Phối cảnh trạm buýt BRT |
Sáng 22-10, phát biểu tại buổi hội thảo dự án “Phát triển giao thông xanh TP.HCM” - bà Jen Jungeun Oh, trưởng nhóm công tác của World Bank (Ngân hàng Thế giới) cho biết sẽ đầu tư xây dựng tuyến buýt nhanh (gọi tắt là buýt BRT) trên đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt.
Tuyến buýt này đi qua các quận 1, 2, 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh, sẽ tăng niềm tin và sự hài lòng của người dân đi xe buýt.
Xe buýt nhanh do có làn đường ưu tiên
Gọi là tuyến buýt nhanh bởi thời gian đi xe buýt BRT được rút ngắn hơn và kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Hiện nay người dân không hài lòng đi xe buýt bình thường do thời gian hành trình chậm trễ nên có người bỏ xe buýt đi xe cá nhân.
Theo ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM - chủ đầu tư dự án, tuyến buýt BRT số 1 là loại hình vận tải hành khách công cộng mới có thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn.
Xe buýt BRT chạy nhanh hơn xe buýt bình thường ở chỗ có làn đường ưu tiên và khi xe đến giao lộ được đèn tín hiệu giao thông cho ưu tiên.
Đồng thời trên tuyến BRT sử dụng hệ thống ITS tổ chức giao thông thông minh hạn chế ùn tắc giao thông trên đường nên giúp cho xe BRT được lưu thông thông thoáng nhanh hơn.
Đây cũng là tuyến xe buýt thân thiện với môi trường vì các xe sử dụng nhiên liệu CNG (khí nén thiên nhiên).
Đồng thời, việc xây dựng tuyến buýt nhanh BRT tạo tiền đề cho việc phát triển các tuyến buýt nhanh khác, góp phần phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, tích hợp cho TP phát triển trong tương lai.
Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 chạy ở giữa đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 23km. Trong đó, đầu tư xây dựng 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ (11 cầu xây mới, 6 cầu cải tạo) để tạo thuận lợi cho người dân từ hai bên đường tiếp cận với tuyến xe buýt này.
Đầu tư 28 xe buýt nhanh BRT dùng nhiên liệu sạch CNG
Dự án còn nghiên cứu việc tích hợp (giá vé, vận hành) của tuyến xe buýt BRT với các tuyến tàu điện ngầm (metro) trong tương lai. Theo đó, hành khách có thể dùng thẻ trả tiền vé xe buýt hoặc tuyến metro.
Dự án còn xây dựng chính sách nhằm khuyến khích phát triển giao thông công cộng dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, nghiên cứu mô hình hợp tác công tư (PPP) và hoàn thiện cơ chế tài chính việc triển khai hệ thống BRT và metro của thành phố trong tương lai.
Hiện dự án đang trong quá trình thiết kế chi tiết và tuyển chọn nhà thầu. Dự kiến công trình thi công vào tháng 1-2017 và đưa vào vận hành cuối năm 2018.
Tổng mức đầu tư dự án là 137,5 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 124 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Được biết, hiện nay nhiều quốc gia ở châu Á đã có xe buýt BRT như Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ở châu Âu như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những tuyến xe buýt BRT.
Trong ảnh tuyến xe buýt nhanh đi giữa làn đường Võ Văn Kiệt, hành khách từ bên bờ kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ phía Q.4 và Q.8 dễ dàng qua cầu đi bộ để đến tuyến buýt nhanh BRT |
Sơ đồ tuyến buýt nhanh trên đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt |
Việc xây dựng trạm buýt BRT nằm giữa đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt gắn kết với cầu đi bộ tạo thuận lợi cho người dân đi buýt BRT và không gây cản trở làn xe đang lưu thông trên đường |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận