Đường Trường Chinh là một trong những đường cửa ngõ phía tây bắc đi về trung tâm thành phố thường bị kẹt cứng vào giờ cao điểm - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ chính được coi là quan trọng nhất. Thế nhưng, từ nay đến năm 2020 - chỉ còn hơn hai năm nữa - TP vẫn chưa biết tìm đâu ra 162.000 tỉ đồng cho 32 dự án đang chờ.
Thiếu vốn, vậy phải làm sao?
Nhiều dự án... trên giấy
Theo quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, đến thời điểm đó, về cơ bản các trục đường bộ chính, các trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm vành đai phải được hoàn thiện.
Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn không được thực hiện đúng kế hoạch.
Không chỉ thế, một số dự án được xếp vào diện ưu tiên đầu tư giai đoạn 2013-2015 nhưng đến nay vẫn còn... trên giấy.
Chẳng hạn như dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 (nay là cầu Phú Hữu, Q.9) đến nút giao Gò Dưa (Q.Thủ Đức) và đường vành đai 2 đoạn từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh).
Các dự án này đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư vì vốn đầu tư dự án quá lớn, hơn 13.000 tỉ đồng.
Cũng giai đoạn 2013-2015, việc đầu tư tuyến đường sắt số 1, số 2 và số 5 phải được thực hiện nhưng đến nay chỉ mới triển khai duy nhất tuyến đường sắt số 1; yêu cầu đầu tư 3 tuyến buýt nhanh BRT nhưng đến nay chỉ có tuyến buýt BRT số 1 trên đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt đang trong giai đoạn... thiết kế!
Còn dự án được xếp vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 như xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao số 4 từ đường Vườn Lài (Q.12) đến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) đến nay vẫn án binh bất động.
Đồ họa: V.CƯỜNG |
162.000 tỉ đồng: ở đâu?
Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết vì đồng vốn eo hẹp nên đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, sở đang rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải và đảm bảo thực hiện đầu tư theo mục tiêu quy hoạch.
Sở GTVT xác định 189 dự án có vốn đầu tư hơn 318.000 tỉ đồng, trong đó có 157 dự án tìm được nguồn vốn 157.000 tỉ đồng. Còn lại 32 dự án chưa tìm được nguồn vốn đầu tư 162.000 tỉ đồng, tức còn thiếu hơn 50% kinh phí.
Vậy làm sao đủ tiền làm các dự án? Ông Bùi Xuân Cường cho biết sở đã kiến nghị TP đề xuất Chính phủ chấp thuận cho phép TP được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguồn vốn ODA.
Ngoài ra, sở kiến nghị TP xem xét bổ sung nguồn vốn khoảng 67.000 tỉ đồng từ nguồn vốn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để tập trung thực hiện các dự án giao thông mang tính quan trọng.
Đồng thời, kiến nghị trung ương hỗ trợ TP 37.282 tỉ đồng đầu tư các dự án giao thông quan trọng để giải quyết ùn tắc giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước).
Bên cạnh đó, cho phép TP huy động trực tiếp các nguồn lực trong xã hội thông qua các hình thức huy động ngoại tệ, kiều hối, vàng... trong nhân dân.
Mặt khác, để thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), ông Cường cho rằng TP cần khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất từ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị để bảo đảm quỹ đất đối ứng cho dự án BT (xây dựng, chuyển giao).
Theo ông Bùi Xuân Cường, để có đủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng, TP có thể thực hiện một số giải pháp khác như cho phép huy động các nguồn lực đầu tư tư nhân; sử dụng nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng tài chính hoặc thông qua các tổ chức tín dụng tài chính để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng hoặc thông qua các tổ chức này huy động nguồn vốn vay, ngoại tệ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận