TP.HCM cần có thêm nhiều dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phát triển. Trong ảnh: dự án chống ngập của thành phố tại huyện Nhà Bè đang được đầu tư xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đặc biệt là thực hiện ước mơ lấy lại phong độ đầu tàu kinh tế như từng đạt tăng trưởng kinh tế hai con số.
Trong cuộc họp ngày 20-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về “Dự thảo nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM”, nhiều ý kiến đã đồng tình với đề xuất của Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội và kiến nghị của TP.
Ngoài ra, Chính phủ và TP.HCM cũng sẽ chuẩn bị thêm một số kiến nghị cụ thể về cơ chế và các chính sách khác để trình Quốc hội xem xét. Đó là một tín hiệu tốt cho TP.HCM và cả nước nói chung. Tại sao nói như thế?
Nửa sau của danh sách xếp hạng
TP.HCM là nơi sinh sống của 13-14 triệu dân (gồm cả người vãng lai), nhiều gấp 2,3 lần dân số Singapore.
Đây cũng là nơi 50% doanh nghiệp của cả nước hoạt động, cũng là nơi chăm lo sức khỏe (với nhiều bệnh viện lớn), đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu... cho cả nước.
Từ đây, hàng hóa “made in Vietnam” tỏa đi khắp thế giới và cũng là một trong những cửa ngõ đón bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Ở vị trí đặc biệt như thế, ngoài vinh dự còn có trách nhiệm, đó là phải đảm đương vị trí mặt tiền, đầu tàu.
TP.HCM cũng là nơi các tổ chức quốc tế, nhóm nghiên cứu chọn là nơi đại diện cho Việt Nam, bên cạnh Hà Nội để xếp hạng những TP trên thế giới.
Những TP này được xem là bộ mặt của quốc gia, khách du lịch và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu. Với Việt Nam, người ta thường nhìn vào TP.HCM, là Sài Gòn trước đây.
Tuy nhiên, nhiều chỉ số xếp hạng toàn cầu cho thấy TP.HCM chỉ đứng ở nửa sau của bảng xếp hạng.
Dưới con mắt bạn bè quốc tế và nếu chúng ta cứ xem như TP.HCM là một TP đại diện của đất nước, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng này.
Sự cải thiện thứ hạng không phải là thành tích, mà vì chất lượng sống cho chính cư dân của TP, là động lực để TP phát triển mạnh hơn, vững hơn, nhanh hơn và cũng để bạn bè quốc tế tìm đến TP nhiều hơn.
Nói như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, TP.HCM đang chuẩn bị một đề án tăng trưởng kinh tế hai con số, thay vì một con số như hiện nay.
Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, cho thấy TP.HCM đang khát khao lấy lại phong độ đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bởi TP.HCM từng tăng trưởng hai con số (giai đoạn 2011-2015, TP.HCM tăng trưởng bình quân 9,6%/năm - tính theo GRDP là 7,24%, trong khi 5 năm trước đó là 11,2%/năm).
Một khi TP.HCM thực hiện được hoài bão này, cái bánh ngân sách to ra, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, từ giao thông, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học... tốt hơn, chất lượng sống của người dân TP được cải thiện và cả nước cũng được hưởng thành quả.
TP.HCM đạt tăng trưởng hai con số, chắc chắn những toa tàu kinh tế của khu vực và đoàn tàu của cả nước rầm rập chạy.
Không chỉ là tiền
Chắc chắn TP.HCM không thể trở lại tăng trưởng hai con số khi mà cơ sở hạ tầng luôn quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đang sống tại đây và còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư kêu ca khi hàng hóa của họ bị chậm luân chuyển vì giao thông ách tắc.
Toàn bộ tiền thuế xuất nhập khẩu mà TP.HCM thu được đều được điều tiết về trung ương, trong khi cơ sở hạ tầng của TP.HCM phải gánh một lượng hàng hóa xuất khẩu khổng lồ và phần lớn hành khách đến TP.HCM du lịch và làm việc.
TP.HCM cũng đã cố xoay trở, tìm lối đi riêng, nhưng không thể tạo ra sự bứt phá nếu cũng phải chạy trong khuôn thước pháp luật đang áp dụng cho 63 tỉnh thành.
Một TP đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước, trên 22% GDP mà không được đầu tư tương xứng, không có cơ chế đặc thù thì khó lòng duy trì ưu thế của mình.
Và thực tế cho thấy TP đang đối mặt với những bài toán nan giải về giao thông, hạ tầng, môi trường... mà nếu còn chần chừ chậm giải quyết, có thể triệt tiêu động lực phát triển của TP.
Cơ chế đặc thù đó, tiền - vốn là quan trọng, phải tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP mà không nên kèm theo điều kiện. Cũng cần phải có những cơ chế đặc thù khác trong giao thông, giáo dục...
Cụ thể phải phân cấp nhiều hơn cho TP trong các lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng tính tự chủ về ngân sách, được quyết định một số khoản thu - chi, đầu tư, quy hoạch, bộ máy tăng quyền xử phạt hành chính... cho phù hợp với điều kiện của TP.
Thiếu những cơ chế đó, TP.HCM chỉ vươn lên trong ngõ hẹp, khó lấy lại được phong độ vốn có của mình. Bộ Chính trị đã có 2 nghị quyết quan trọng về TP.HCM, vấn đề quan trọng là cụ thể hóa các chỉ đạo này để TP.HCM sớm cất cánh nhanh hơn, cao hơn.
Số liệu tổng thu ngân sách và phần TP.HCM được giữ lại
Đơn vị: tỉ đồng
* Theo chỉ số TP toàn cầu (Global Cities Index), năm 2016 TP.HCM đứng thứ 76/125 TP. * Cũng trong năm 2016, về chỉ số triển vọng TP toàn cầu (Global Cities Outlook), TP.HCM xếp hạng 97/125 TP. So với một số TP khác ở khu vực Đông Nam Á được xếp hạng thì chúng ta chỉ trên Jakarta hạng 110, còn xếp sau Kuala Lumpur hạng 54, Bangkok hạng 89, Manila hạng 74... (nguồn: A.T.Kearney Global Cities). * Xếp hạng TP chuyển động năm 2015 - theo IESE Cities in Motion 2016, TP.HCM xếp 158/181 TP. * Còn theo tiêu chí chất lượng sống (Quality of Living rankings) do Tổ chức Mercer đánh giá năm 2016, TP.HCM hạng 152/230 TP... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận