Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời là chủ trương đã được TP.HCM thực hiện từ năm 2003. Điển hình cho chủ trương này là đã có hơn 1.300 doanh nghiệp sản xuất đã phải di dời khỏi khu vực nội thành hoặc chuyển đổi ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, hiện nay, việc tái ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất lại đang diễn biến khá phức tạp.
Để giải quyết vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cho biết, sở đã trình UBND TP.HCM cho phép tái thành lập ban chỉ đạo di dời.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là ban chỉ đạo di dời đã được thành lập, nhưng không biết phải di dời số doanh nghiệp gây ô nhiễm này về đâu. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời đợt này là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, rất nhỏ.
Bản thân họ không đủ sức để tự xây dựng hệ thống xử lý chất thải; họ cũng không thể vào khu chế xuất, khu công nghiệp vì không đảm bảo diện tích thuê; còn di dời vào cụm công nghiệp thì hiện các cụm công nghiệp chưa kêu gọi được nhà đầu tư hạ tầng nên không đảm bảo an toàn môi trường.
Trước thực tế trên, UBND TP.HCM vừa giao Sở Công thương nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý. Sở Công thương TP.HCM cho rằng, không thể mãi du di cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường được.
Nếu các doanh nghiệp sản xuất nhưng không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về an toàn môi trường, hoặc không đảm bảo được các điều kiện cần thiết để di dời vào khu sản xuất tập trung thì phải chấp nhận bị buộc ngừng hoạt động.
Có thể việc buộc ngừng hoạt động những cơ sở nhỏ này sẽ gây nên những tổn thất kinh tế nhất định. Thế nhưng, nếu du di thì về lâu dài những lợi ích kinh tế thu được từ những cơ sở này sẽ không đủ để tái đầu tư cho các dự án cải thiện chất lượng môi trường.
Đến lúc đó thì không những thành phố chịu tổn hại do chi phí ngân sách đầu tư cải thiện môi trường cao hơn mà người dân chịu thiệt thòi hơn khi chất lượng môi trường sống bị suy giảm nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận