và tổ chức lại đường hai chiều vì không hiệu quả.

Do vậy, Sở GTVT cần tổ chức nghiên cứu cụ thể tình hình giao thông trên từng đường trên, lưu lượng xe cộ qua lại như thế nào để xác định lại đường nào nên, đường nào không nên một chiều.

Tương tự, PGS.TS.KS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM - cho biết các đường mà Sở GTVT dự kiến tổ chức lưu thông một chiều là hoàn toàn hợp lý, bắt buộc phải làm để giảm bớt kẹt xe.

Ông đề xuất thêm: những hộ kinh doanh thuộc lề đường bên trái sẽ khó buôn bán được, bất động sản ở lề trái đường cũng ảnh hưởng, vì vậy phải có chính sách cụ thể vận động người dân hoặc miễn thuế trong một khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ họ lo cho cuộc sống.

Đồng tình với việc tổ chức đường một chiều, nhưng TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - nhận định thêm rằng phương án tổ chức đường một chiều chỉ là giải pháp tình thế, tình trạng ùn tắc cũng chỉ được khắc phục trong thời gian 5 - 10 năm rồi sẽ lại tiếp diễn.

“Giải pháp căn cơ nên tập trung thực hiện ngay từ bây giờ là hạn chế nhập xe, mở đường mới, nâng cấp đường cũ, phát triển xe buýt nhanh, đường sắt đô thị” - TS Thắng nói.

Còn PGS.TS Chu Công Minh - bộ môn cầu đường, khoa kỹ thuật xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM - cho rằng trước khi thực hiện, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, mô phỏng các mô hình tính toán về lưu lượng, về lộ trình thay thế khi tuyến đường này hoặc tuyến đường kia thành một chiều.

N.ẨN - T.DUNG - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên