Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 29-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần 'chống dịch như chống giặc'.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.
Về nơi lây nhiễm, theo ông Phong, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% tại nơi làm việc, 15% trong gia đình và 5% trong quan hệ bạn bè.
Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM.
Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra cũng không loại trừ có thể có một số người sinh hoạt ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.
"Việc này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện", ông Phong nhấn mạnh.
Về giải pháp thời gian tới, ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên.
Mặt khác, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động; tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm, qua đó phát hiện sớm ca bệnh.
Doanh nghiệp chủ động điều chỉnh việc vận hành sản xuất để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò tổ COVID-19 cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết hiện người trên 18 tuổi của TP.HCM hiện là 7,2 triệu. Các nhóm đối tượng do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vắc xin với Bộ Y tế là 1,6 triệu người.
Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ... khoảng 5,6 triệu người.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vắc xin này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, do đó nhu cầu vắc xin của các nước đang tăng lên, dẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin.
Có thể nói việc tiếp cận vắc xin là một cuộc chạy đua nước rút đối với hầu hết các nước nhằm sớm thoát khỏi đại dịch và chuyển sang phục hồi kinh tế mạnh mẽ.
Theo ông Dũng, đối với các nước giàu, họ mua vắc xin với số lượng rất lớn, nhiều nơi vượt qua cả dân số của họ. Một số nước sẵn sàng chia sẻ với các nước đang phát triển.
Trong khi đó, các nước đang phát triển cạnh tranh nhau rất quyết liệt để có thể có được nguồn vắc xin, cạnh tranh về công nghệ sản xuất, nơi sản xuất vắc xin.
Trong tình hình đó, Thủ tướng và ban chỉ đạo đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Thủ tướng đã điện đàm với nhiều lãnh đạo của các nước trên thế giới. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế để tiếp cận với các nước, đề nghị các nơi trên thế giới cung cấp và hợp tác, vận động khả năng chuyển giao công nghệ vắc xin cho Việt Nam.
Tính đến ngày 28-5, Việt Nam nhận được hơn 100 công điện gửi về nước về vấn đề vắc xin. Kết quả đến nay đã nhận được cam kết hỗ trợ của lãnh đạo cấp cao rất nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ, EU, Pháp, Ấn Độ, Úc...
Nhật đã cam kết giúp đỡ chúng ta 200 triệu yen để cung cấp trang thiết bị bảo quản vắc xin, Úc cam kết hỗ trợ 40 triệu đôla Úc, UNICEF hỗ trợ 10 triệu đôla, Trung Quốc cung cấp cho chúng ta 500.000 liều vắc xin…
“Hiện nay chúng ta đã tiếp cận được các kênh đầu mối quan trọng, một số đối tác đã nêu các giải pháp cụ thể. Kiến nghị Thủ tướng, lãnh đạo cấp cao, Bộ Y tế tiếp tục gửi thư đến các lãnh đạo đối tác đề nghị viện trợ cung cấp và chuyển giao công nghệ vắc xin cho Việt Nam, nhất là các nước có đầu tư lớn tại Việt Nam. Vận động những nước mà chúng ta đã mua vắc xin giao hàng đúng tiến độ và các đối tác tăng cường vắc xin cho Việt Nam. Thúc đẩy triển khai kịp thời cam kết của các nước đối với Việt Nam”, ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận